Huấn đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến dân tộc thông thái, xã hội học tập
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo khẳng định tại Hội thảo Hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp ngày 27/12/2022: Tư tưởng giáo dục toàn dân, giáo dục cho mọi người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong nhiều lời huấn đức của Người.
"Giáo dục toàn dân", "Giáo dục cho mọi người" là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tham luận tại Hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính cấp xã, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngay lập tức nghĩ đến việc giáo dục toàn dân.
Đó là những lời huấn đức của Người có giá trị đến ngày nay, khi chúng ta dồn lực xây dựng xã hội học tập - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo khẳng định.
Từ buổi đầu tham gia Cách mạng tìm đường cứu nước, Chủ Tịch Hồ Chí Minh với tên gọi lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất các chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân.
Người dẫn chứng đanh thép rằng: "Tại Việt Nam lúc bấy giờ cứ 1000 làng có đến 1500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng trong số 1000 làng đó chỉ vẻn vẹn có 10 trường học".
Sau này trong Tuyên ngôn Độc lập đọc ngày 2/9/1945, Người tố cáo trước thế giới: "Chúng bóc lột nhân dân ta đến xương tủy, khiến nhân dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng… Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn".
Người viết báo cáo cho Quốc tế Cộng sản trực tiếp bằng tiếng Anh đã biểu đạt: "Education for all - EFA". Ngày nay cụm từ EFA (được dịch là: Giáo dục cho mọi người) trở thành triết lý phát triển cho mọi quốc gia. Cụm từ này đã được Người nhắc đến từ trước năm 1930.
Sau Quốc khánh 2/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một số vấn đề cấp bách của công cuộc xây dựng Đất nước.
Một là, nhân dân đang đói
Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, chúng còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của cầm quyền Pháp với mục đích gây nạn đói, để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào chúng ta phải làm việc như nô lệ.
Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất.
Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.
Vấn đề thứ hai, nạn dốt
Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.
Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.
Vấn đề thứ ba, phải có hiến pháp
Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...
Vấn đề thứ tư, giáo dục lại nhân dân
Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.
Ngày 4/10/1945, Bác Hồ ra lời kêu gọi chống nạn thất học
Chỉ sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập một tháng hai ngày (ngày 4/10/1945), Bác Hồ có lời kêu gọi Chống nạn thất học với nội dung: "Quốc dân Việt Nam!
Khi xưa Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng hạn chế mở trường học, chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta.
Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95 phần trăm, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được?
Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí.
Chính Phủ đã ra hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ Quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng.
Quốc dân Việt Nam!
Muốn giữ vững nền độc lập
Muốn làm cho dân mạnh nước giàu
Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá Quốc ngữ giúp đồng bào thất học
Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hang xóm láng giềng…
Phụ nữ lại càng phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử
Công việc này mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp sức".
Ngày 12/5/1946, Bình dân học vụ Hà Nội tổ chức một cuộc mít tinh tuyên truyền cổ động trong toàn thành. Hồ Chủ tịch đã đến dự lễ khai mạc và căn dặn học viên cố gắng học tập, theo gương cụ Nguyễn Văn Bảng ở xã Vạn An, đã 77 tuổi còn chịu khó học tập và biết chữ đã viết thư lên thăm Người.
Ngày 20/5/1946, sau khi xem quyển "Phương pháp và cách thức dạy vỡ lòng chữ Quốc ngữ" do Nha Bình dân học vụ mới biên soạn lại và đệ trình Người, Hồ Chủ tịch đã viết vào đầu quyển sách: "Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm trọn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc".
Ngày 31/5/1946, lên đường sang thăm nước Pháp và lãnh đạo cuộc đàm phán với Chính Phủ Pháp, tại Sân bay Gia Lâm, Người dặn lại cụ Quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng: "Chú ý đến công việc Bình dân học vụ".
Cuộc đàm phán với Pháp cốt làm trì hoãn sự gây hấn của chúng. Tuy nhiên phe hiếu chiến trong chính quyền Pháp vẫn không từ bỏ sự xâm lược Việt Nam. Bác phải rời nước Pháp và về đến Hải Phòng ngày 20/10/1946.
Ở Hải Phòng, trong buổi tiếp các đại biểu các cơ quan, đoàn thể và tầng lớp nhân dân đến chào mừng. Người đã viết vào cuốn sổ vàng của Bình dân học vụ Hải Phòng: "Ra sức chống giặc dốt cho dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái".
Tại Hà Nội, Người lập tức bắt tay vào giải quyết nhiều công việc quốc gia trọng đại, trước hết là việc họp Quốc hội kỳ 2, được triệu tập vào ngày 28/10/1946.
Ngày 5/11/1946, trong thời gian đang họp Quốc hội, đến thăm các lớp học bình dân ở khu phố Hàng Bún, sát nơi đóng quân của quân đội Pháp. Đến mỗi lớp học, Người hỏi học viên làm những nghề gì. Học viên trả lời: người thì kéo xe, người đi ở, bán kẹo, đi chợ… Người khuyên: "Thày siêng dạy, trò siêng học"
Cùng ngày 5/11/1946 đó, Hồ Chủ tịch viết văn kiện "Công việc khẩn cấp bây giờ" chỉ ra nhiệm vụ và phương hướng kháng chiến toàn quốc.
Tháng 2/1947, khi cuộc kháng chiến toàn quốc mới bắt đầu (19/12/1946), trên con đường trường chinh chống giặc ngoại xâm, về công tác tại Thanh Hóa, Bác Hồ khuyên tỉnh này xây dựng "Gia đình học hiệu/ Tiểu giáo viên".
Trong buổi gặp Cán bộ cốt cán của tỉnh Thanh Hóa (Ngày 20/2/1947), Bác Hồ có những chỉ thị cụ thể, yêu cầu địa phương này phải trở thành "Thanh Hóa kiểu mẫu".
Bác Hồ xác định: Mục đích: Làm cho người nghèo thì đủ ăn/ Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm/ Người nào cũng biết chữ/ Người nào cũng biết đoàn kết yêu nước.
Cách làm: Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân/ Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm/ Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động/ Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã...
Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền.
Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được".
Kỷ niệm 3 năm Ngày Độc lập (2/9/1948), Bác có thư gửi Nam/Nữ chiến sĩ Bình dân học vụ
"Cùng các bạn chiến si Bình dân học vụ!
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập, tôi gửi lời thân ái chúc mừng và khen ngợi các bạn. Từ ngày nước ta độc lập, các bạn đã luôn luôn hăng hái và cố gắng. Sự cố gắng đó đã có thành tích tốt đẹp là: Trong ba năm, đã được gần 8 triệu đồng bào thoát nạn mù chữ.
Trong phong trào Thi đua ái quốc, tôi mong các bạn cũng hăng hái xung phong. Vùng nào còn sót nạn mù chữ, thì các bạn cố gắng thi đua diệt cho hết giặc dốt trong một thời gian mau chóng. Vùng nào đã hết nạn mù chữ, thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào:
1. Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm
2. Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm
3. Bốn phép tính, để làm ăn có ngăn nắp
4. Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca), để nâng cao lòng yêu nước
5. Đạo đức của công dân để thành người công dân đứng đắn.
Các bạn hãy làm cho được chừng ấy đã, sau chúng ta sẽ tiến lên cao hơn…"
Đồng thời các bạn nên giúp việc tuyên truyền và cổ động sao cho cuộc thi đua ái quốc được sôi nổi bền bỉ. Với lòng hăng hái tận tụy của các bạn, tôi chắc các bạn phải thành công.
Lời dạy của Bác Hồ cho chúng ta niềm tin xây dựng xã hội học tập
Ngày nay trên các diễn đàn đang có những lời kêu gọi xây dựng Công dân học tập, Công dân số, Công dân toàn cầu. Chắc chắn cái gốc của những mỹ từ này phải bắt đầu từ nhân cách công dân đứng đắn với các đặc trưng như Bác Hồ đã xác định từ ngày 2/9/1948.
