Những loại pháo hoa nào được sử dụng trong dịp Tết 2024?
Theo quy định của pháp luật thì vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, hay còn gọi chung là pháo hoa "không nổ".
Cuối năm, nhiều người có nhu cầu mua pháo hoa không tiếng nổ để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Lợi dụng điều này, nhiều người hám lợi đã thực hiện hành vi dưới nhiều vỏ bọc khác nhau và sử dụng những phương thức, thủ đoạn khác nhau để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép pháo nổ.
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới sức khỏe, tính mạng và tình hình an ninh, trật tự xã hội. Do đó, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ai được sử dụng pháo hoa và sử dụng vào dịp nào?
Căn cứ vào khoản 1, Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo thì chỉ có cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được sử dụng pháo hoa.
Đồng thời, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Loại pháo nào người dân được phép sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán?
Theo quy định của pháp luật, pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.
Hiện nay pháo bao gồm 2 loại là pháo nổ và pháo hoa.
Loại pháo không được phép sử dụng gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ
- Pháo nổ là loại pháo khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
- Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Loại pháo được phép sử dụng: Pháo hoa
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ.
Theo quy định trên, pháo hoa và pháo nổ đều là sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian. Điểm khác nhau cơ bản là pháo nổ sẽ gây ra tiếng nổ, tiếng rít còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ mà chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh.
Tất cả các loại pháo gây ra tiếng nổ đều không phải pháo hoa mà là pháo nổ hoặc pháo hoa nổ. Và người dân không được phép tự ý nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt các loại pháo này.
Theo đó, các loại pháo hoa nổ thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương... theo kế hoạch của Nhà nước.
Mua pháo hoa ở đâu mới hợp pháp?
Theo khoản 2, Điều 14 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP thì chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, chỉ có nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất pháo hoa. Do đó, dịp Tết Nguyên đán, người dân chỉ được phép mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng tại các cửa hàng bán lẻ.
Xử phạt vi phạm hành chính hành vi đốt pháo trái phép
- Hành vi đốt pháo trái phép: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.
- Hành vi tự chế pháo trái phép: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ.
- Vận chuyển, mua bán pháo trái phép: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Đốt pháo trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không có quy định cụ thể về tội danh đốt pháo trái phép.
Tuy nhiên, căn cứ vào Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đốt pháo nổ, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì người có hành vi đốt pháo trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một số tội danh sau đây:
- Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất từ 15 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
- Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google