Tiến sĩ Lê Công Lợi: “Gia đình và trường học có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng”

img

Ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức cao luôn là lực lượng tiên phong trong quá trình phát triển. Do đó, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Những tài năng nếu được phát hiện và bồi dưỡng sớm sẽ trở thành nguồn lực tốt, đóng góp tích cực cho đất nước.

Để làm được điều đó, cần có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó, phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của nhà trường và gia đình.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Lê Công Lợi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên của Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), đã chia sẻ về vai trò của nhà trường trong việc thu hút, bồi dưỡng tài năng cũng như vai trò của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát triển những tài năng.

Trong các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên có 6 thí sinh đoạt Huy chương Vàng:

-Môn Vật lý có học sinh Lê Minh Hoàng (lớp 12), học sinh Vũ Ngô Hoàng Dương (lớp 11) và học sinh Võ Hoàng Hải (lớp 10).

-Môn Toán có học sinh Ngô Qúy Đăng (lớp 12) với điểm số tuyệt đối 42/42 và học sinh Phạm Việt Hưng (lớp 11).

-Môn Hóa học có học sinh Phạm Nguyễn Minh Tuấn (lớp 11).

Tiến sĩ Lê Công Lợi: “Gia đình và trường học có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng” - Ảnh 2.


 PV: Xin chúc mừng Tiến sĩ Lê Công Lợi và nhà trường đã có những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lý, Hóa học vừa qua!  TS có cảm xúc như thế nào về thành tích ấn tượng của các học sinh?

Tiến sĩ Lê Công Lợi: Năm nay là một năm đặc biệt đối với thầy và trò của Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên. Thú thực, thời gian mà thầy cô hồi hộp nhất trong hành trình đến với các kỳ thi Olympic quốc tế là lúc học sinh của trường được chọn vào Đội tuyển quốc gia.

Năm nay, có điểm đặc biệt là em Võ Hoàng Hải - học sinh lớp 10 của trường, được chọn thi môn Vật lý. Đây là học sinh đầu tiên của Việt Nam thi Olympic quốc tế môn Vật lý khi mới học lớp 10.

Với đặc thù của từng môn học, như môn Toán thường được các học sinh quan tâm từ rất sớm, nhưng với môn Vật lý là môn khoa học khó, thường được học sinh quan tâm muộn hơn nên các thầy cô đặt kỳ vọng rất lớn là có thể tạo ra được cú hích mới trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lý của trường.

Khi chờ đợi kết quả của Võ Hoàng Hải thi Vật lý thì nhà trường nhận được tin em Ngô Quý Đăng và Phạm Việt Hưng vừa thi xong Olympic quốc tế môn Toán và báo về là đều làm được hết cả 6/6 bài. Đây là một tin vui bất ngờ nhưng cũng trong dự đoán của các thầy cô.

Tiến sĩ Lê Công Lợi: “Gia đình và trường học có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng” - Ảnh 3.

Đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam năm 2022 và thầy giáo Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn chụp ảnh trước khi lên đường đến Nauy dự thi. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Khi trường được Ban tổ chức thông báo em Ngô Quý Đăng đã đạt điểm tuyệt đối 42/42 thì rất nhiều thầy cô chuyên Toán, đặc biệt là các thầy cô trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển Toán cực kỳ vui mừng. Bởi, mục tiêu học sinh đạt huy chương vàng đã là rất tuyệt vời rồi, nhưng để đạt được huy chương vàng với điểm tuyệt đối thì đó phải là kết quả của một một kế hoạch dài hơi.

Đến thời điểm hiện nay đã có 6 học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên tham gia Olympic quốc tế và cả 6 học sinh đều đạt được huy chương vàng. Thành tích này sẽ là một thách thức đối với những năm sau của nhà trường.

PV: Theo Tiến sĩ, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên có những lợi thế gì trong việc thu hút và bồi dưỡng tài năng các môn khoa học tự nhiên?

Tiến sĩ Lê Công Lợi: Có hai đặc điểm chính giúp Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên có thể thu hút và bồi dưỡng được những tài năng các môn khoa học tự nhiên.