Công cuộc này cần có sự phối hợp chặt chẽ của Giáo dục gia đình, Giáo dục Nhà trường và Giáo dục xã hội.
Xây dựng Xã hội học tập mang tinh thần chia sẻ hợp tác: Mỗi công dân vừa là thày, vừa là trò, vừa là bạn của nhau giúp đỡ nhau có nhân cách đúng đắn theo lời huấn đức mà Bác từng mong mỏi: "Thày siêng dạy, trò siêng học/ Thày quý trò, trò kính thày/ Thày dạy tốt, trò học tốt". Đó cũng là khát vọng của đất nước trên bước đường phát triển.
Tháng 9/1949, Bác Hồ đến dự Khai giảng Trường Đảng cao cấp tại chiến khu Việt Bắc Bác và viết vào Sổ vàng Nhà trường: "Học để làm việc, làm người…Muốn đạt mục đích, thì phải Cần - Kiệm - Liêm - Chính …"
Sau đó Bác tập hợp giảng viên, học viên toàn trường, Bác căn dặn họ: Để làm được các điều trên, phải thực hiện 4H: "Học - Hỏi - Hiểu - Hành" (theo tư liệu của Giáo sư Trần Quốc Vượng).
2 bức thư gửi và trả lời của UNESCO về cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự học toàn dân
Ông Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo, khi tiếp nhận Tác phẩm "Học tập, Kho báu tiềm ẩn" mà UNESCO quảng bá triết lý về Bốn trụ cột của việc học: "Học để biết, Học để làm, Học để chung sống, Học để làm người" đã gửi tư liệu về Hồ Chí Minh (1949) cho tổ chức này.
THƯ GỬI UNESCO
Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2014
Trần Văn Nhung
Kính gửi: Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, Paris, CH Pháp
Đồng kính gửi:
- Bà Katherine Müller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam;
- Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Kính thưa Bà Irina Bokova,
Tôi viết thư này gửi đến Bà để chia sẻ cùng Bà và UNESCO thông tin về việc nửa thế kỷ trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần như thế nào để xây dựng nên bốn trụ cột của giáo dục do UNESCO khuyến nghị năm 1996.
Như chúng ta đã biết, năm 1996, dựa trên Báo cáo của Hội đồng Delors, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI, đó là "học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người". Cả nhân loại đều thừa nhận chân lý này. Khuyến nghị cũng có thể được xem như là triết lý giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy về cơ bản hay một phần của tư tưởng và chân lý này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9 năm 1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".
Khi viết ra những dòng này trong một hoàn cảnh cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ muốn nhắc nhở, khuyên răn những cán bộ lãnh đạo các cấp của Việt Nam trong tương lai trên bước đường học hỏi, phấn đấu và tu dưỡng. Người thường nói và viết rất giản dị, khiêm tốn, ít nói lý luận cao siêu.
Tôi chưa biết thông tin trên đã đến được UNESCO hay chưa. Nếu chưa thì tôi xin đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình nguyên bản bút tích nói trên năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp lên UNESCO tại Paris, để thấy Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ 21 do UNESCO khuyến nghị năm 1996 như thế nào.
Nhân đây, tôi cũng xin kiến nghị thêm với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trong việc tiếp tục giới thiệu các di sản thiên nhiên và văn hóa vật thể và phi vật thể với UNESCO để được công nhận, mà chúng ta đang làm rất tốt và được UNESCO ủng hộ tích cực, hiệu quả, cần chú ý hơn nữa đến việc giới thiệu các di sản tư tưởng và văn hóa của dân tộc Việt Nam, mà trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể. Vì các di sản tư tưởng và văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, bao giờ cũng không kém phần quan trọng hơn so với các di sản vật thể do "tự nhiên" tạo ra và để lại.
Tôi xin cảm ơn Bà đã dành thời gian đọc thư tôi và hy vọng sớm nhận được trả lời của Bà.
Kính chúc Bà khỏe mạnh và hoàn thành sứ mệnh cao cả mà UNESCO đã trao cho Bà.
