Yêu cầu các tỉnh có bộ tài liệu giáo dục địa phương riêng: Cần thiết nhưng khó thực hiện

Đắc Quang
12:59 - 23/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố năm 2022 được tổ chức trong 2 ngày 22-23/6 bàn về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, kế hoạch năm học 2022-2023 và các vấn đề quan trọng liên quan đến năm học mới.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì, cùng sự tham gia của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và lãnh đạo các Cục, Vụ, Giám đốc các tỉnh, thành phố.

Sau khi nghe báo cáo đánh giá kết quả năm học 2021-2022 và kế hoạch năm học 2022-2023, Giám đốc các Sở đã nêu ý kiến và các khó khăn tại địa phương. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề về sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và kế hoạch tinh giản biên chế ngành Giáo dục. 

Yêu cầu các tỉnh có bộ tài liệu giáo dục địa phương riêng: Cần thiết nhưng khó thực hiện - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị các Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo năm 2022. Ảnh Hồ Phúc

Biên soạn và in ấn tài liệu giáo dục địa phương rất khó khăn

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích, yêu cầu các địa phương có bộ tài liệu giáo dục địa phương là cần thiết. Tuy vậy, việc biên soạn và in ấn rất khó khăn vì không xã hội hóa.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố nhưng chưa đưa ra giải pháp. Ông Hiếu cho biết mới đây Ủy ban nhân dân thành phố có hướng xin ý kiến Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chi kinh phí mua khoảng 100.000 đầu sách. "Nếu được chấp thuận, Sở sẽ thực hiện cuốn chiếu từ nay đến năm 2024-2025 sẽ phủ đầy đủ cho các thư viện bởi nếu chờ một đơn vị thẩm định giá, triển khai, rồi kinh phí.. sẽ rất lâu", ông Hiếu nói.

Cùng bàn về chủ đề này, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho rằng bộ tài liệu giáo dục địa phương cũng cần có những quy định, hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính. Hiện đang không có khung tham chiếu và hướng dẫn về giá, cách thức, khung thẩm định giá… để địa phương ban hành và thực hiện bộ tài liệu giáo dục địa phương trên khung giá phù hợp.

Về vấn đề chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu lựa chọn theo đúng quy định và tôn trọng ý kiến chuyên môn của các cơ sở, kiểm tra xem tình hình thực hiện chỉ thị vừa ban hành về giáo khoa.

Cân đối biên chế cho các khu vực khó khăn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang nêu ý kiến vấn đề tinh giản biên chế. Ông Bình cho rằng với chỉ tiêu tinh giản biên chế hằng năm, Hà Giang gặp nhiều thách thức trong việc thu hút giáo viên tại những khu vực khó khăn.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng về thông tin Bộ Nội vụ sẽ đưa 67.000 biên chế về các địa phương, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem và cân đối biên chế cho các khu vực khó khăn, đặc thù, nơi không thể thực hiện xã hội hóa để có điều kiện bù đắp cho lực lượng giáo viên và biên chế bị thiếu khi được phân bổ chi tiêu.

Bên cạnh những ý kiến trên, hội nghị chiều 22/6 cũng bàn thêm về vấn đề công tác chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2022; sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, việc tăng học phí…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao vai trò của các lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương trong năm học vừa qua, nhất là trong việc triển khai chương trình mới năm 2018. Bởi theo Bộ trưởng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành công hay thất bại là từ sự quyết liệt, nhận thức của thầy cô, lãnh đạo Sở giáo dục và đào tạo.

"Thời điểm này công cuộc đổi mới cũng đã đi được nửa chặng đường. Chặng đường nước rút trong thời gian tới mục tiêu là triển khai thực hiện sách giáo khoa một cách toàn diện. Chúng ta quyết tâm để thực hiện đúng mục tiêu, lộ trình công cuộc đổi mới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Nguồn: Tổng hợp