Xây dựng "Trường học Hạnh phúc" có khó không?
Muốn có "Trường học Hạnh phúc", các thầy cô phải cảm thấy hạnh phúc trong công việc, giảng dạy, trong giao tiếp với nhau và với học trò. Thầy cô chính là các những trụ cột, nâng đỡ cho sự phát triển của nhà trường.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, khái niệm hạnh phúc trong trường học hiện nay đang dần trở nên ít ỏi, mai một bởi đội ngũ nhà giáo có quá nhiều những áp lực vô hình. Thậm chí đâu đó họ vẫn chưa thực sự tìm thấy hạnh phúc ở chính nơi mà họ đang hàng ngày đứng trên bục giảng.
Thay đổi vì một trường học hạnh phúc bắt đầu từ đâu?
"Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc" là chủ đề của hội thảo "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" do VTV7 và Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 24 và 25/9, với sự tham gia của 400 hiệu trưởng đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Nhà giáo - ông Vũ Minh Đức đã chia sẻ: "Hiệu trưởng là người sẽ tạo ra ngôi trường mà ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội".
Những chia sẻ của Cục trưởng Cục Nhà giáo rõ ràng đúng và trúng vấn đề. Trường học chỉ thực sự hạnh phúc khi trong mỗi đơn vị có những thành viên trong ban giám hiệu mà đặc biệt là hiệu trưởng biết khơi nguồn và tạo ra, mang đến, truyền đi hạnh phúc cho mọi người.
Hạnh phúc không phải đi tìm ở mãi đâu đâu, hạnh phúc chỉ giản đơn khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường điều hành đơn vị theo quy chế thống nhất, dân chủ, dựa trên các nhu cầu thực tế trong công tác giảng dạy, tạo ra môi trường "đơn vị học tập", phát triển cá nhân, đồng lòng tập thể.
Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng trường Liên cấp Trung học phổ thông và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, Bắc Ninh có mặt tại Hội thảo này chia sẻ: Là một hiệu trưởng tôi luôn trăn trở và suy nghĩ rằng hiệu trưởng cần thay đổi như thế nào và phải làm những gì để giáo viên của mình yêu thích, tâm huyết, say sưa với nghề, yêu thương và tôn trọng học trò như con của mình; làm thế nào để học trò muốn đến trường học, nhìn thấy thầy cô, bạn bè là thấy niềm vui và hạnh phúc. Chính vì thế mà tôi thật sự mong muốn được nghe các chuyên gia phân tích, giảng giải, chia sẻ từ các hiệu trưởng khác để từ đó tôi tìm ra những giải pháp phù hợp để từ đó tôi có cơ hội được học hỏi, được làm việc tốt hơn trong đơn vị mình.
Hạnh phúc phải bắt đầu từ sự nhân ái, từ văn hóa ứng xử hàng ngày. Mỗi khi đến trường, những nụ cười khi gặp nhau, sau mỗi giờ giảng dạy, trong mỗi ứng xử chuyện công, chuyện riêng, sự chia sẻ chân thành có thể xoa tan mệt nhọc áp lực, sau những giờ lên lớp căng thẳng. Hạnh phúc của trường học không thể bắt đầu từ việc một số hiệu trưởng đến trường rồi nhanh chóng bước vào phòng lạnh, đóng cửa kín lại đến hết giờ hành chính rồi ra về, mỗi lần giáo viên cần trao đổi việc gì cũng ngại ngần tìm kiếm.
Hạnh phúc nơi trường học không phải là chuyện đầu năm học, một số hiệu trưởng đưa ra hàng loạt các khoản thu - có cả những khoản bắt buộc và có nhiều khoản xã hội hóa, nhiều dịch vụ rồi cứng nhắc yêu cầu giáo viên thu nhanh, thu đủ và đưa ra những lời quở trách nếu giáo viên nào thu chậm trễ, thu được ít.
Hạnh phúc nơi trường học không phải là đầu năm học, nhà trường giao hàng loạt chỉ tiêu "không tưởng" cho các tổ chuyên môn rồi yêu cầu họ phải thực hiện giảng dạy theo chỉ tiêu đã ấn định. Tiếp theo đó là sự chống chế, đối phó và tìm cách chạy thành tích ảo.
Ai tạo ra hạnh phúc trong trường học - tất nhiên là phải có sự đồng lòng, chung sức của cả tập thể và có sự phối hợp với phụ huynh học sinh và các đoàn thể liên quan. Nhưng, hiệu trưởng phải là người đầu tàu đi đầu trong việc dựng xây hạnh phúc. Hiệu trưởng phải biết vận dụng, linh hoạt việc điều hành công việc để vừa có thể phát huy thế mạnh của giáo viên, vừa có thể tạo cho họ nguồn năng lượng làm việc tích cực thì mới là hiệu trưởng thành công.
