"Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" - góc nhìn cơ bản về học tập suốt đời

GS.TS Phạm Tất Dong
18:18 - 04/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cuốn sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" gồm 34 bài viết và bài nói của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trình bày về những vấn đề cơ bản của xã hội học tập ở nước ta khi đặt trước Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

"Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" - góc nhìn cơ bản về học tập suốt đời- Ảnh 1.

Cuốn sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" của tác giả GS.TS Nguyễn Thị Doan - Nhà xuất bản Dân Trí.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là, GS.TS Nguyễn Thị Doan - một trong những nhà khoa học tiên phong trong triển khai nền giáo dục mở khi chủ trương phát triển nền kinh tế tri thức. Công việc đó đòi hỏi năng lực tham gia vào Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cả một dân tộc cùng thực hiện hành trình này, mà trong hành trang của họ không có gì ngoài những tri thức do Học tập suốt đời mà có.

Tài liệu quý cho việc học tập suốt đời

Tôi tiếp cận cuốn sách bằng một phương pháp đọc riêng. Trước hết, cần đến một lát cắt dọc 34 bài được đăng tải, và sau đó dùng một số lát cắt ngang để tìm kiếm những ý tưởng cốt lõi mà GS.TS Nguyễn Thị Doan đã đưa vào cuốn sách. Trong quá trình đọc, tôi đã thấy những ý tưởng trong tác phẩm này mà tôi tâm đắc.

1. Sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 phải được tiến hành bởi một nền văn hóa giáo dục dương tính, tức là nó hướng tới một xã hội phát triển nhanh, năng động và hiệu quả trong thế giới hiện đại đầy những biến cố khó lường, phức tạp, mơ hồ.

Con người mà xã hội học tập tạo ra sẽ là con người sáng tạo tri thức mới, đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế tri thức.

2. Vấn đề cốt lõi trong xã hội học tập là học tập suốt đời. Cả nước học tập suốt đời. Nói cách khác, mọi người dân sẽ phải thực hiện hành trình tri thức theo dọc cuộc đời mình.

Trong giai đoạn kinh tế công nghiệp, nền giáo dục chú trọng nhiều đến việc đào tạo con người tái tạo tri thức, áp dụng những tri thức đã học vào công việc.

Trong giai đoạn kinh tế tri thức, sự phát triển sản xuất chỉ vượt qua sự cạnh tranh ác liệt khi nó nắm được công nghệ vượt trội. Công nghệ mới ra đời là nhờ vào những tri thức chưa có. Còn những tri thức đã có không bao giờ giúp cho nền sản xuất có sức cạnh tranh hơn trước. Do đó, hành trình tri thức mà người dân thực hiện phải đạt được mục tiêu sáng tạo tri thức.

Hiểu được điều này thì ta mới nắm rõ ý tưởng của GS.TS Nguyễn Thị Doan khi ngay từ những trang đầu của cuốn sách đã nói với chúng ta rằng, phải thay văn hóa giáo dục âm tính (nền giáo dục thiếu năng động, phát triển giáo dục chậm chạp, hiệu quả giáo dục không cao, quan điểm giáo dục lỗi thời...). Văn hóa giáo dục âm tính sẽ tạo nên những yếu tố âm tính trong con người, buộc phải thay văn hóa giáo dục dương tính (tức là trái ngược với âm tính). 

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chấp nhận mẫu người mang những yếu tố âm tính, nó cũng không chấp nhận loại hình văn hóa giáo dục dung hợp những yếu tố âm tính với những yếu tố dương tính.

Khi đọc cuốn sách của GS.TS Nguyễn Thị Doan, tôi cũng đồng thời đọc Lifelong Learning (Học tập suốt đời) của Peter Hollins, một nhà khoa học trẻ tuổi người Mỹ. Ông cũng có một cách nghĩ khá gần với lối tư duy tăng trưởng (Growth Mindset) của GS.TS Nguyễn Thị Doan.

Peter Hollins cho rằng, nhiều người trong chúng ta hàng ngày sống với những việc làm quen thuộc, đơn điệu. Những việc làm ấy chỉ sử dụng những tri thức sẵn có, tiếp thu từ sách giáo khoa phổ thông hoặc cao hơn là từ những giáo trình đại học mà nhà trường cứ lặp đi lặp lại qua năm tháng. Những việc làm ấy rất "an toàn" bởi nó được tiến hành trong mối quan hệ chật hẹp với xã hội bên ngoài, dù nó không tạo ra sự tăng trưởng, nhưng nó làm cho ta không có điều gì lo lắng trong một lối sống yên ổn được bao quanh bởi môi trường sống ổn định. 

Nhưng, họ có biết đâu những nguy hiểm của vùng an toàn này, con người sẽ có một sức ì của tư duy, mà khi thế giới bên ngoài thay đổi nhanh chóng thì người cố thủ trong vùng an toàn sẽ bị loại bỏ. 

Peter Hollins kêu gọi, hãy ra khỏi vùng an toàn, ta sẽ đi vào vùng nguy hiểm - tức là vùng ta chưa từng sống, nhưng khi vượt những khó khăn trong vùng này, ta sẽ thấy hiện lên vùng học tập suốt đời.

Xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số mà GS.TS Nguyễn Thị Doan đã tóm tắt qua 34 bài viết là tài liệu hướng các bạn đọc thực hiện hành trình tri thức trong vùng học tập suốt đời. 

Khác với trẻ em, chúng được trang bị tri thức trong hành trình học qua các trường học chính quy, còn người lớn chúng ta phải tự truy cập những tri thức bằng những phương pháp khác nhau theo nguyên tắc "học đáp ứng những nhu cầu" của riêng mình một cách tức thì, không để ngày mai. Người ta gọi đó là cách học kịp thời (by day learning). Đây là thực chất của giáo dục người lớn.

Tất cả người lớn hãy lên đường, bắt đầu ngay hành trình tri thức. Xin nhớ rằng, trong hành trang của chúng ta nhất thiết phải có những thiết bị di động thông minh để ta học mọi lúc, mọi nơi mà cuộc hành trình sẽ đi qua. Thời đại số buộc chúng ta phải có thiết bị thông minh trong hành trang của mình.

Có nhiều người lớn, nhất là người đã cao tuổi, nhiều khi tham gia học để làm gương cho con cháu. Nhưng có lẽ phải khai thác một quan điểm học tập rộng hơn: Người lớn đi trên con đường học tập suốt đời là để giải phóng những năng lực mà lâu nay chúng chưa gặp cơ hội được tự do phát triển.

Trong cuốn sách của GS.TS Nguyễn Thị Doan, có tới 4 bài nói về vấn đề này, bạn đọc nên tham khảo.

Tầm quan trọng của phát triển hệ thống giáo dục mở

"Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" - góc nhìn cơ bản về học tập suốt đời- Ảnh 3.

GS.TS. Nguyễn Thị Doan.

Tôi rất tâm đắc về ý tưởng đối với việc phát triển hệ thống giáo dục mở trong tác phẩm này. Từ một cách nhìn riêng, tôi hiểu giáo dục mở sẽ là một phương tiện dùng để tháo dỡ những rào cản gây khó khăn trong hành trình tri thức, mang lại sự bình đẳng xã hội và công bằng xã hội cho mọi người qua từng chuyến du hành vào thế giới bao la tri thức của nhân loại.

Giáo dục mở trong xã hội học tập sẽ mở rộng kho tàng tri thức (tài nguyên giáo dục mở) để mọi người tự do truy cập, tự do sử dụng, tự do chia sẻ mọi kiến thức, mọi kỹ năng, mọi cảm hứng, mọi ý tưởng...

Giáo dục mở sẽ mở ra những ý tưởng xây dựng cuộc sống mà mỗi người hướng tới như việc lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, sáng tạo sản phẩm mới, đặc biệt là mỗi người sẽ có đủ tri thức để kiến tạo tương lai của chính mình, góp sức vào kiến tạo tương lai của cộng đồng.

Giáo dục mở sẽ hướng mọi hành trình tri thức của mỗi người xuyên qua những khóa học, lớp học trực tuyến của trường đại học. Lần đầu tiên ở nước ta, mọi người lớn đều có thể với tay tới học vấn đại học, tức là người lớn sẽ được hưởng thụ giáo dục đại học nếu muốn và nếu tự quyết định. Đại chúng hóa học vấn đại học trước kia là chuyện xa vời, nhưng giờ đã là hiện thực.

Giáo dục mở sẽ giúp ta chia sẻ tri thức với bất cứ ai trên thế giới, cho chúng ta làm quen với nền văn hóa của nhân loại, từ đó, cho ta tầm nhìn về một tương lai mà ta sẽ kiến tạo.

Tác giả - GS.TS Nguyễn Thị Doan, một công dân học tập tiêu biểu

Mỗi bạn đọc đều đã và đang có kho tư liệu học tập, kinh nghiệm sống của riêng mình, vì thế, cuốn sách này có rất nhiều vấn đề, rất nhiều nội dung để học tập, tham khảo, bổ sung vào sự hiểu biết của mình. 

Một điều đáng lưu ý là tác giả của cuốn sách là một đại diện tiêu biểu cho việc học tập suốt đời.

GS.TS Nguyễn Thị Doan là người thực hiện một hành trình tri thức bền bỉ và liên tục. Vì thế, bản thân Giáo sư Nguyễn Thị Doan là một nhân cách kết hợp năng lực và phẩm chất của một chính khách, của nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học. 

GS,TS Nguyễn Thị Doan đã hoàn thành tốt đẹp vai trò của Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Chủ tịch nước, Hiệu trưởng trường Đại học, Ủy viên Hội đồng lý luận quốc gia v.v... và hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đang hướng hoạt động khuyến học trở thành hành trình tri thức.

Tôi may mắn được làm việc với GS. TS Nguyễn Thị Doan trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là luôn thấy Giáo sư là một Công dân học tập tiêu biểu, là những người không tuổi tác (Perennials) trong học tập suốt đời.

Bình luận của bạn

Bình luận