Quy định phải phân loại rác sinh hoạt: Không khả thi!

Đắc Quang
13:14 - 20/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước thông tin về quy định xử phạt nếu không phân loại rác thải sinh hoạt, nhiều người dân không tin về tính khả thi của Nghị định này. Có người còn khẳng định: quy định không thể thực hiện được.

Theo khoản 1, điều 26 của Nghị định 45/2022/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/8.

Biết được thông tin này, khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, nhiều người dân  không tin về tính khả thi của Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Ý thức phân loại rác của người dân chưa cao

Chị Phạm Thanh Xuân (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Có quy định này rồi thì tốt quá! Phải phạt bằng tiền thì người dân mới nâng cao nhận thức về việc phân loại rác được. Nhưng tôi nghĩ vẫn cần thời gian để Nghị định này đi vào cuộc sống".

Chị Xuân cho biết theo quan sát của bản thân, nhiều người còn chưa phân biệt được đâu là vật liệu có thể tái chế, vật liệu nào không. Hơn nữa, nếu áp dụng theo quy định, từ 1 thùng rác như hiện tại, mỗi gia đình sẽ phải sắm thêm 2 thùng rác nữa để phân loại rác sinh hoạt, gây tốn kém, tốn diện tích với những ngôi nhà nhỏ. Đây cũng là một lý do để người dân từ chối việc phân loại rác.

"Quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân thôi. Vì nếu muốn người ta sẽ tìm cách mà… Tôi vẫn ủng hộ nghị định này và sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn", chị Xuân khẳng định.

Cùng chung quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Thủy, chủ quán tạp hóa trên đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: "Mình làm mà người khác không làm thì cũng bằng hòa. Phạt thế chứ phạt nữa cũng chả ăn thua".

"Cũng liên quan đến việc rác thải và môi trường như này, đợt trước, có phong trào hạn chế túi nilon. Tôi bán hàng, người ta mua có một gói kẹo nhỏ cũng đòi túi nilon. Tôi bảo là cháu có thể bỏ vào cặp sách thì phụ huynh của em đó gắt lên: "Có cái túi nilon cũng tiếc thì bán hàng làm gì". Tôi giải thích về ý nghĩa của việc hạn chế túi nilon tới môi trường và tương lai sau này thì phụ huynh đó nói đấy là việc của Nhà nước, không phải việc của cô. Vì quán đông và không muốn mất thời gian đôi co nên tôi cũng đưa túi nilon cho xong", chị Thủy kể.

Theo chị Thủy, ý thức của người dân hiện nay về bảo vệ môi trường nói chung và về phân loại rác sinh hoạt nói riêng vẫn chưa cao. Do đó, tính khả thi của Nghị định lần này cũng là một dấu hỏi lớn.

Quy định phải phân loại rác sinh hoạt: “Không thực hiện được đâu!” - Ảnh 2.

Nhận thức của người dân về các loại rác để phân chia vẫn còn hạn chế. Ảnh: Đắc Quang

Phân loại rác thôi chưa đủ

Để một Nghị định đạt được hiệu quả cao đòi hỏi rất nhiều yếu tố, không chỉ về ý thức người dân mà còn các điều kiện về cơ sở hạ tầng, các thông tư, văn bản hướng dẫn, các quy chuẩn liên quan,… Khi những điều kiện trên chưa được đáp ứng, sẽ dẫn đến việc người dân hoang mang, mơ hồ về cách thức thực hiện theo quy định.

Anh Trần Phú Hoàn (Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết bản thân rất ủng hộ nghị định 45/2022/NĐ-CP nhưng để áp dụng thì còn nhiều bất cập. "Phân loại xong sẽ để ở nơi tập kết như nào đây bởi tại các điểm thu rác hiện nay vẫn không phân chia vị trí để các túi rác theo quy định. Rồi việc thu rác vẫn là dùng xe đẩy, có phân rác ra rồi cũng chất lên 1 xe đấy. Vậy có ý nghĩa gì nhiều không", anh Hoàn thắc mắc.

Cùng suy nghĩ trên, anh Trịnh Minh Tiến (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) nói về quy định không phân loại rác sẽ phạt tiền: "Sẽ không thực hiện được đâu! Bao nhiêu quy định về môi trường rồi khi áp dụng không được lâu. Tôi thấy nếu nghị định này có được triển khai thì chỉ có trên phố đi bộ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là còn có thể vì họ có thùng rác phân chia riêng. Còn những chỗ khác thì cứ gom rác vào một chỗ, lấy đâu chỗ ra mà phân loại".

Anh Tiến cho rằng Nghị định 45/2022/NĐ-CP còn thiếu các công cụ liên quan để hỗ trợ người dân hiểu hơn về cách thức thực hiện.

Trong khi chỉ hơn 1 tháng nữa Nghị định có hiệu lực, việc phạt người dân khi không phân loại rác có thể sẽ vẫn diễn ra nhưng để đảm bảo ý nghĩa, hiệu quả của Nghị định này thì sẽ còn một chặng đường dài.