Xây dựng đoàn kết nội bộ trong trường học tốt để thúc đẩy phát triển giáo dục

Nguyễn Khanh
13:03 - 04/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các tập thể nhà trường làm cách nào để gây dựng đoàn kết, trở thành đơn vị học tập, nhằm cung ứng cơ hội và tạo động lực học tập suốt đời cho xã hội?

Lâu nay, trường học vẫn được xem là một trong những môi trường làm việc lành mạnh và đoàn kết, nhân văn. Yêu cầu mới đối với các trường học còn là việc xây dựng đơn vị học tập, cập nhật các xu hướng và mô hình chia sẻ tri thức, xây dựng xã hội học tập, tạo dựng cộng đồng học tập, nhằm cung ứng cơ hội và tạo động lực học tập suốt đời cho xã hội.  

Trường học còn là nơi lãnh đạo, giáo viên, nhân viên đồng sức, đồng lòng chung tay vì sự phát triển của đơn vị và của ngành giáo dục. Tuy nhiên, những năm gần đây chúng ta thấy môi trường giáo dục ở một số đơn vị trường học đã có phần phức tạp, nhất là những trường lớn, những trường có hiện tượng dạy thêm, học thêm, trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú…

Chính vì thế, đã có một số giáo viên trong trường đứng ra làm đơn thư tố cáo ban giám hiệu nhà trường lên các cấp lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo địa phương. Nhưng, chỉ tiếc một số trường hợp như vậy chưa được giải quyết đến nơi, đến chốn. Các sự việc kéo dài dai dẳng nên dẫn đến tình trạng đơn thư gửi đi nhiều nơi, nhiều chỗ mà chúng ta đã chứng kiến trong những năm học vừa qua.

Nguyên nhân mất đoàn kết ở một số nhà trường

Một số đơn vị trường học để xảy ra mất đoàn kết nội bộ thường bắt đầu từ việc xung đột quyền lợi. Một khi lợi ích không được hài hòa, tính dân chủ của một số đơn vị bị mai một thì đoàn kết nội bộ bị lung lay và dẫn đến xung đột giữa cá nhân này với cá nhân khác hoặc một nhóm người này với nhóm người khác.

Những nơi để xảy ra mất đoàn kết nội bộ thường có nguyên nhân do hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường chưa làm tốt vai trò quản lý của người đứng đầu. Có nơi lạm quyền dẫn đến xử lý công việc, quan hệ trong đơn vị không được tốt. Một số hiệu trưởng sau khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại tại đơn vị thì tìm cách để nâng đỡ, cất nhắc những người thân tín của mình vào một số chức danh trong nhà trường để tạo thêm vây cánh cho mình.

Khi triển khai, tổ chức các hoạt động trong nhà trường mà có những tiếng nói phản biện dù đúng, dù sai từ cấp dưới thì họ cảm thấy phật ý, không hài lòng, thậm chí cho đó là người chống đối, là ý kiến phá đám. Từ đó, họ xem tiếng nói ấy không đại diện cho quyền lợi chính đáng của đơn vị mà dẫn đến sự hằn học, ghét bỏ cấp dưới của mình. 

Thêm vào đó là một số người thân cận bên cạnh thường nịnh bợ, tâng bốc lãnh đạo và tìm những sơ hở, điểm yếu cả một số giáo viên hay có ý kiến trái chiều để tạo nên những khoảng cách trong các mối quan hệ. Từ đó, xung đột xảy ra giữa một người, hay một nhóm người không chức vụ với một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, cốt cán trong nhà trường xảy ra và đôi khi nó kéo dài dai dẳng.

Quyền lợi trong nhà trường thường không lớn nhưng đôi khi làm cho mâu thuẫn tích tụ ngày càng nhiều của một số thầy cô giáo trong các đơn vị trường học. Đó là trong phân công công tác, phân công nhiệm vụ, công việc thì lãnh đạo nhà trường thường phân công cho những người thân tín làm chủ nhiệm lớp, giảng dạy những lớp mà có nhiều học sinh ngoan hiền hơn, những lớp chọn, lớp điểm của đơn vị.