Giáo viên, học sinh, phụ huynh cần hiệu trưởng như thế nào?
Thứ nhất: giáo viên cần những hiệu trưởng biết thấu cảm những công việc mà họ đang đảm trách. Giáo viên cần hiệu trưởng tạo ra một môi trường giáo dục dân chủ, lành mạnh, nhân ái, sẻ chia cùng nhau.
Giáo viên cần hiệu trưởng bớt đi những khoản thu xã hội hóa giáo dục không thực sự cần thiết. Hiệu trưởng biết chắt chiu, tận dụng những cơ sở vật chất, những trang thiết bị giáo dục hiện có và có tư duy dài hạn chứ không dừng lại ở "tư duy nhiệm kỳ".
Giáo viên cần hiệu trưởng bớt đi những hồ sơ sổ sách vô bổ, không vẽ vời thêm những loại kế hoạch, sổ sách không nằm trong quy định của ngành để họ có nhiều thời gian hơn dành cho chuyên môn.
Giáo viên muốn hiệu trưởng phải là người thường xuyên đọc, cập nhật các văn bản điều hành, hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ, của Sở để khi áp dụng vào công việc không bị sai, không ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên.
Giáo viên cần ban giám hiệu mà đặc biệt là hiệu trưởng hãy nhìn nhận thực tế chất lượng giáo dục ở đơn vị mình để đưa ra giải pháp và có kiểm tra, đôn đốc chứ không phải là đưa ra những con số khô khan rồi chẳng đưa ra một giải pháp cụ thể nào nhưng lại luôn yêu cầu chất lượng cao hơn đơn vị bạn.
Thứ hai: muốn trường học hạnh phúc thì việc đầu tiên hiệu trưởng phải là người khơi nguồn hạnh phúc cho đơn vị mình. Vì thế, hiệu trưởng không hách dịch, không lộng quyền, không áp đặt và xa rời tập thể, có tình tạo khoảng cách với đội ngũ giáo viên, né tránh những việc khó giải quyết.
Muốn trường học hạnh phúc thì hiệu trưởng phải đối xử với tất cả giáo viên bình đẳng, không tạo vây cánh trong trường học, không nghe những lời xiểm nịnh và phải biết nghe những lời "khó nghe" để thay đổi. Những người dám nói, dám góp ý, dám phản biện lại kế hoạch của nhà trường, phần nhiều là những nhà giáo giỏi chuyên môn, tâm huyết với đơn vị.
Nếu hiệu trưởng biết phát huy thế mạnh của từng nhà giáo trong đơn vị, không có gì hơn là phải phát huy được quyền dân chủ của giáo viên và biết khích lệ giáo viên nói trong hội họp. Nhưng, tuyệt đối không trù dập giáo viên.
Thứ ba: trường học hạnh phúc là trường học biết tạo cho giáo viên phát huy tối đa điểm mạnh của mình. Vì thế, hiệu trưởng cần có kế hoạch cụ thể để đôn đốc giáo viên dạy hết kiến thức ở trên lớp, dạy hết những bài tập ở trên lớp để nhà trường và giáo viên không phải kéo học trò đi học thêm.
Các loại dịch vụ bán cho học trò thì cần có sự bàn bạc, thống nhất với phụ huynh để không ép buộc họ phải mua sản phẩm giáo dục không cần thiết trên tinh thần "tự nguyện". Trường có bán sách giáo khoa thì chỉ nên bán sách giáo khoa, không nên bán sách bổ trợ, sách bài tập cho học trò.
Cũng đừng bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ nâng khống giá từ những dịch vụ giáo dục, từ những chiếc áo đồng phục của học trò. Hãy để cho phụ huynh tự nguyện thực sự - nếu họ cảm thấy cần thiết vì mọi ép buộc luôn khiến cho phụ huynh khó chịu và dễ dẫn đến chuyện "tức nước vỡ bờ".
Cả nước có có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông thì chính những hiệu trưởng phải là những con người thực sự tiêu biểu, trong sáng. Môi trường giáo dục là môi trường dạy người, phát huy các giá trị nhân văn cao đẹp. Vì thế, nếu như trường học mà không may gặp hiệu trưởng không đi lên bằng năng lực, vụ lợi, hách dịch thì chưa thể tạo ra hạnh phúc cho trường học.
Đặt trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện thay đổi chương trình mới, đang hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò thì vai trò hiệu trưởng càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi họ là nơi tạo ra hạnh phúc nhưng cũng có thể là nơi tạo ra những bất hạnh cho một bộ phận giáo viên trong nhà trường.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google