Trong "nắng cháy", châu Âu chuẩn bị cho một mùa đông giá lạnh vì khả năng thiếu khí đốt
Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm kêu gọi các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023. EU đồng thời cảnh báo, nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa đông trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Nắng nóng hoành hành ở châu Âu
Châu Âu đang trải qua mùa hè nắng nóng chưa từng thấy. Thị trấn Coningsby ở Lincolnshire (Anh) đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại, lên tới 40,3 độ C vào ngày 19/7, phá kỷ lục về nền nhiệt cao ở nước này được thiết lập chỉ vài giờ trước đó tại Thủ đô London là 40,2 độ C. Đã có ít nhất 13 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Anh (tính đến ngày 20/7), nơi nhiều người sống mà không có máy điều hòa không khí vì nhiệt độ hiếm khi đạt đến mức 32,2 độ C.
Các cộng đồng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng phải chống chọi với nhiệt độ cao và tình trạng cháy rừng.
Theo chuyên gia Samantha Gross - Giám đốc Sáng kiến An ninh năng lượng và khí hậu của Viện Brookings, nhiệt độ quá cao đồng nghĩa với nhu cầu sản xuất điện tăng, trở thành một vấn đề quan ngại do nhu cầu đặc biệt đối với khí đốt để phát điện ở châu Âu tăng vọt trong mùa hè. Bà Gross cho biết tình trạng nắng nóng chưa từng có đang gây khó khăn cho việc bổ sung cho các kho lưu trữ khí đốt tự nhiên để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Kế hoạch tiết kiệm năng lượng của EU và phản ứng của các quốc gia thành viên
Ngày 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm kêu gọi các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023. EC cũng đồng thời cảnh báo nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa đông tới nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Mặc dù, đề xuất này ưu tiên sự tự nguyện, song không loại trừ khả năng EU sẽ buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện nếu Brussels nhận thấy nguy cơ thiếu khí đốt.
Ngay lập tức, nhiều thành viên trong Khối đã bày tỏ sự không ủng hộ đối với kế hoạch cắt giảm này.
Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba nhấn mạnh, Lisbon "hoàn toàn phản đối" kế hoạch của EU do "đề xuất này không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia". Người đứng đầu Bộ Năng lượng Bồ Đào Nha cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm tiêu thụ khí bắt buộc trong bối cảnh sản lượng thủy điện ở bán đảo Iberia thấp có thể gây ra tình trạng cắt điện.
Trong khi đó, theo Người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp, Chính phủ nước này "về cơ bản không đồng tình với đề xuất của EC trong việc giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên". Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas cho biết, nước này phản đối việc bắt buộc thực hiện kế hoạch trên cũng như không nhất trí với mức giới hạn sử dụng khí đốt mà EU công bố. Ông nêu rõ Hy Lạp đang thực hiện một số biện pháp hạn chế sử dụng khí đốt như yêu cầu công ty cung ứng điện PPC do nhà nước kiểm soát phải tăng gấp đôi sản lượng than non.
Theo Bộ trưởng Skrekas, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Malta và Cyprus cũng phản đối kế hoạch tiết kiệm năng lượng này.
Một số quan chức EU cho biết tại cuộc họp của các nhà ngoại giao thuộc khối này ngày 20/7, có ít nhất 12 trong số 27 quốc gia thành viên đã bày tỏ quan ngại về đề xuất tiết kiệm năng lượng, trong đó có Đan Mạch, Pháp, Ireland, Hà Lan, Ba Lan.
Hungary không chỉ phản đối kế hoạch tiết kiệm năng lượng này mà còn cho rằng, các biện pháp trừng phạt đã không làm suy yếu Nga, thậm chí còn khiến một số chính phủ ở châu Âu sụp đổ, giá năng lượng tăng. Do vậy EU cần một chiến lược mới để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Theo đó, nhiệm vụ của EU không phải là đứng về bên nào, mà là đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Chuẩn bị cho một mùa đông lạnh vì khả năng thiếu khí đốt
Mùa đông đang đến gần và viễn cảnh sẽ bị lạnh khi thiếu khí đốt để sưởi ấm ở châu Âu đang hiện hữu. Để đối phó với tình trạng đó, nhiều quốc gia muốn thực hiện theo cách của riêng mình chứ không chấp nhận tuân thủ một kế hoạch chung cho tất cả, bởi mỗi nước có một hoàn cảnh và điều kiện khác nhau.
