Vụ vi phạm tại Khu kinh tế Dung Quất: Bắt tạm giam Phó Trưởng Ban Quản lý, khởi tố một giám đốc
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố một giám đốc doanh nghiệp liên quan tới vụ vi phạm tại Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.
Bắt tạm giam Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã khởi tố một giám đốc doanh nghiệp liên quan đến vụ vi phạm tại Khu kinh tế Dung Quất khi mở rộng điều tra vụ án "Đưa nhận hối lộ" xảy ra tại Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và thi hành lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Lê Thế Tào (SN 1970, trú tại số 75 đường Thành Thái, tổ 7, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
Bị can Lê Thế Tào là Giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân bị khởi tố về hành vi “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 3, Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định và lệnh nói trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phê chuẩn.
Trước đó, ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa (50 tuổi) là Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.
Bị can Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ, theo Khoản 4, điều 354, Bộ luật hình sự.
Tội "Nhận hối lộ" theo điều 354, Bộ luật hình sự quy định thế nào?
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Lợi ích phi vật chất.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google