Những giáo viên bình thường thì phân công những công việc khó hơn, thử thách nhiều hơn nhưng đến khi nhà trường xét thi đua cuối năm là thành quả trong năm học của các giáo viên được tính ngang hàng như nhau. Tất nhiên, những lớp học sinh giỏi nhiều, ngoan hiền hơn sẽ có kết quả tốt hơn, ít học sinh vi phạm hoặc bỏ học hơn. Vì thế, khi xét chuẩn giáo viên, phân loại viên chức hay xét danh hiệu thi đua thì ai thành tích nhiều hơn sẽ xếp trên. Những giáo viên mà chủ nhiệm, giảng dạy những lớp có mặt bằng thấp hơn thì tỉ lệ học sinh yếu nhiều hơn, học sinh bỏ học hoặc lưu ban nhiều hơn. 

Và, những kết quả này là cơ sở để xếp loại, xét thi đua giáo viên hàng năm ở các nhà trường. Đó là chưa kể quyền lợi còn thể hiện ở chỗ phân công giáo viên dạy thêm trong các nhà trường. Những lớp học thêm nhiều thường là những lớp chọn và những lớp này thường là những giáo viên thân tín của ban giám hiệu nhà trường mới được đảm nhận.

Sự tích tụ, dồn nén, mâu thuẫn lâu ngày sẽ tăng lên và nhiều người đã làm đơn gửi cấp trên để tố cáo những vi phạm, hạn chế của lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên, những đơn, thư này có được giải quyết công tâm hay không thì dư luận đã chứng kiến rất nhiều vụ việc được báo chí phản ánh trong những năm học vừa qua. 

Nội bộ nhà trường đoàn kết tốt phải bắt đầu từ sự gương mẫu, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường

Trong trường học thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường được xem là đầu tàu của đơn vị. Nếu những thầy cô đảm nhận chức vụ này đặt quyền lợi của nhà trường lên trên thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa, công bằng. Nhưng, làm thể nào để mọi chuyện ổn thỏa, công bằng là cả một sự kỳ công và nghệ thuật của người lãnh đạo. Bởi, trong trường học, cho dù đa phần giáo viên có trình độ đào tạo như nhau nhưng không phải họ cùng giảng dạy được chất lượng như nhau. Trong khi đó, người xưa từng nói, "dụng nhân như dụng mộc" nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường phải biết cách "đặt" từng vị trí công việc cho từng con người cụ thể.

Khi bổ nhiệm đội ngũ cốt cán trong nhà trường như tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phải là những thầy cô nổi trội về chuyên môn, có đạo đức, lối sống tốt để có thể tập hợp được sức mạnh của từng cá nhân trong tổ. Các tổ chuyên môn mạnh, đoàn kết sẽ góp phần tạo nên một tập thể mạnh, biết cùng nhìn về một hướng để phấn đấu, công tác tốt. Khi cơ cấu hoặc bổ nhiệm một số chức danh đoàn thể trong nhà trường như các thành viên trong ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, tổng phụ trách Đội thì phải lựa chọn được những người có uy tín, năng động trong đơn vị. Họ có thể không giúp hiệu trưởng, hiệu phó trong việc phát triển chuyên môn của nhà trường nhưng những con người này sẽ giúp cho Ban giám hiệu chăm lo được đời sống tinh thần của giáo viên, của học sinh.

Khi mọi thầy cô giáo đều yêu mái trường, đều được chăm lo về đời sống tinh thần, những vướng mắc về quyền lợi được đoàn thể bảo vệ thì giáo viên sẽ tận tâm để cống hiến, sống nhân ái và mọi xung đột sẽ được hóa giải một cách nhanh chóng, dễ dàng. Đặc biệt, những quyền lợi, chính sách chính đáng của giáo viên thì nhà trường cần phải được giải quyết nhanh chóng, công bằng. Chuyện thù lao trong trường dù bao nhiêu cũng cần công khai minh bạch trước hội đồng sư phạm nhà trường…

Thiết nghĩ, trường học là nơi dạy người mà những người đứng ra "dạy người" là đội ngũ thầy cô giáo trong nhà trường. Vì thế, để những thầy cô làm tốt được công việc của mình thì lãnh đạo nhà trường, các đoàn thể phải là người bảo vệ, tạo môi trường tốt cho thầy cô giáo cống hiến. Những thầy cô giáo trong trường cũng cần toàn tâm, toàn ý, đồng lòng vì đơn vị, biết chắt lọc những cái hay, cái tốt để đóng góp cho đơn vị. 

Trường học chỉ đoàn kết, phát triển khi lãnh đạo, giáo viên, nhân viên cùng chung tay xây dựng, cống hiến, biết sống nhân ái, yêu thương, vị tha trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.