GS.TS Phạm Tất Dong: Muốn có xã hội học tập phải tạo lập môi trường để người dân “khát học”

img

Lời phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2023 đã tạo nên một bước phát triển mới trong hành trình xây dựng đất nước trở thành xã hội học tập.

Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học những kinh nghiệm tạo dựng, xây đắp nền móng xã hội học tập ở Việt Nam trong suốt những năm qua. Từ đó, tạo nên bước nhảy vọt trong sự nghiệp khuyến học.

GS.TS Phạm Tất Dong: Muốn có xã hội học tập phải tạo lập môi trường để người dân “khát học” - Ảnh 1.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa GS.TS Phạm Tất Dong, xin Giáo sư chia sẻ thông tin về nền móng ban đầu và quá trình xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Từ nửa sau của thế kỷ XX, ở các nước phát triển, nền kinh tế dựa vào tri thức đang từng bước thay đổi nền kinh tế công nghiệp dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Xu thế toàn cầu hóa đã lôi cuốn nhiều quốc gia vào dòng chảy của nó. Phải nói rằng xu thế này đã tạo ra tác động cực lớn nên các nền kinh tế, làm thay đổi cục diện và buộc các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải lựa chọn hướng phát triển phù hợp với xu thế chung.

Tại thời điểm đó, Việt Nam đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng và Nhà nước tiếp tục kiên định đường lối chủ trương phải đi vào kinh tế tri thức, tranh thủ tiếp thu những thành quả của kinh tế tri thức nhân loại, rút ngắn thời gian hoàn thành công nghiệp hóa, nhằm tránh sự tụt hậu về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Nền kinh tế tri thức đòi hỏi phải xây dựng xã hội học tập để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ vào việc mọi người dân, nhất là người lao động phải học tập suốt đời. Vì thế, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng đã quyết định thực hiện chính sách giáo dục dành cho mọi người, mọi tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng nước ta thành một xã hội học tập.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, năm 2005, chủ trương này đã được ghi vào nghị quyết cụ thể hơn về nội dung: "Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học, xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục".

Để thể chế hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập do Đảng đề ra, từ năm 2005 đến nay, Nhà nước ta đã có 3 quyết định cụ thể: Quyết định 112/2005/QĐ-TTg (ngày 18/5/2005) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010. Quyết định 89/QĐ-TTg (ngày 9/1/2013) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020. Quyết định 1373/QĐ-TTg (ngày 30/7/2021) về xây dựng xã hội hoc tập giai đoạn 2021-2030.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Như vậy, có thể nói việc xây dựng xã hội học tập đã được nâng tầm thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam. Chủ trương này đã được cụ thể hoá thành hành động như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Trong bối cảnh các nước trên thế giới lúc đó đã bắt tay vào xây dựng xã hội học tập, họ theo đuổi việc xây dựng các "Thành phố học tập", các đô thị học tập, vùng công nghiệp học tập, các khu chế xuất học tập, các hải cảng học tập…

Họ có thể dễ dàng làm điều đó vì quá trình đô thị hóa trên đất nước họ về cơ bản đã được đồng bộ cơ sở hạ tầng và hoàn thiện kiến trúc thượng tầng. Họ hầu như không gặp khó khăn trong cung cấp môi trường học tập cho người học, từ cơ sở vật chất lẫn nhu cầu tự thân của việc học đối với mỗi người dân cũng đến rất tự nhiên. Họ không học sẽ thất nghiệp, sẽ bị văng ra khỏi vòng quay của đời sống công nghiệp.

Ở nước ta, mặc dù có chủ trương, đường lối, nhưng việc xây dựng xã hội học tập bắt đầu từ cơ sở, nghĩa là từ địa bàn hành chính cấp xã. Tại các xã, phường và thị trấn, chúng ta phải phát triển mô hình nhỏ trước, bao gồm mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, thôn bản/tổ dân phố học tập và các đơn vị học tập bao gồm các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, hợp tác xã... do chính quyền cấp xã quản lý.

Từ năm 2021, trên địa bàn hành chính cấp xã còn có thêm mô hình công dân học tập. Đồng thời, Nhà nước sẽ thúc đẩy xây dựng Huyện học tập (huyện, quận, thị xã) và Tỉnh học tập (tỉnh và thành phố). 

GS.TS Phạm Tất Dong: Muốn có xã hội học tập phải tạo lập môi trường để người dân “khát học” - Ảnh 2.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Đất nước ta bắt đầu công cuộc xây dựng xã hội học tập từ năm 2001, gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả gì về xây dựng xã hội học tập, thưa Giáo sư?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Thứ nhất, những mô hình học tập ở cấp xã, về cơ bản đã hoàn thành. Mô hình "xã học tập", "phường học tập", "thị trấn học tập" đã được định hình, từ đó chuẩn bị cho việc thiết kế mô hình Huyện học tập, Tỉnh học tập.

Thứ hai, hiểu biết của nhân dân về học tập suốt đời được nâng lên, người dân thấy được sự cần thiết phải học tập suốt đời, phát huy truyền thống hiếu học để làm động lực học tập.

Thứ ba, một số thành phố ở Việt Nam đã tham gia mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu", tạo điều kiện hội nhập sâu vào xu thế phát triển xã hội học tập trên thế giới. Cho đến nay, đã có 5 thành phố của Việt Nam trở thành hình mẫu về Thành phố học tập. Tương lai còn nhiều Thành phố học tập nữa bởi các địa phương đang nỗ lực xây dựng.

