Trung Quốc cấm truy cập ChatGPT
Tencent và Alibaba đã được các cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu không cung cấp dịch vụ ChatGPT trực tiếp hoặc gián tiếp cho người dùng thông qua nền tảng của bên thứ ba trên các ứng dụng internet của họ.
Công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ ChatGPT
Theo SCMP, kể từ khi công ty OpenAI ra mắt ChatGPT, hàng chục tài khoản công khai đã xuất hiện trên siêu ứng dụng WeChat của Tencent Holdings, nhúng ChatGPT thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép hai phần mềm giao tiếp với nhau.
Các tài khoản WeChat này đã cho phép người dùng ở Trung Quốc đại lục sử dụng ChatGPT một cách không chính thức.
Tuy nhiên, theo kiểm tra của SCMP, Yibai Technology, ChatGPRobot, Shenlan BL và AI Duihua đã bị vô hiệu hóa từ ngày 22/2.
Theo báo cáo của Nikkei Asia ngày 22/2, Tencent và Ant Group - chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba Group Holding, đã được các cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu không cung cấp dịch vụ ChatGPT trực tiếp hoặc cho bên thứ ba trên các nền tảng internet của họ.
Ngoài cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng thông báo các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) có liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý.
Không tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI của công ty OpenAI (Mỹ).
Trung Quốc từ lâu đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin trực tuyến từ nước ngoài thông qua Great Firewall, hệ thống kiểm duyệt tinh vi và lớn nhất thế giới ngăn chặn Google, Facebook và các trang web lớn khác ở đại lục.
Các hạn chế đã bảo vệ những "gã khổng lồ" internet trong nước khỏi sự cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu, cho phép các công ty công nghệ Trung Quốc phát triển mạnh mẽ tại quê nhà.
Khi ChatGPT đạt được sức hút trên toàn cầu, một số công ty Trung Quốc cho biết họ đang phát triển các đối thủ của riêng mình với chatbot của Mỹ. Baidu, nhà điều hành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất của Trung Quốc, cho biết đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot vào tháng tới trước khi đưa chatbot ra công chúng. Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, chủ sở hữu của Post, cũng cho biết công ty này đang thử nghiệm một Dịch vụ giống ChatGPT.
Theo Reuters, trước đó, ngày 16/2, công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco, Mỹ - "cha đẻ" của ChatGPT, thông báo đang phát triển bản nâng cấp cho công cụ chatbot này, theo đó người dùng có thể tùy chỉnh nội dung của hệ thống.
Trong một bài đăng trên mạng, đại diện công ty khởi nghiệp OpenAI cho biết công ty đang làm việc theo hướng đưa ra những quan điểm đa dạng hơn, khi đó ChatGPT có thể sẽ cung cấp nội dung không phải tất cả mọi người đều đồng tình. Công ty OpenAI cũng khẳng định "sẽ luôn có một số giới hạn đối với hành vi của hệ thống."
ChatGPT là một "chatbot" hoặc "dịch vụ AI đàm thoại" đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trên thế giới sau khi ra mắt tháng 11/2022.
Không giống như các dịch vụ AI dựa trên trò chuyện trước đây, ChatGPT ghi nhận nhu cầu gia tăng bùng nổ trên toàn thế giới bởi tạo cảm giác như đang nói chuyện với một người thực, có kiến thức sâu rộng về nhiều chủ đề khác nhau. Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1 vừa qua.
Các chuyên gia cho biết ChatGPT cho thấy cách AI có thể đạt tới cấp độ con người thông qua tiến bộ công nghệ.
Dịch vụ này cũng đã thúc đẩy những tập đoàn công nghệ thông tin như Microsoft và Google tung ra các dịch vụ AI được thương mại hóa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google