Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chống lừa đảo ngân hàng

Quang Minh
05:59 - 19/06/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tại hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” năm 2024, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ giúp phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả các hành vi lừa đảo…

Ngân hàng tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chống lừa đảo

Tại hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt” năm 2024, các chuyên gia đã có tham luận tập trung vào các nội dung: đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng và giải pháp ngăn ngừa; công nghệ AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến, giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng… 

Các khách mời đã có thảo luận cùng chuyên gia về giải pháp để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an ninh, an toàn, liên tục, giải pháp để nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân, bảo vệ người dùng.

Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch qua ứng dụng ngân hàng điện tử; kêu gọi tham gia đầu tư tài chính…

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, theo đó tất cả các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian khi cung ứng các dịch vụ chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng sẽ được xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 7 văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin quan trọng tại các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Về công nghệ, nếu trước đây theo cách truyền thống là phòng ngự bị động thì bây giờ sang chủ động trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
https://www.agribank.com.vn/vn/ve-agrib...

Theo thông tin từ Hội thảo, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số. Theo đó, tỉ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%). Các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất... 

Đáng chú ý, tỉ lệ các vụ lừa đảo được xác nhận tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 5 điểm phần trăm trong năm 2023, lên mức 54%. 

Triển khai trí tuệ nhân tạo phát hiện gian lận trong ngành ngân hàng

Theo PGS.TS Trần Hùng Sơn đề xuất các ngân hàng và doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học để phát hiện gian lận được xem là một phương pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả. 

Thông qua các thuật toán thông minh, hệ thống AI có thể liên tục phân tích hành vi giao dịch, nhận diện các dấu hiệu bất thường và đưa ra cảnh báo kịp thời cho đơn vị vận hành cũng như khách hàng. 

Bằng cách tự học từ dữ liệu, AI ngày càng trở nên thông minh hơn trong việc phát hiện các hình thức gian lận mới. Một khi các ngân hàng triển khai ứng dụng, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cũng cần chủ động hợp tác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về gian lận, đồng thời thống nhất quy trình xử lý chung. Việc hoàn thiện hệ thống định danh số cũng sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng ngừa gian lận trong thanh toán. 

Đồng thời, các cơ quan quản lý cần chủ động xây dựng hành lang pháp lý để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán số và ngăn ngừa rủi ro gian lận. Cuối cùng, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo mật cho người dùng là việc cần được chú trọng để góp phần ngăn chặn lừa đảo khi mà ứng dụng di động ngày càng trở thành mục tiêu ưa thích của kẻ gian. 

Các ngân hàng chung tay thực hiện phòng chống gian lận công nghệ

Về phía các ngân hàng, đại diện Vietcombank chia sẻ ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp sinh trắc học theo quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch. Việc xác thực sinh trắc học khách hàng vừa đảm bảo tính chính xác, tin cậy của dữ liệu, vừa không gây cản trở cho trải nghiệm giao dịch của người dùng. Cùng với đó, Vietcombank còn tích hợp với hệ thống Bộ Công an để kiểm tra đảm bảo quá trình thu thập dữ liệu sinh trắc học nhanh chóng, thuận tiện. 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chống lừa đảo ngân hàng- Ảnh 1.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, AI được biết đến với tầm quan trọng đặc biệt

Còn về phía Agribank, đơn vị này đã từng bước thận trọng áp dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến trong sản phẩm dịch vụ và chất lượng của mình. Xác định chuyển đổi số song hành với nâng cao tính bảo mật chặt chẽ cho khách hàng, Agribank đã áp dụng công nghệ định danh điện tử eKYC bảo đảm đúng người - đúng tài khoản, hạn chế mức chuyển tiền trực tuyến khi khách hàng chưa hoàn tất xác thực eKYC để giảm thiểu hoạt động giao dịch bất thường. Agribank triển khai giải pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu tích hợp trong thẻ CCCD gắn chip đối với khách hàng. Đồng thời, tiến hành đối chiếu dữ liệu sinh trắc học thu thập được với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an quản lý và rà soát dữ liệu của khách hàng hiện hữu, cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận…

Theo VPBank, Công nghệ AI hiện nay đã phát triển đến mức có thể hỗ trợ và thay thế con người hoàn toàn trong một số nghiệp vụ khi kết hợp với một số công nghệ khác. Theo đó, khách hàng có thể giao dịch trực tiếp trên hệ thống mà không cần sự hỗ trợ của nhân viên. Chi phí vận hành cũng được giảm bớt đáng kể.

Với các hạng mục đầu tư, ngân hàng có thể thiết lập thuật toán phù hợp để trí tuệ nhân tạo đưa ra phán đoán trong nhiều hoàn cảnh. Bằng cách này, các hạng mục này sẽ giảm rủi ro và tiết kiệm chi phí.

Đại diện các đơn vị đối tác ngân hàng, lãnh đạo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, trong thời gian tới Napas sẽ phối hợp với các ngân hàng để làm sao cho các giải pháp thanh toán online không chỉ an toàn mà còn dễ dàng hơn nhờ áp dụng công nghệ mới như công nghệ xác thực sinh trắc học trên điện thoại di động, giúp cho giao dịch mua sắm trên mạng trở nên liền mạch hơn, rõ ràng và an toàn hơn. 

Đại diện Napas cũng cho biết trong thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp với các ngân hàng, các cơ quan thanh toán, đặc biệt là các cổng thanh toán để cung cấp các giải pháp về an toàn bảo mật.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã xác định bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng. 


Bình luận của bạn

Bình luận