Nghiên cứu dùng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn dùng

Đắc Quang
16:35 - 22/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây là phương án sử dụng hợp lý bộ sách giáo khoa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra trong cuộc họp ngày 21/6, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu.

Cuộc họp bàn về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể những vấn đề được người dân, xã hội quan tâm liên quan đến sách giáo khoa như nội dung sách giáo khoa, các yếu tố cấu thành nên giá sách; khả năng dùng lại của các bộ sách mới; các quy định về sách tham khảo, sách bổ trợ; ưu đãi về thuế cho các nhà xuất bản…

Dùng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn dùng - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản, khuyến nghị các đơn vị giảm chi phí trung gian để giảm giá sách trong bối cảnh sách giáo khoa được cho là giá cao, gây khó khăn cho nhiều gia đình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã triển khai các giải pháp để giảm giá sách giáo khoa như sửa đổi, ban hành Thông tư số 5/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa,..

Còn theo đại diện Bộ Tài chính, giá sách cao hơn trước do trong cơ cấu giá trị có chi phí phát hành, chi phí đầu tư để tổ chức bản thảo. Trước đây, các chi phí này được sử dụng từ toàn bộ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn ODA. Các nhà xuất bản cũng phải chi thêm nhiều khoản chi phí khác như truyền thông, triển khai thị trường, tập huấn sử dụng sách. Bên cạnh đó, giá sách cao còn do thay đổi về chất lượng, khổ giấy, sách mới tiên tiến hơn với các phần mềm điện tử (video, hệ thống bài tập, đánh giá năng lực học sinh).

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phân biệt rõ giữa sách giáo khoa và sách tham khảo; đồng thời quan tâm đến công tác truyền thông để người dân hiểu rõ các khoản mục chi phí.

Sau khi lắng nghe các phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, trong đó đổi mới chương trình sách giáo khoa là nhiệm vụ nhận được sự quan tâm cao của người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến tại cuộc họp; tổ chức diễn đàn, hội thảo để làm rõ một số vấn đề quan trọng liên quan đến sách giáo khoa mới trên tinh thần công khai, cởi mở, giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới văn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam,

Về hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách Nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn dùng.

Nguồn: Tổng hợp