Thứ nhất, nhà trường được kế thừa thành tựu và uy tín của Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Tổng hợp trước kia, địa chỉ mà gần như tất cả các học sinh phổ thông ở Việt Nam đều rất ngưỡng mộ và muốn được học tập. Chất lượng đào tạo của nhà trường được khẳng định nhiều năm qua, được các cơ sở giáo dục trong nước, khu vực và quốc tế biết đến.

Thứ hai, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là trường đại học hàng đầu trong nghiên cứu khoa học cơ bản đối với các môn Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học, hiện nay có thêm cả Tin học. Do đó, nhà trường được hỗ trợ rất lớn về những kiến thức nền tảng và các chuyên gia trong các môn khoa học này.

Tiến sĩ Lê Công Lợi: “Gia đình và trường học có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng” - Ảnh 4.

PV: Đến thời điểm hiện tại, trong số 6 thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế năm nay, có học sinh Võ Hoàng Hải thi Toán học khi mới lớp 10, tức là vừa mới vào trường và đủ tuổi được tham gia kỳ thi Olympic quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đã làm cách nào để phát hiện ra những tài năng từ khi còn rất sớm như vậy, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ  Lê Công Lợi: Ở Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, các thầy cô đều giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đối với các trường trung học cơ sở. Trong quá trình trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, thầy cô ở các trường trung học cơ sở đều giới thiệu học sinh giỏi của mình.

Đặc biệt, phụ huynh của các học sinh có năng lực cũng gặp gỡ và xin tư vấn từ các thầy cô của nhà trường nên thầy cô cũng nắm bắt được năng lực của các em.

Bên cạnh đó, phải chia sẻ thêm là những học sinh như Ngô Quý Đăng (đoạt huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2020 khi học lớp 10) và Võ Hoàng Hải (đoạt huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế 2022 khi học lớp 10) thì các em đều thể hiện rõ niềm đam mê với môn học  mà mình dự thi từ rất sớm.

Các em đó đã được tiếp cận với thầy cô giảng dạy đội tuyển của Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên từ trước khi nhập trường, xin tài liệu học tập, hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước… Ngoài tố chất, thì niềm đam mê đã giúp các học sinh chinh phục các kỳ thi đỉnh cao.

Tiến sĩ Lê Công Lợi: “Gia đình và trường học có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng” - Ảnh 5.

5 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật lí quốc tế 2022 (đứng giữa). Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

PV: Đề nghị Tiến sĩ chia sẻ về khó khăn hiện tại của nhà trường trong việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng?

Tiến sĩ Lê Công Lợi: Trường chúng tôi đang thực hiện khá tốt việc đào tạo lý thuyết. Đối với Toán học, các thầy cô không gặp khó khăn gì. Nhưng đối với những môn cần phải thực hành như Vật lý, Hóa học, Sinh học, mặc dù trường đã được quan tâm đầu tư rất nhiều nhưng để có những phòng thí nghiệm liên tục được cập nhật với xu thế của các kỳ thi quốc tế thì đấy là một thách thức lớn.

Thầy cô ở Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đều luôn cập nhật những trang thiết bị, dụng cụ nghiên cứu để các em có điều kiện thực hành tốt nhất. Tuy nhiên, cũng chỉ khắc phục được phần nào, vì nguồn lực tài chính của các trường chuyên thuộc các trường đại học gặp khó khăn hơn so với các trường trung học phổ thông chuyên ở các tỉnh.

Bên cạnh đó, có một thách thức khác đối với nhà trường trong việc tìm kiếm tài năng. Trước đây, rất nhiều học sinh muốn thử thách ở trong các đội tuyển để có được cơ hội vào các trường đại học trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều học sinh không theo dự tuyển bằng kết quả thi các kỳ thi quốc tế nữa dù các bạn đó rất có năng lực. Hay nói cách khác, học sinh có nhiều cách lựa chọn hơn trong việc phát triển nghề nghiệp nên việc tham gia các cuộc thi quốc tế không còn quá đặc biệt với các em như trước đây.

Tiến sĩ Lê Công Lợi: “Gia đình và trường học có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng” - Ảnh 6.

 PV: Tiến sĩ có nhắc đến việc nhiều phụ huynh của các học sinh có năng lực học tập tốt đến xin tư vấn của thầy cô về định hướng cho con, em mình. Vậy Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò của gia đình trong việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng?

Tiến sĩ Lê Công Lợi: Theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, gia đình là một trong những nhân tố cốt lõi của giáo dục nhân cách, trí tuệ con người. Bên cạnh nhà trường và xã hội. Những học sinh được bố mẹ đồng hành, đặc biệt là bố mẹ đã vun đắp và nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão lớn của các em, đó  là điều tuyệt vời. Cũng có rất nhiều phụ huynh có khả năng định hướng, lập kế hoạch phát triển cho con cái họ.

Quan sát những học sinh đạt thành tích tốt tại Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, tôi thấy đúng là ngoài năng lực và sự đam mê thì phải kể đến sự đồng hành của phụ huynh.

Gia đình có vai trò định hướng phát triển của mỗi cá nhân. Và gia đình phải là môi trường tốt, phụ huynh tạo điều kiện về vật chất, từ việc chăm sóc sức khỏe, đồ dùng học tập, đến chăm lo đến tinh thần, như chia sẻ với các em về những căng thẳng trong học tập, khi giải một bài toán thách thức… Rõ ràng, gia đình có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng.

Tiến sĩ Lê Công Lợi: “Gia đình và trường học có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng” - Ảnh 7.

PV: Thực tế hiện nay, có một bộ phận phụ huynh đặt kỳ vọng lớn vào con em mình, đầu tư nhiều về tiền bạc, công sức, mong con có thể thành công và làm rạng danh gia đình. Khi học sinh đó không đạt được kết quả như mong muốn thì phụ huynh rất bức xúc, quát mắng, tạo nhiều áp lực cho các em. Tiến sĩ nhận xét gì về hiện trạng này?

Tiến sĩ Lê Công Lợi:  Phụ huynh phải kiềm chế. Tất cả chúng ta đều mong muốn con cái sau này trưởng thành có vị trí tốt trong xã hội. Thế nhưng năng lực và sở trường của từng người lại khác nhau. Ngay cả việc phát hiện năng lực, sở trường của từng người cũng là một việc rất khó.

Trong giáo dục, phải quan sát, kiểm tra, đánh giá thì chúng ta mới biết được con em mình có năng lực tốt trong lĩnh vực nào. Nếu như trong một thời gian, học sinh có kết quả kiểm tra, đánh giá không tốt, mà không tiếp tục tạo động lực để học môn đó thì chúng ta nên cân nhắc.

Có phụ huynh có khả năng trong việc đánh giá thực lực của con mình, nhưng để nhận biết và phát hiện được sở trường của các em thường phải là các chuyên gia, cụ thể ở đây là thầy cô.

Nếu cha mẹ không hiểu con mình, cứ bắt các em theo con đường mà cha mẹ đặt ra thì có thể dẫn đến tình trạng học sinh không phù hợp với hướng phát triển đó, việc gặt hái được thành công của các em cũng sẽ khó khăn hơn.

Các em học sinh đang ở độ tuổi trưởng thành. Chúng ta cố gắng không tạo nên tâm lý không tốt cho các em vì những thất bại. Hãy chia sẻ, động viên để các em nhận ra điểm yếu, sai sót của bản thân, từ đó khắc phục hoặc có thể chuyển hướng theo một cách tiếp cận khác thì sẽ tốt hơn.

Trong trường hợp chẳng may các em gặp phải những thất bại nặng nề thì phụ huynh cũng bình tĩnh để xử lý. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Mình sẽ tìm ra được hướng đi mới để các em phát huy năng lực, sở trường.

Thất bại chỉ là do chưa đúng hướng, chưa có may mắn để thành công. Chúng ta cần tìm ra được hướng khác phù hợp cho các em. Chẳng hạn như các em có tố chất về âm nhạc, hội họa thì nên tạo điều kiện các em phát triển theo hướng đó thì rất tốt.

PV: Tiến sĩ có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên?

Tiến sĩ Lê Công Lợi: Thứ nhất, bố mẹ phải chia sẻ với các con. Thứ hai, bố mẹ nên tôn trọng ý kiến của các con.Thứ ba, trong trường hợp còn chưa hiểu rõ diễn biến về tâm sinh lý và những định hướng của con cái, bố mẹ nên chủ động hỏi các chuyên gia trong lĩnh vực đó để có được tư vấn tốt nhất.

Sự gắn kết của gia đình là vấn đề quyết định đối với việc hình thành những tài năng.

PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ. Chúc Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.