3 cách thuyết phục bằng Logos, Pathos và Ethos

Trần Bách
10:09 - 22/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cách đây gần 50 năm khi tôi học môn đầu tiên tại một trường đại học ở Australia, thầy giáo dậy môn "Diễn đạt tiếng Anh" luôn nhắc là để thuyết phục được người nghe và đọc, người nói và viết phải biết cách sử dụng Logos, Pathos và Ethos.

Đây là 3 cách thuyết phục được nhà hiền triết người Hy Lạp Aristotle (384-322 TCN) đúc kết cách đây hơn 2.000 năm

3 cách thuyết phục bằng Logos, Pathos và Ethos- Ảnh 1.

Đây là ba cách thuyết phục được nhà hiền triết người Hy Lạp Aristotle (384-322 TCN) đúc kết cách đây hơn 2.000 năm. Ảnh: Pressbooks

Gần đây, đọc diễn văn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington D.C, Mỹ ngày 11/5, tôi cảm nhận được việc sử dụng 3 cách thuyết phục này có tác dụng như thế nào.

Logos 

Logos là lập luận một cách logic, tập trung vào điều mình thực sự muốn nói, có thực tế và dữ liệu để trực tiếp hỗ trợ cho lập luận của mình. 

Ví dụ khi nói về sự phát triển quan hệ hai nước trong gần 3 thập niên vừa qua, Thủ tướng đã đưa ra những dẫn chứng về sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau. 

Đó cũng là phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nói về nền tảng "tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". 

Tập trung vào thông điệp của mình là "chân thành, lòng tin và trách nhiệm", Thủ tướng đã nhắc cụm từ này 19 lần trong bài diễn văn, giúp người nghe hiểu rõ hơn. Việc nhắc đi nhắc lại cụm từ này cũng làm cho lập luận tập trung hơn và diễn văn có tính gắn kết hơn. 

Khi nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước, Thủ tướng đưa ra những ví dụ cụ thể như 4 Tổng thống Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam, nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã đến Việt Nam vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, cũng như cuộc gặp gỡ của chính Thủ tướng với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân dịp Hội nghị COP 26 ở Anh.

Pathos

Pathos là khuấy động được tình cảm của người nghe, tạo được gắn kểt với người nghe thông qua những gì gần gũi với họ nhất. Nói về thế giới hiện tại, Thủ tướng đã nhắc đến con số hơn "sáu triệu người thiệt mạng vì đại dịch COVID-19" và "xung đột giữa lòng châu Âu". Điều này khơi dậy nỗi lo ngại hiện hữu của người dân về "nguy cơ chiến tranh, bất ổn định, rủi ro trong kinh tế thế giới" để có thể vẽ nên bức tranh đầy đủ về thế giới ở thời điểm hiện tại. 

Việc trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ cũng tạo được gắn kết với người nghe Mỹ. Thêm vào đó, cụm từ "chúng ta" dung để chỉ hai nước trong phần 5 của diễn văn đã kết nối người nói với người nghe, làm người nghe cảm thấy có cùng trách nhiệm cải thiện quan hệ hai nước.

Ethos

Ethos là giành được sự tin tưởng của người nghe, diễn giả phải có được danh tiếng hoặc trích lời của những người có danh tiếng. 

Thủ tướng đã bắt đầu bài diễn văn của mình bằng lời trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, nêu lên giá trị chung và phổ quát của hai quốc gia nhằm giành được sự tin tưởng của người nghe Mỹ. 

Ông cũng trích lời của Tổng thống Barack Obama về quan hệ hai nước dựa trên"cơ sở tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của nhân dân hai nước". Như vậy, ông đã có được sự kết nối với người Mỹ.

Một phần vì những lý do như trên, bài phát biểu của Thủ tướng đã gây được ấn tượng đối với người nghe. 

Một nhà nghiên cứu Mỹ cho biết trong bài diễn văn của mình, "Thủ tướng đã nhấn mạnh một số nguyên tắc của quan hệ quốc tế của Việt Nam là chân thành, xây dựng lòng tin và trách nhiệm của tất cả các bên. Thủ tướng đã nêu ra nhiều dẫn chứng trong quan hệ Việt-Mỹ cũng như Liên Hợp Quốc và chính sách của Việt Nam với quốc tế để thực hiện 3 yếu tố quan trọng này". 

Với Logos, Pathos và Ethos, thông điệp của diễn văn là rất rõ ràng và dễ dàng thuyết phục được người nghe. Vì vậy, cần học và sử dụng Logos, Pathos và Ethos một cách nhuần nhuyễn.