Cần một chiến dịch truyền thông cho vấn đề phân loại rác
Truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong thực hiện quy định về phân loại rác sinh hoạt, để Nghị định 45/2022/NĐ-CP đi vào cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học về vấn đề truyền thông phân loại rác thải và Nghị định 45/2022/NĐ-CP, gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định còn rất nhiều việc cần làm để Nghị định này đi vào cuộc sống. Trong đó, công tác truyền thông phải được chú trọng đặc biệt.
Mất tối thiểu 1 năm để truyền thông về phân loại rác
PGS.TS. Nguyễn Văn Dững cho rằng, Nghị định 45/2022/NĐ-CP nói chung và quy định về phân loại rác nói riêng vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp thiết hiện nay. Bởi nó sẽ làm sạch được môi trường ngay từ gốc, từ hộ gia đình. Phân loại tốt được rác cũng sẽ xử lý được tốt, giảm thiểu tác hại tới môi trường và có thể biến rác trở thành nguồn tài nguyên như phân bón hữu cơ cho cây, năng lượng nhiệt điện… Tuy nhiên, để Nghị định đạt hiệu quả và mang đúng ý nghĩa của nó thì cần phải có chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi.
"Thực tế hiện nay người dân không biết cách phân loại rác như thế nào, cư dân ở khu đô thị còn thờ ơ về việc này và gần như không ai hướng dẫn chu đáo và chẳng mấy ai thực hiện. Tất nhiên còn có những lỗ hổng về các quy định, quy chuẩn, văn bản hướng dẫn liên quan, thiếu túi tự phân hủy để đựng rác… Nhưng nhìn riêng về công tác tuyên truyền phân loại rác thì có thể khẳng định là làm chưa tốt", PGS.TS. Nguyễn Văn Dững nhận định.
Để Nghị định 45/2022/NĐ-CP biến thành hiện thực sinh động, không chỉ tuyên truyền, mà quan trọng hơn là cần một chiến dịch truyền thông hiệu quả; cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức cơ sở, nhất là tổ dân phố cơ sở như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Việc tuyên truyền phải đến từng khu dân cư, từng bản làng, từng hộ dân và mỗi người dân. Điều này cũng cần thực hiện thường xuyên, theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".
Vị nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Nhất định phải có một chiến dịch truyền thông vận động xã hội, theo mô hình truyền thông thay đổi hành vi một cách bài bản với sự tham mưu của chuyên gia. Thời gian cho chiến dịch này, nhanh thì cũng phải 1 năm và làm liên tục. Bởi thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng không đơn giản. Không phải cứ ra rả trên ti vi, báo đài, trên mạng xã hội là người dân thực hiện được. Sau 1 năm làm chiến dịch truyền thông thì có thể tiến hành kiểm tra, kèm theo chế tài xử phạt".
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tổ chức các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để hỗ trợ sản xuất túi tự phân hủy để phát (hoặc bán) cho người dân bỏ rác vào. Đồng thời hoàn thiện các công cụ pháp lý, văn bản hướng dẫn… liên quan đến phân loại rác.
Dù còn nhiều bất cập, song, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững cũng cho rằng Nghị định 45/2022/NĐ-CP được ban hành trong thời điểm này là phù hợp; bởi môi trường nói chung và phân loại rác nói riêng là những vấn đề gắn với với cuộc sống hàng chục triệu hộ gia đinh, có ý nghĩa tích cực về nhiều mặt cho xã hội.
Báo chí phải bám sát cuộc sống hơn nữa
Với chức năng định hướng nhận thức, thái độ, hành vi của người dân và chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên trên thực tế, báo chí vẫn chưa làm tốt vai trò này. "Nhìn chung, các bài viết hiện nay đều đang hời hợt, chỉ nêu hiện trạng vấn đề, chưa bám sát sự việc, chưa giới thiệu rộng rãi các mô hình làm tốt, làm hay; cũng như chưa phê phán các nơi còn chậm triển khai hoặc làm hình thức, chiếu lệ. Việc người dân chưa nhận thức được ý nghĩa và không biết phân loại rác cũng là biểu hiện cho thấy báo chí chưa làm tốt chức năng của mình", PGS.TS. Nguyễn Văn Dững chia sẻ.
Theo ông, để cải thiện tình trạng này, phóng viên, nhà báo phải bám sát vào cuộc sống, tìm hiểu tình hình phân loại rác ở các địa phương; địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa, tại sao lại như vậy; có biểu dương, có phê phán; phải đưa ra kinh nghiệm, bài học, những mô hình thực hiện tốt quy định phân loại rác. Đồng thời, báo chí cần phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những rào cản trong quá trình thực hiện Nghị định để các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ, cùng người dân giải quyết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google