Hơn 18.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 78 quốc gia, nhưng chưa cần tiêm chủng đại trà vaccine
Bà Socorro Escalante - Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: "Hiện tại căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích và hơn nữa đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này".
Tình hình dịch đậu mùa khỉ trên thế giới
Ngày 28/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên thế giới đã có hơn 18.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở 78 quốc gia, trong đó phần lớn các ca bệnh đều ở châu Âu.
Kể từ đợt bùng phát hồi tháng 5 năm nay, thế giới ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, tất cả đều ở châu Phi. Khoảng 10% số ca mắc đậu mùa khỉ phải nhập viện để kiểm soát các cơn đau.
Trước đó, ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo đó, đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện có khoảng 16 triệu liều vaccine đã được phê duyệt, nhưng sẽ mất vài tháng để đưa chúng tới tay người dân.
Tổ chức Y tế thế giới đang kêu gọi các quốc gia có kho dự trữ chia sẻ vaccine trong khi nguồn cung bị hạn chế. Ước tính sẽ cần từ 5 triệu đến 10 triệu liều vaccine để bảo vệ tất cả các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Chưa cần tiêm vaccine đậu mùa khỉ đại trà
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến nghị tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các nhóm nguy cơ cao bao gồm nhân viên y tế và nam giới có quan hệ tình dục đồng giới với nhiều bạn tình.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Tại thời điểm này, chúng tôi khuyến nghị không nên tiêm chủng đại trà phòng bệnh đậu mùa khỉ... Tiêm chủng sẽ không bảo vệ cơ thể ngay lập tức chống lại nhiễm trùng, hoặc bệnh tật mà quá trình này có thể mất vài tuần".
Mới đây, trong buổi họp báo trả lời công khai các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ, bà Socorro Escalante, Quyền trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đã phân ra 3 kịch bản ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ tùy thuộc vào tình hình mỗi nước và tình trạng của dịch. Theo phân loại đó, Việt Nam thuộc nhóm nước chưa từng ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ và chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày qua.
Bà Socorro Escalante nói: "Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước này cần kích hoạt và thiết lập ra cơ chế phối hợp liên ngành cùng với ngành y tế để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh trên người".
Trước những thông tin lây lan dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, người dân bày tỏ sự hoang mang, lo lắng và băn khoăn về việc có nên tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ hay không, bà Socorro Escalante cho biết, Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ để tiêm đại trà cho người dân. Một số vaccine đã được đăng ký lại để được phép sử dụng trong trường hợp việc tiêm chủng cần được thực hiện.
Cụ thể, việc tiêm chủng vaccine đậu mùa khỉ có thể được tiến hành cho các nhóm đối tượng như: Người đã tiếp xúc với người bệnh cần tiêm phòng sau phơi nhiễm; Người hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ cần tiêm chủng chủ động cho nhóm này để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm.
Bà Socorro Escalante nhấn mạnh: "Hiện tại căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích và hơn nữa đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này".
Giảm số bạn tình để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ
Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới - nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh đậu mùa khỉ - nên giảm bạn tình để phòng căn bệnh này.
Trong cuộc họp báo ngày 27/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới nên giảm số lượng bạn tình, cân nhắc khi quan hệ tình dục với bạn tình mới và trao đổi liên lạc chi tiết với họ để có thể theo dõi thêm nếu cần".
Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy 98% ca bệnh là người đồng tính nam, hoặc nam giới quan hệ lưỡng tính. 95% số trường hợp mắc đậu mùa khỉ lây qua sinh hoạt tình dục.
Các chuyên gia cho biết bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan do tiếp xúc gần. Dù vậy, căn bệnh này vẫn chưa được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Họ cũng cảnh báo không nên cho rằng chỉ một cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bệnh đậu mùa khỉ, căn bệnh này có thể lây lan qua tiếp xúc da, giọt bắn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.
Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Che miệng khi ho, hắt hơi.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Theo định nghĩa của WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật. Bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, thông thường là từ 6-13 ngày.
Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ thông thường không được coi là bệnh có tính truyền nhiễm cao. Bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm để gây lây nhiễm giữa người với người. Nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ đối với toàn cộng đồng là thấp.
Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đối đồng nhóm với đậu mùa ở người. Nghiên cứu trên thế giới, vắc xin phòng bệnh đậu mùa tương đối có hiệu quả trên bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời giúp cải thiện trong điều trị bệnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google