GS.TS Nguyễn Thị Doan xuất bản sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam"

Trương Thuý Hằng
15:16 - 28/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cuốn sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" (Nhà Xuất bản Dân Trí) của GS.TS Nguyễn Thị Doan, gồm các bài viết có hàm lượng khoa học cao về lý luận, thực tiễn và tư liệu tập trung vào chủ đề lớn là xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh hiện nay.

GS.TS Nguyễn Thị Doan xuất bản sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam"- Ảnh 1.

Cuốn sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" của GS.TS Nguyễn Thị Doan do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành năm 2023.

Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam là người tâm huyết xây dựng ý chí xương sống cho mục tiêu xã hội học tập ở Việt Nam. Giáo sư đã từng nói: "Mỗi công dân Việt Nam đều phải trở thành công dân học tập, trở thành một người biết tự học, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, biết đối xử, quan hệ công chúng tốt. Mục tiêu để tất cả chúng ta cùng xây dựng xã hội học tập và con đường tri thức rộng mở của đất nước Việt Nam". 

Xây dựng xã hội học tập - con đường tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam

Cuốn sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" (Nhà Xuất bản Dân Trí) gồm các bài viết có hàm lượng khoa học cao về lý luận, thực tiễn và tư liệu của Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan tập trung vào chủ đề lớn là  xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh hiện nay. 

Có thể hình dung cuốn sách là một kho tư liệu đầy đủ các luận cứ khoa học thuyết phục về sự cần thiết phải có phong trào học tập suốt đời quy mô lớn, diễn ra trên cả nước dưới dạng một phong trào thi đua tầm quốc gia. Đây cũng là tâm huyết của Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan về chiến lược xây dựng nguồn nhân lực, kịp thời nắm bắt thời đại, làm sao cho mỗi con người Việt Nam làm chủ thời đại, làm chủ công nghệ và kỹ thuật mới, có học thức cũng như có tinh thần nghênh đón thời đại mới - nếu không chính chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau so với tiến bộ nhân loại. 

GS.TS Nguyễn Thị Doan xuất bản sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam"- Ảnh 2.
GS.TS Nguyễn Thị Doan xuất bản sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam"- Ảnh 3.

Khẳng định làm cho đất nước phát triển giàu mạnh phải là học tập, học tập suốt đời từ mỗi công dân của GS.TS Nguyễn Thị Doan.

Học ở thời niên thiếu, học ở trong nhà trường, học để có kiến thức, bằng cấp, có việc làm... vẫn chưa đủ. Mỗi người mỗi ngày, mỗi cơ hội đều phải tiếp cận sự học - học suốt đời - Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan luôn nhấn mạnh. Trong các bài phát biểu in trong cuốn sách này, Giáo sư nhắc nhiều tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Học không bao giờ cùng", "Một dân tộc dốt là dân tộc yếu", "mỗi cán bộ khuyến học đều phải làm dân vận khéo"... 

GS.TS Nguyễn Thị Doan
Sau 50 năm công tác, tôi vẫn hằng ngày vận dụng vào công việc những lời dạy của Bác Hồ về học không bao giờ cùng, học tập suốt đời. Tôi có 5 việc theo đuổi của cuộc đời mình là sự biết ơn, siêng năng lao động, chăm học và đọc, trung thành - trung thực và nhân ái".

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” cấp Chính phủ mà nhiều bộ ngành, tổ chức xã hội thực hiện trong 8 năm qua đã cho thấy kết quả nổi bật nhất là phát triển xã hội học tập ở Việt Nam trở thành một sự nghiệp giáo dục, được đông đảo bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội từ trung ương tới địa phương tham gia. 

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, các cấp Hội khuyến học đã đưa sự nghiệp học tập suốt đời đến được đông đảo tầng lớp nhân dân. Ai cũng bắt đầu nhận thức rằng, giải pháp hữu hiệu để có năng lực sống và làm việc trong quốc gia đang từng bước tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia là phải học, cập nhật kiến thức.

Không có quốc gia nào không bắt đầu từ giáo dục để phát triển

Khác với các thời kỳ của công tác giáo dục - khuyến học trước đây, Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan vốn là một nhà khoa học lý luận, đã chủ trương và đưa ra phương pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập hoàn toàn mới. Đó là việc bất cứ khi triển khai nhiệm vụ, chỉ thị, xây dựng tiêu chí mới, mô hình mới thì Hội Khuyến học Việt Nam đều tổ chức hội thảo khoa học. Việc này trở thành nề nếp trong hoạt động, và đó là một phương pháp tư duy mới, làm việc khoa học có đủ yếu tố lý luận và thực tiễn. Một mặt, phát huy được ý kiến thiết thực của các chuyên gia, mặt khác lắng nghe chính những người đang thực hiện nhiệm vụ nói về bất cập cần giải quyết, rào cản cần bước qua, buộc các cơ quan phối hợp phải lên tiếng, phải hành động để tiến trình xây dựng xã hội học tập nhanh về đích nhất. 

GS.TS Nguyễn Thị Doan xuất bản sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam"- Ảnh 4.

Tập hợp hệ thống tư liệu chuẩn mực trong sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam".

Hội Khuyến học Việt Nam chú trọng phát triển giáo dục cho người lớn; thay đổi nhận thức cơ bản của công dân về học tập ở người lớn. Đây cũng là một "mắt xích" yếu trong dây chuyền xã hội học tập đang vận hành. Người lớn trước kia cho rằng đã học đủ từ thời niên thiếu rồi, học là việc của người trẻ thì nay đã thay đổi tư duy và thái độ. Tất cả những học thuyết thú vị này, sự nghiên cứu tâm lý, lí luận khoa học tỉ mỉ và sắc nét của Giáo sư,Tiến Nguyễn Thị Doan có thể tìm thấy trong cuốn sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam".

Có thể kể đến các nghiên cứu và tìm tòi từ thực tiễn đến lí luận rất có giá trị của Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan trong cuốn sách này: Phát triển kinh tế tri thức; vai trò của hệ thống chính trị trong phát triển xã hội học tập; trường đại học phải có tài nguyên giáo dục mở; tạo nguồn nhân lực cao theo tiêu chí mới;  năng lực của các trung tâm học tập cộng đồng hiện nay; thực hiện di chúc của Bác Hồ trong giáo dục - đào tạo; cán bộ khuyến học chính là cán bộ dân vận khéo; học tập trong mùa dịch COVID-19; làm khuyến học thì trí tuệ không được già... 

Các bài viết tập hợp trong cuốn sách không chỉ là kim chỉ nam cho hành động còn là hệ thống nguồn tư liệu chuẩn mực để hành trình xây dựng xã hội học tập tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo. Chẳng hạn, Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở một phương pháp cung cấp công cụ cho người học là các trường đại học phải xây dựng tài nguyên giáo dục mở. Các trường đại học phải nhận thức rằng muốn có nhân lực chất lượng cao, không thể bó hẹp bài học trong giảng đường mà phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, để người học có thể học mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của hệ thống giáo dục quốc gia. 

Như vậy, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đủ năng lực vận động, thuyết phục, phải đủ lí luận và thực tiễn để kéo các trường đại học vào cuộc. Mục đích cuối cùng là các trường đại học phải xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ người học. 

GS.TS Nguyễn Thị Doan xuất bản sách "Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam"- Ảnh 5.

Xây dựng xã hội học tập là xây dựng xã hội đi lên bằng tri thức - GS.TS Nguyễn Thị Doan nhận định.

Trong bài viết đáng chú ý: "Truyền cảm hứng và hỗ trợ thiết thực cho sinh viên khởi nghiệp" của cuốn sách này, Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan chia sẻ: "Tôi luôn nhìn thấy trong thế hệ trẻ một tiềm năng rất lớn. Nếu chịu khó lăn lộn, sáng tạo và ý chí thì nhất định thành công. Đó là tiềm năng nguồn nhân lực, trí tuệ trong nhân dân.

Nhà trường chỉ là cái nôi, là vườn ươm cho tài năng. Về phía nhà trường, việc đào tạo hiện nay còn lí thuyết, chưa thực tiễn, kết nối với thị trường lao động còn yếu". 

Kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo trong công tác, Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan thấm thía phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo là phải làm thay đổi được tư duy người đứng đầu trong mỗi cơ quan, tổ chức. Làm sao cho người đứng đầu làm tròn trách nhiệm, vai trò nòng cốt mới có thể đẩy tổ chức, cơ quan, đơn vị đi lên, tạo động lực cho mỗi công dân đều là công dân học tập, biến môi trường xung quanh mình trở thành môi trường học tập. 

Cuốn sách quý là hệ thống tư liệu và gợi mở khá nhiều khía cạnh cho công tác khuyến học, cũng như hướng đi cho phong trào xây dựng xã hội học tập của Việt Nam hiện nay.