Thứ tư, lực lượng xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập ngày càng đông đảo. Đến nay đã có 14 bộ, ngành có chương trình phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam triển khai hoạt động khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy phong trào học tập trong các đơn vị trực thuộc.

Và điều quan trọng nhất, từ những thúc bách thượng tầng về việc xây dựng xã hội học tập, mỗi người dân đã bắt đầu nhận thức được việc học tập suốt đời là sống còn. Việc học không còn bó gọn trong nhà trường, học không phân biệt lứa tuổi, tuổi nào cũng có thể hun đúc sự "khát học" của bản thân mình.

GS.TS Phạm Tất Dong: Muốn có xã hội học tập phải tạo lập môi trường để người dân “khát học” - Ảnh 3.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Giáo sư, còn những vấn đề gì cần phải giải quyết để đất nước ta nhanh chóng trở thành xã hội học tập?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Tôi thấy còn nhiều vấn đề của xã hội học tập bị bỏ ngỏ, chưa giải quyết được hoặc triển khai chậm.

Điều nhìn thấy ngay là bản thân ngành giáo dục cũng chưa thực sự quan tâm đến giáo dục người lớn, để có thể đầu tư chưa thích đáng cho học không chính quy và phi chính quy. Kinh phí dành cho giáo dục người lớn hiện chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong ngân sách nhà nước cho giáo dục. Các trung tâm học tập cộng đồng vận hành chưa tốt, còn thiếu hiệu quả cũng vì lý do này.

"Học phi chính quy là cần gì học đấy, học chủ đích hoặc ngẫu nhiên, học bất kỳ đâu, như khi đọc tờ báo, xem cuốn phim, đi ra chợ xem có gì cần học thì đều học được. Học như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Việc ra chợ buôn bán ngày nay cũng là buôn bán trực tuyến qua điện thoại di động, rồi thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, nếu không học thì doanh thu của người đó sẽ không khá lên được, thậm chí sụt giảm. Hay ngay cả việc giải trí bằng điện thoại, máy tính, truyền hình thông minh… Tất cả đều cần mỗi công dân đều phải học, học suốt đời"

– GS.TS. Phạm Tất Dong

Vấn đề giáo dục mở còn chậm triển khai. Các trường đại học tham gia xây dựng nguồn tài liệu mở chưa nhiều. Các khóa học trực tuyến do trường đại học dành cho người lớn còn khá hạn chế.

Việc triển khai mô hình Huyện học tập, Tỉnh học tập quá chậm.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030". Để phong trào được triển khai đạt hiệu quả cao, Giáo sư cho rằng cần phải lưu ý những điểm gì?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Trước hết, khi Thủ tướng phát động phong trào này thì các địa phương phải nhanh chóng hưởng ứng, có quyết định và kế hoạch thực hiện cụ thể từng năm. Tránh trường hợp, Thủ tướng phát động mà các bộ, ban, ngành cùng các địa phương lại chậm chạp trong triển khai.

Muốn phong trào học tập suốt đời trở thành phong trào quần chúng thì nhà nước phải vận hành phương thức "kiềng 3 chân":

Một là, các cơ quan chức năng của Chính phủ nhanh chóng hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch với các mục tiêu thực hiện.

Hai là, các tổ chức phi chính phủ tham gia hưởng ứng phong trào.

Ba là, các doanh nghiệp hỗ trợ về điều kiện hoạt động, nhất là tài trợ và kinh phí. Trong đó, kinh phí để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân cũng rất quan trọng. Phải làm sao cho người dân "khát học", học là nhu cầu và ý chí tự thân, là thiết thực nhất với họ. Dù chúng ta có nguồn lực lao động đông đảo, trẻ và sung sức, nhưng nếu không sử dụng sức lực, nguồn lực xã hội để đầu tư cho việc học thì cũng sẽ tụt hậu. 

Câu nói kêu gọi sự đùm bọc, yêu thương để tiến tới mục tiêu "xoá đói, giảm nghèo" của chúng ta là "để không ai bị bỏ lại phía sau" thì với sự học cũng như vậy. Học chính là để cả xã hội chúng ta không bị bỏ lại phía sau.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Đáp ứng chủ trương về chuyển đổi số của Chính phủ, mỗi người dân buộc phải học để theo kịp kỉ nguyên số, Giáo sư có thể chia sẻ những lời khuyên cho người học đáp ứng được mục tiêu này?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Người dân ở mọi độ tuổi học tập thường xuyên, học suốt đời để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả nhằm để có cuộc sống văn minh, hạnh phúc. Nước ta trở thành một xã hội học tập là khi trong xã hội ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính…

Khi trong xã hội có sự phát triển của giáo dục điện tử và học tập trực tuyến, phương thức học mọi lúc mọi nơi được áp dụng. Việc học tập tại nhà cũng được thực hiện như một cách học cần thiết cho bất cứ ai đặt kế hoạch học tập suốt đời. Do vậy, đưa học tập về gia đình và nâng cao tự chủ cá nhân là một xu thế học tập tích cực trong giai đoạn chuyển đổi số.

Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy việc tự động hóa sản xuất và hàng loạt hoạt động trong dịch vụ và kinh doanh bằng việc đưa các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, Robot 3D..., đồng thời chương trình chuyển đổi số quốc gia đang gia tăng áp lực về hình thành và phát triển những năng lực số ở mọi người dân trong xã hội. Vì vậy, người học hiện nay phải hết sức lưu tâm đến kỹ năng số.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong!