2.000 ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần, Hà Nội tập trung cao điểm cho phòng, chống dịch

Minh Châu
15:05 - 27/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội có xu hướng tăng từ tuần 28 và gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 2.000 trường hợp. Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, dự báo, số ca tiếp tục tăng với nhiều ca nặng.

Hà Nội ghi nhận 2.000 ca mắc sốt xuất huyết/tuần

Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 24/9/2023, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 12.776 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn); có 3 trường hợp tử vong liên quan tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.

Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 2.000 trường hợp; số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (3.698 mắc, 5 tử vong)… Dự báo, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

2.000 ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần, Hà Nội tập trung cao điểm cho phòng, chống dịch - Ảnh 1.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, dự báo, số ca tiếp tục tăng với nhiều ca nặng. Ảnh minh họa

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, như: Hoàng Mai (968), Thạch Thất (889), Thanh Trì (828), Hà Đông (781), Phú Xuyên (764), Đống Đa (715), Cầu Giấy (708), Nam Từ Liêm (643), Đan Phượng (593), Bắc Từ Liêm (549), Thanh Oai (533). Một số xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá, Hữu Bằng, huyện Thạch Thất; Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì; Định Công, phường Hoàng Mai; Tân Lập, huyện Đan Phượng; Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa… Toàn Thành phố đã ghi nhận 870 ổ dịch, hiện, còn 257 ổ dịch đang hoạt động.

Các dịch bệnh khác, trong đó có COVID-19, trung bình mỗi tuần ghi nhận 15-20 trường hợp mắc; liên cầu lợn có 15 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong tại huyện Ba Vì và Thanh Xuân; tay chân miệng, bệnh nhân phân bố rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận ổ dịch lớn, ổ dịch phức tạp…

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã thực hiện giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập (hơn 5.200 lượt giám sát, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở). Kết quả, đã phát hiện 10.805 ca bệnh sốt xuất huyết và 2.498 ca bệnh các loại khác (tay chân miệng, liên cầu lợn, thủy đậu…).

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giám sát côn trùng sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch.

Cộng dồn đến ngày 21/9/2023, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã giám sát 720 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư; kết quả có 359/720 (chiếm 50%) số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ… Ngoài ra, thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết năm 2023. Kết quả, ghi nhận công tác xử lý dịch chưa được triệt để tại hầu hết các điểm giám sát, chỉ số muỗi, bọ gậy ở ngưỡng cao sau xử lý…

2.000 ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần, Hà Nội tập trung cao điểm cho phòng, chống dịch - Ảnh 3.

Thời gian qua Hà Nội đã tích cực kiểm tra phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố. Ảnh: VGP

Đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào tháng 10 và 11/2023

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 26/9 vừa qua, đại diện quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Bắc Từ Liêm; huyện Thạch Thất… đã báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục các giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, tập trung hơn nữa đối với địa bàn có ổ dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân…

Kết luận Hội nghị giao ban, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, dự báo, số ca tiếp tục tăng với nhiều ca nặng. Các nhà chuyên môn cho rằng, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 10 và 11. Do đó, các Sở, ngành các cấp cùng các địa phương cần nhận thức rõ để triển khai các giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Thời tiết mưa - nắng thất thường là điều kiện phù hợp để muỗi sinh trưởng và phát triển làm nguồn gây bệnh sốt xuất huyết. Để giải quyết triệt để, cần phải cắt đứt nguồn lây bệnh…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà

Đồng thời, cần phải có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh. Trước tiên, cần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thành phố sẽ ban hành kế hoạch cao điểm về truyền thông phòng, chống dịch sốt xuất huyết, vì vậy, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nội dung thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền thường xuyên, liên tục để nâng cao hơn nữa ý thức người dân. Đồng thời, đề nghị các Sở, ngành thực hiện nghiêm chế độ theo dõi, báo cáo thông tin, tránh chỉ ban hành kế hoạch nhưng triển khai không hiệu quả…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng đề nghị kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết Thành phố nhằm phân công lại nhiệm vụ, trong đó, phân nhiệm rõ thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn và tiến hành kiểm tra, giám sát.

Về công tác tổng kiểm tra, Ban Chỉ đạo thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất và thường xuyên hơn. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các đơn vị đã được Thành phố tháo gỡ khó khăn, song vẫn còn tồn tại…

Bên cạnh đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, phối hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Giao các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, phân công kiểm tra, giám sát, tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn…