Ý nghĩa của pháo hoa trong mỗi dịp tết Nguyên đán

Minh Châu
15:44 - 05/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước tổ chức bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Vậy ý nghĩa của pháo hoa trong mỗi dịp tết Nguyên đán là gì?

Ý nghĩa của pháo hoa trong mỗi dịp tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Vào lúc 12h đêm giao thừa của tết Nguyên đán hàng năm, pháo hoa sẽ được bắn lên bầu trời để mọi người tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới, cũng như xua đuổi ác quỷ. Ảnh minh họa từ INT

Pháo hoa tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới

Ít ai biết rằng pháo hoa được phát minh vào khoảng thế kỷ thứ 7 ở Trung Quốc. Pháo hoa được đốt với ý nghĩa nhằm xua đuổi tà ma.

Theo truyền thống Trung Quốc, ánh sáng và tiếng ồn của pháo hoa có thể xua đuổi tà ác và điềm xấu. Do vậy, vào lúc 12h đêm giao thừa của tết Nguyên đán hàng năm, pháo hoa sẽ được bắn lên bầu trời để mọi người tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới, cũng như xua đuổi ác quỷ. Người Trung Quốc tin rằng ai bắn quả pháo đầu tiên trong năm mới sẽ nhận được may mắn.

Bên cạnh ý nghĩa xua đuổi điềm xấu, pháo hoa còn tạo nên một bầu không khí tích cực. Pháo hoa có thể dạy cho chúng ta về sự tĩnh tâm và trân trọng thời điểm hiện tại. Pháo hoa rất đẹp nhưng cũng rất ngắn ngủi. Sự trầm trồ thích thú khi xem pháo hoa có thể nhanh chóng trôi qua. Tuy nhiên, chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, chúng ta đã bị mê hoặc, không nghĩ ngợi gì khác ngoài việc tận hưởng vẻ đẹp đầy màu sắc trên bầu trời.

Không chỉ đêm giao thừa của tết Nguyên đán, vào những ngày lễ lớn trong năm, nhiều quốc gia cũng chọn cách bắn pháo hoa ăn mừng. Thậm chí, một số lễ hội bắn pháo hoa quốc tế, quy tụ những đội tới từ nhiều quốc gia, trình diễn những màn pháo hoa sáng tạo, thu hút khách du lịch như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF). Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 dự kiến có 8 đội tham gia, gồm 7 đội quốc tế: Pháp, Ý, Mỹ, Đức, Ba Lan, Trung Quốc, Phần Lan và đội Đà Nẵng - Việt Nam.

Ở Việt Nam, pháo hoa được sử dụng vào các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Ngày nay, pháo hoa được cải tiến tạo ra nhiều hình khối (tròn, trái tim, sao chổi, núi lửa phun, số, chữ...) và sử dụng nhiều phụ gia tạo màu ánh sáng đỏ, vàng, xanh, tím...

Ý nghĩa của pháo hoa trong mỗi dịp tết Nguyên đán- Ảnh 2.

Sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, địa điểm đặt giàn pháo phải là nơi bằng phẳng, rộng, cách xa các vật liệu, hàng hóa dễ cháy. Ảnh minh họa: VGP

Hà Nội tổ chức 9 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và 23 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp tại các quận, huyện nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô nhân dịp đón Tết cổ truyền; thi đua lao động, sản xuất lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc năm 2024. Thời lượng bắn pháo hoa 15 phút, từ 00 giờ 00 phút đến 00 giờ 15 phút ngày 10/2/2024 đêm Giao thừa.
https://congdankhuyenhoc.vn/chi-tiet-30...

Sử dụng pháo hoa an toàn trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) để bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng pháo hoa, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số nội dung như sau:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sản xuất, bảo quan, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo phải chấp hành nghiêm các quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; QCVN 04:2021/BCA quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng pháo hoa phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và chỉ được sử dụng pháo hoa (không tiếng nổ) trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị... mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Tuyệt đối không được mua bán, sử dụng pháo "lậu".

Bảo quản pháo hoa ở vị trí an toàn, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, bao gói, che chắn, chống va đập và tàn lửa, tránh xa tầm tay của trẻ em.

Sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, địa điểm đặt giàn pháo phải là nơi bằng phẳng, rộng, cách xa các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, không gian trên cao phải bảo đảm thông thoáng, không có vật cản; đặc biệt không sử dụng pháo hoa gần các khu vực cấm như cơ sở sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, nhà máy điện, trạm biến áp, kho vũ khí, vật liệu nổ...

Nghiêm cấm các hành vi sau liên quan đến việc sử dụng pháo hoa:

Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo hoa;

Mang pháo hoa, thuốc pháo hoa trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ;

Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo hoa để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo hoa không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường;

Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố thuốc pháo để sản xuất pháo hoa trái phép;

Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo hoa

Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo hoa dưới mọi hình thức.

Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo hoa, thuốc pháo hoa;

Không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo hoa, thuốc pháo hoa.

Các cá nhân tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản và sử dụng pháo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình hoặc hình sự tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi gây ra theo quy định tại Điều 389 - Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội gây rối trật tự nơi công cộng và mục II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

Khi xảy ra tai nạn, sự cố cháy, nổ phải nhanh chóng báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 để kịp thời cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận