Thi tuyển các chức danh lãnh đạo trường học tạo đột phá trong ngành giáo dục

Nguyễn Khanh
17:56 - 10/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đã có một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng… tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng ở một số trường học phổ thông. Mặc dù mới thí điểm nhưng cũng là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực trong bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các trường phổ thông.

Từ lâu, dư luận đã từng đề cập và mong muốn các địa phương và ngành Giáo dục sẽ triển khai rộng rãi việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng ở nhà trường phổ thông hoặc ít ra chức danh này phải được tập thể sư phạm nhà trường giới thiệu, bỏ phiếu. Tuy nhiên, sự việc này chưa thành hiện thực bởi công tác quy hoạch, bổ nhiệm hiện nay còn liên quan đến nhiều tổ chức, ban ngành và phải thông qua một quy trình nhất định. 

Mô hình thi tuyển chức danh hiệu trưởng mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm

Việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng ở một số địa phương có ưu điểm và đã tạo được sự đồng thuận của dư luận, nhất là đối với đội ngũ giáo viên trong các nhà trường. Bởi vì các ứng cử viên đều phải thực hiện 2 phần là thi viết và bảo vệ đề án của riêng mình. Sau kỳ thi, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ kết quả từ cao đến thấp để lựa chọn và bổ nhiệm vị trí theo quy định. Điều đáng mừng là các chức danh tuyển dụng đều có nhiều người đăng ký thi tuyển.

Việc nhiều người cùng tham gia dự thi vào một chức danh sẽ tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt và cũng chính vì vậy mà địa phương lựa chọn được những người ưu tú và phù hợp nhất cho từng vị trí tuyển dụng. Từ cách làm này sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của ngành giáo dục của địa phương.

Những người tham dự kỳ thi không chỉ tự tin nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục mà khi tham gia dự tuyển họ đã có sẵn những đề án phát triển, dự báo mang tính đột phá, tạo được lợi thế cho vị trí của mình đăng ký thi tuyển. Vì vậy, khi trúng tuyển họ sẽ áp dụng đề án của mình cho thực tế công việc quản lý ở vị trí mà họ đảm nhận.

Có lẽ, những ai đang công tác trong ngành hoặc quan tâm đến sự phát triển giáo dục nước nhà cũng luôn mong muốn các trường có một tập thể ban giám hiệu toàn tâm, toàn trí với nhà trường, nhất là người đảm đương vai trò hiệu trưởng. Chính vì thế, việc tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng ngày càng cấp bách, nhất là khi nhiều ban giám hiệu nhà trường bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến việc quản lý yếu kém, nhân lực rời ngành và chất lượng giáo dục không được bảo đảm. 

Năm 2022, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt danh sách 86 chức danh thí điểm thi tuyển, trong đó có nhiều vị trí là hiệu trưởng các cơ sở giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng 2 trường trực thuộc: Trường Trung học phổ thông Bất Bạt và Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu.

Ngoài ra, việc thi chức danh hiệu trưởng sẽ tuyển được người tài giỏi để tạo đột phá cho đơn vị mà hơn hết là hạn chế tối đa vây cánh trong các nhà trường. Vì khi thi tuyển thì các ứng cử viên có thể là người địa phương sở tại, cũng có thể là người địa phương ở các huyện, thị khác đến. Họ có thể là người cũ nhưng cũng có thể là người mới hoàn toàn. Người mới sẽ không có hệ thống chân rết, hoặc phải làm mới từ đầu; người cũ cũng sẽ phải thực hiện những cam kết của mình khi thi tuyển mới đảm bảo được vị trí công tác của mình.

Hơn nữa, khi tổ chức thi tuyển công khai thì việc đầu tiên là cơ quan tuyển dụng sẽ chọn được người xứng đáng. Những người thi tuyển đậu chức danh này họ chắc chắn có tài năng và biết xây dựng và bảo vệ hình ảnh của mình trước đơn vị và các cơ quan giám sát.

Hiện nay, hiệu trưởng đã được mở rộng thêm các quyền hành là quyền phân công và bổ nhiệm các tổ trưởng chuyên môn, được ra các quyết định nâng lương, tăng lương trước thời hạn, quyết định hưởng các chế độ như thâm niên, chức vụ cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường… Vì thế, vai trò, quyền lực thường rất lớn. Trong khi, đa phần các địa phương trong cả nước vẫn thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm. Việc quy hoạch một vị trí nhiều người nên thời điểm có chủ trương bổ nhiệm thì có thể xảy ra tình trạng tiêu cực.

Ngành Giáo dục là nơi đào tạo nhân lực cho nước nhà nhưng cũng không thiếu hiện tượng tiêu cực khi chạy việc, chạy chức của một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý. Điều đó bộc lộ những bất ổn về việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cho ngành ở một số địa phương. Vậy nên, khi một số địa phương tổ chức thi tuyển những chức danh lãnh đạo, quản lý các nhà trường đã tạo nên những thay đổi tích cực trong ngành. 

Khi tổ chức thi tuyển chức danh quản lý minh bạch thì chắc chắn sẽ lựa chọn được những con người tâm huyết, sẵn sàng đương đầu với khó khăn trước mắt và dám chịu trách nhiệm cho chất lượng giáo dục cũng như xây dựng cơ sở đơn vị vững mạnh. 

Kỳ vọng đột phá qua thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo trường học 

Thi tuyển công khai chức danh quản lý nhằm tránh tiêu cực. Điều quan trọng hơn cả là sự cạnh tranh minh bạch sẽ tạo cho họ có động lực, mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn. Người đỗ sẽ đảm đương vị trí công việc mới, người không đỗ cũng thấy rõ được khả năng của mình để cố gắng phấn đấu hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, việc thi tuyển sẽ có một tác động tích cực đến đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục ở địa phương trong quá trình phấn đấu và thực hiện nhiệm vụ của mình.

Rõ ràng, những điểm nhấn ở một số địa phương đã và đang tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo nhà trường là những bước đi phù hợp cho xu thế hiện nay của ngành Giáo dục. Việc này tạo đột phá mới, tránh ì ạch, thụ động của một số lãnh đạo quản lý ở nhà trường. Nếu vẫn chỉ là quy hoạch rồi bổ nhiệm, giữ cán bộ mãi đảm nhận vị trí đó hoặc chỉ luân chuyển thì sẽ không có đột phá. 

Chính vì vậy, cũng không tạo được động lực phấn đấu của đại đa số các lãnh đạo trong ngành giáo dục ở các địa phương. Việc thi tuyển sẽ tạo nên cạnh tranh lành mạnh, công bằng và điều quan trọng là họ sẽ biết mình đang ở đâu để có những hoạch định cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình để tạo ra những đột phá cho đơn vị, cho ngành Giáo dục.

Bình luận của bạn

Bình luận