Vì sao thu thập dữ liệu sinh trắc học cần trong ngân hàng?
Từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải xác thực dữ liệu sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên.
Thu thập dữ liệu sinh trắc học, đảm bảo an toàn cho các giao dịch của người dân
Trong các ngân hàng, thu thập dữ liệu sinh trắc học nhằm mục đích tăng cường bảo mật cho người dân và nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua các giao dịch trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các ngành.
Theo đó, các dữ liệu sinh trắc học thường được thu thập bao gồm dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt, mống mắt, và giọng nói. Quy trình này thường bắt đầu khi khách hàng mở tài khoản mới hoặc đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử.
Cụ thể, ứng dụng sinh trắc học sẽ giúp rút ngắn, tiết kiệm thời gian giao dịch với các sản phẩm ngân hàng, ngay từ khi khách hàng có nhu cầu phát sinh giao dịch với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, các thiết bị quét sinh trắc học được sử dụng để ghi lại dấu vân tay hoặc chụp ảnh khuôn mặt.
Các dữ liệu này sau đó được mã hóa và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu bảo mật của ngân hàng, từ đó sẽ giúp hệ thống giao dịch trực tuyến nhận dạng nhanh chóng khách hàng thông qua giọng nói, nhận diện khuôn mặt có thể được sử dụng để xác thực danh tính khách hàng khi họ đăng nhập vào tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.
Việc sử dụng dữ liệu sinh trắc học giúp giảm thiểu rủi ro gian lận và tăng cường tính bảo mật cho các giao dịch ngân hàng. Đồng thời, nó cũng mang lại sự tiện lợi cho khách hàng khi không cần phải nhớ nhiều mật khẩu hoặc mã PIN. Tuy nhiên, ngân hàng cần tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng.
Ngân hàng gấp rút hoàn thành thu thập dữ liệu sinh trắc học đúng thời hạn
Với yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, tất cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải xác thực dữ liệu sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên, các ngân hàng đều đang khẩn trương, gấp rút hoàn thành việc thu thập dữ liệu sinh trắc học.
Các ngân hàng đang khẩn trương triển khai hệ thống thu thập và lưu trữ dữ liệu sinh trắc học như dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt. Quy trình này bao gồm việc cập nhật cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân viên và thông báo đến khách hàng để hoàn thành việc thu thập dữ liệu trước hạn.
Theo Quyết định này, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày sẽ phải xác thực bằng khuôn mặt. Theo đó, nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Ngay sau khi nhận được yêu cầu, hệ thống Agribank đã và đang tích cực triển khai thu thập, kiểm tra, làm sạch dữ liệu thông tin sinh trắc học để đáp ứng các yêu cầu tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN đúng thời hạn.
Hiện tại, Agribank là một trong những ngân hàng có số lượng giao dịch trực tuyến lớn nhất trong hệ thống với trên 45 triệu giao dịch trong năm 2023, tổng giá trị giao dịch đạt 60 nghìn tỷ đồng.
Tại Agribank, các giải pháp đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng cho khách hàng được triển khai đồng bộ: SMS OTP; Soft OTP; Token OTP, sinh trắc học bằng khuôn mặt.
Bên cạnh đó, các yêu cầu đăng ký tài khoản trên các thiết bị, hệ thống của Agribank bắt buộc phải thực hiện eKYC và xác thực bước 2 – KYC trực tiếp tại quầy để thực hiện các giao dịch có giá trị lớn; trong quá trình eKYC và KYC khách hàng phải cung cấp đầy đủ hồ sơ nhận diện theo quy định của pháp luật; bắt buộc phải đúng user, mật khẩu khi đăng nhập sử dụng các hệ thống của Agribank. Triển khai đăng ký, cập nhật và định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) cho khách hàng tại Agribank Digital.
Ngoài ra, đối với xác thực giao dịch thanh toán thẻ, Agribank thực hiện giải pháp đồng bộ giúp khách hàng chủ động quản trị rủi ro, như: Thiết lập hạn mức giao dịch ngày; thiết lập hạn mức để cho phép/không cho phép thanh toán trực tuyến; triển khai ứng dụng biện pháp 3D Secure nâng cao an toàn bảo mật. Triển khai hệ thống TWFA (Tranzware Fraud Analyzer) để cảnh báo và xử lý cảnh báo các giao dịch có dấu hiệu rủi ro, gian lận hoặc bất thường, như: Thẻ giao dịch nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, thẻ giao dịch tại nhiều địa điểm khác nhau trong cùng khoảng thời gian,… từ đó chủ động ngăn chặn hoặc cảnh báo chủ thẻ để hạn chế rủi ro, tổn thất phát sinh cho cả khách hàng và Agribank.
Ngân hàng SHB cho biết, dữ liệu về sinh trắc học khuôn mặt có độ bảo mật cao, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng. Triển khai quyết định này, ngân hàng SHB cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học từ thẻ căn cước công dân gắn chip của khách hàng có đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư của Bộ Công an.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng thông tin, từ 1/7/2024, khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc hạn mức vượt quá 20 triệu đồng/ngày trên ứng dụng ngân hàng số - PVConnect, sẽ phải xác thực sinh trắc học.
Theo đó, để đăng ký dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân gắn chip và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khách hàng cần sử dụng các thiết bị di động có tính năng NFC (công nghệ giao tiếp trường gần).
Ngoài ra, khi thực hiện giao dịch đầu tiên trên thiết bị mới cài đặt ứng dụng ngân hàng, khách hàng cũng cần thực hiện xác thực bằng sinh trắc học. Trong trường hợp phát sinh nhu cầu giao dịch tài chính có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, hoặc hạn mức vượt quá 20 triệu đồng/ngày nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký dữ liệu sinh trắc học trước thời điểm ngày 1/7, khách hàng vẫn có thể thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch của PVcomBank trên toàn quốc.
Được biết, hiện nay, các ngân hàng cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google