Kính thư, Trần Văn Nhung
THƯ TRẢ LỜI CỦA UNESCO
Mr. Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO
Paris, 30/9/2014
Kính gửi: Giáo sư Trần Văn Nhung,
Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước CHXHCN Việt Nam
Kính thưa Giáo sư Trần Văn Nhung,
Thay mặt Tổng Giám đốc, tôi xin cảm ơn ông về bức thư đề ngày 11/7/2014, trong đó ông đã cung cấp bút tích để minh chứng đóng góp và cống hiến quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng và tầm nhìn giáo dục.
Quả thực, cách thức nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với bốn trụ cột giáo dục được đề xuất trong Báo cáo Delors năm 1996 của UNESCO dưới nhan đề "Học tập: Một kho báu tiềm ẩn". UNESCO đánh giá cao sự cố gắng của các ông khi dịch và truyền bá Báo cáo Delors ở Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn ông đã góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Liên quan tới điều này, chúng tôi muốn thông báo với các ông rằng Tổng Giám đốc UNESCO vừa thành lập Nhóm Chuyên gia cao cấp để tiếp tục nghiên cứu giáo dục trong bối cảnh hiện nay với những biến đổi toàn cục. Nhóm Chuyên gia này hiện đang chuẩn bị một báo cáo ngắn để đóng góp vào giáo dục đang được nhìn nhận lại trong một thế giới thay đổi. Đó cũng chính là một trong các nhiệm vụ quan trọng của UNESCO là quan sát và phân tích toàn cục sự biến đổi xã hội. Bản báo cáo này nhằm khuyến khích thảo luận về tầm nhìn nhân văn về giáo dục và phát triển, dựa trên các nguyên tắc vì cuộc sống, vì nhân phẩm, vì đa dạng văn hóa và tình đoàn kết, hữu nghị. Báo cáo đầu tiên, sẽ được xuất bản năm 2015, có thể xem là cơ sở cho báo cáo toàn cầu mới với nhiều kỳ vọng về sự học tập trong thế kỷ XXI, theo tinh thần của hai xuất bản phẩm cơ bản của UNESCO, "Học để làm người: Thế giới giáo dục hôm nay và ngày mai" (1972), "Báo cáo Faure", và "Học tập: Một kho báu tiềm ẩn" (1996), "Báo cáo Delors".
Cho phép tôi nhân dịp này được thông báo với ông rằng Nhóm Chuyên gia cao cấp đang chuẩn bị dự thảo đầy đủ đầu tiên của báo cáo, nhan đề "Suy nghĩ lại về giáo dục trong một thế giới thay đổi", hoàn thành vào đầu tháng 10/2014. Quá trình thẩm định lại dự thảo này được đặt ra trước khi Nhóm Chuyên gia cao cấp họp lại với nhau ở Paris vào đầu tháng 12/2014, để xem lại từ đầu đến cuối, cho in ra và báo cáo tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc, từ 19 đến 22 tháng 5 năm 2015.
Chúng tôi rất hân hạnh nếu ông có thể tham gia vào quá trình thẩm định này trong các tháng sắp tới. Đóng góp hiệu quả của ông sẽ góp phần làm cho báo cáo của Nhóm Chuyên gia cao cấp phù hợp với sự đa dạng của các hệ thống kiến thức và quan điểm trên thế giới. Báo cáo sẽ được xuất bản trong quý I của năm 2015. UNESCO sẽ rất vui mừng nếu báo cáo cũng sẽ được dịch ra tiếng Việt để làm cơ sở và khuyến khích thảo luận về chính sách công, dùng cho các mục đính và các tổ chức học tập trong thế giới thay đổi hiện nay.
Chúng tôi xin cảm ơn ông về sự quan tâm và ủng hộ công việc của UNESCO và tin rằng có nhiều cách để ông đóng góp cho những cố gắng hiện thời của UNESCO nhằm suy nghĩ lại về giáo dục trong một thế giới biến động.
Trân trọng,
Mr. Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google