Quy định phải phân loại rác sinh hoạt: Ý thức của người dân là mấu chốt
Đây là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy khi bàn về quy định phạt tiền người dân không phân loại rác sinh hoạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Điểm đáng chú ý trong Nghị định này là quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Nội dung này đã vấp phải nhiều phản ứng của người dân với hàng loạt thắc mắc về tính khả thi, quá trình chuẩn bị và những công cụ liên quan để Nghị định được thực hiện hiệu quả, mang lại ý nghĩa tích cực cho môi trường.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên của Tạp chí Điện tử Công dân và Khuyến học đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy, giảng viên bộ môn Kỹ thuật môi trường, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
PV: Tiến sĩ có đánh giá gì về ý nghĩa của Nghị định 45/2022/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy: Trước tiên phải nói là có Nghị định đã là mừng rồi. Điều này chứng tỏ Nhà nước đã quan tâm đến các vấn đề về môi trường nói chung và vấn đề phân loại rác nói riêng.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần một khoảng thời gian nữa mới đi vào cuộc sống được. Bởi lẽ ban hành Nghị định mới chỉ là bước đầu tiên. Còn rất nhiều thứ phải làm.
Ví dụ như phải có hướng dẫn cụ thể cách phân loại rác, cách thu gom rác đã phân loại. Trong Nghị định này chưa nhắc tới và cũng chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn những điều này cả.
Thứ hai là phải xây dựng được cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc thu gom và xử lý rác đã phân loại. Cái này thì chúng ta cũng chưa có. Tất cả công ty môi trường hiện nay đều sử dụng xe đẩy tay và bỏ các loại rác lên xe đó.
Thu gom xong và phân loại như thế nào thì bây giờ chúng ta cũng chưa có những tiêu chuẩn để thực hiện.
Thứ ba, khi đã có văn bản hướng dẫn rồi, có cơ sở hạ tầng rồi thì phải hướng dẫn người dân thực hiện và phải thực hiện công tác tuyên truyền nữa.
Cuối cùng, mới là xây dựng một bộ máy để quản lý các việc này.
Như vậy, theo quan điểm của tôi thì phải có ít nhất 4 bước nữa.
Việc thực thi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP sẽ rất khó nếu như không có sự quyết liệt và Nhà nước không triển khai những công việc tiếp theo.
PV: Những khó khăn khi thực thi Nghị định này cụ thể là gì, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy: Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang còn thiếu toàn bộ những thứ cần thiết để triển khai Nghị định.
Ví dụ như chưa có thông tư hướng dẫn, chưa có hạ tầng phù hợp, người dân chưa có ý thức về phân loại rác, bộ máy quản lý thì không thể là quản lý…
Bản thân tôi cũng dành thời gian để suy nghĩ xem là Nghị định này nên đi theo con đường nào? Và tôi thấy rằng có 2 trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện Nghị định số 45/2022/NĐ-CP mà chắc chắn phải vượt qua.
Thứ nhất là ý thức của người dân. Chừng nào mà người dân còn chưa có ý thức tầm quan trọng của phân loại rác thì Nghị định này sẽ không thể thực thi.
Một người đã phân loại rác rồi, nhưng khi nhìn ra xung quanh, những người khác lại không phân loại, mọi người đều không bỏ rác đúng chỗ thì người đang thực hiện đúng sẽ cảm thấy việc làm của mình không có ý nghĩa và họ nhanh chóng chán nản.
Thứ hai, phải có sự tham gia của cộng đồng trong vấn đề giám sát. Không nhà nước nào có thể xây dựng bộ máy chính quyền để đi soi xem là ai là người bỏ rác đúng, ai là người sai, ai là người đã phân loại, ai là người chưa.
Tốt nhất là người dân giám sát người dân. Nếu cộng đồng đều có ý thức thì khi một người làm sai sẽ rất dễ bị phát hiện và dễ bị lên án. Lần 2 mà còn tái diễn sẽ bị báo lên cơ quan chức năng, việc thực hiện xử phạt cũng sẽ dễ dàng. Ý thức của người dân là mấu chốt để thực thi Nghị định này.
PV: Như Tiến sĩ có chia sẻ là chúng ta còn đang thiếu nhiều yếu tố để thực thi có hiệu quả Nghị định 45/2022/NĐ-CP, như cơ sở hạ tầng, các thông tư, quy chuẩn, hướng dẫn… Theo Tiến sĩ, việc ban hành Nghị định thời điểm này có phù hợp không?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy: Theo tôi, việc đưa ra Nghị định số 45/2022/NĐ-CP vào thời điểm này là tương đối phù hợp bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định về việc phân loại rác rồi. Tức mọi người dân đã biết việc này.
Thứ hai, đầu năm 2022, câu chuyện phân loại rác lại được nhắc đến rất nhiều trên báo chí.
Điều này cho thấy Chính phủ đang không để Luật Bảo vệ môi trường bị lắng xuống.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 25/8 sẽ dẫn đến câu chuyện là đa số các văn bản pháp quy liên quan của Việt Nam phải ra đời vào thời gian ngay sau đó thì Nghị định này mới vào cuộc sống được.
Giống như các nghị định khác, cứ có hiệu lực như thế đã, còn việc thực hiện sẽ cần phải một thời gian.
Tuy nhiên, ít nhiều gì thì đây cũng là điểm tốt, người ta cũng biết rằng phải phân loại rác. Họ biết có thể bị xử phạt rồi và cũng sẽ phải suy nghĩ xem là sau này mình thực hiện như thế nào.
PV: Tiến sĩ có đề cập đến việc phải nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề môi trường nói chung và phân loại rác nói riêng. Theo ông, công tác tuyên truyền về môi trường ở nước ta hiện nay đang diễn ra như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy: Những vấn đề về môi trường của Việt Nam còn rất ngổn ngang. Dĩ nhiên là lỗi từ nhiều phía, nhưng tôi nghĩ công tác tuyên truyền chưa hiệu quả cũng góp phần tạo nên hiện trạng này.
Thứ nhất, các đơn vị truyền thông chưa đi đúng hướng. Đa số mới chỉ nêu ra cái vấn đề, theo tôi đánh giá là những vấn đề rất nhỏ, chưa đi đến tổng thể và cũng chưa đi vào chi tiết.
Thứ hai, truyền thông hiện nay mới chỉ nêu ra câu chuyện ô nhiễm như thế nào nhưng chưa tuyên truyền cho người dân hiểu là phải làm thế nào để bớt nguy hiểm. Đa số cũng chỉ nêu lên thực trạng thôi.
Thứ ba, các kênh tuyên truyền của chúng ta còn hạn chế. Tôi thấy việc tuyên truyền ở trên truyền hình và radio là nhiều. Còn các kênh tuyên truyền có nhiều người theo dõi, đặc biệt là các kênh giới trẻ hay dùng thì gần như vắng bóng.
Điều này dẫn đến việc là giới trẻ rất ít tiếp cận với vấn đề môi trường.
Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều kênh khác nữa có những cách tuyên truyền phù hợp với giới trẻ hơn thay vì những cách tuyên truyền khô khan như hiện nay.
PV: Cảm ơn ông!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google