Đức công bố gói an ninh năng lượng mới, đặt trọng tâm vào tiết kiệm
Trong gói an ninh năng lượng mới của Đức có các quy định khắt khe hơn đối với việc dự trữ khí và kích hoạt dự trữ than non. Cụ thể, các cơ sở tích trữ khí đốt phải được lấp đầy 75% vào ngày 1/9, tăng lên 85% vào ngày 1/10 và lên 95% vào ngày 1/11. Mức quy định lấp đầy cho tới nay chỉ là 80% tới ngày 1/10 và 90% tới ngày 1/11.
Ngoài nguồn dự trữ than cứng cho các nhà máy điện than đã được kích hoạt, việc dự trữ than non cũng sẽ được kích hoạch trở lại kể từ ngày 1/10 tới. Khí đốt bổ sung sẽ tiếp tục được tích trữ khi nguồn điện được tạo ra từ than non. Việc vận chuyển than và dầu sẽ được ưu tiên trong ngành vận tải đường sắt, và sẽ được quy định cụ thể.
Bộ Kinh tế Đức cũng công bố những sửa đổi có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng tư nhân. Chẳng hạn, hiện nay trong các hợp đồng thuê nhà quy định duy trì nhiệt độ tối thiểu trong các gian phòng.
Điều có nghĩa nếu những người thuê muốn tiết kiệm khí đốt, muốn sưởi ấm ít hơn, thì vô hình trung họ vi phạm hợp đồng cho thuê. Quy định mới sẽ được sửa đổi để người thuê có thể điều chỉnh mức nhiệt nếu họ muốn tiết kiệm năng lượng và giảm độ nóng thiết bị sưởi trong phòng (trong mùa đông). Quy định cũng khuyến nghị không nên bật sưởi các phòng hoặc những không gian không được sử dụng thường xuyên, chẳng hạn như hành lang, các sảnh lớn, tiền sảnh hoặc phòng kỹ thuật - trừ khi có các yêu cầu về an toàn.
Đối với các cơ sở công cộng và nhà cao tầng văn phòng, điều này sẽ được quy định cụ thể. Việc sử dụng văn phòng làm việc tại nhà cũng cần được mở rộng với sự đồng thuận của người sử dụng lao động và người lao động.
Bỉ kéo dài thời gian sử dụng điện hạt nhân
Bỉ dự định từ bỏ điện hạt nhân hoàn toàn vào năm 2025, tuy nhiên giờ đây việc sử dụng điện hạt nhân sẽ kéo dài thêm 10 năm sau khi chính phủ đánh giá lại các kế hoạch dựa nhiều hơn vào khí đốt. Chính phủ nước này muốn kéo dài tuổi thọ của 2 lò phản ứng hạt nhân Doel 4 và Tihange 3. Các lò phản ứng này đã được đưa vào sử dụng năm 1985, đóng góp 35% công suất điện hạt nhân của Bỉ. Việc tái khởi động dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2026.
Hungary đàm phán với Nga để mua thêm khí đốt, bất chấp lệnh cấm vận
Chỉ một ngày sau khi EC trình bày kế hoạch giảm nhu cầu khí đốt của châu Âu xuống 15%, Ngoại trưởng Hungary đã thăm Nga để đàm phán về nguồn cung cấp khí đốt, bất chấp lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Chính phủ Hungary muốn mua gần một tỉ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga. "Trong tình hình quốc tế hiện nay, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là đảm bảo an ninh năng lượng của Hungary", Ngoại trưởng Péter Szijjártó cho biết tại cuộc họp báo ở Thủ đô Matxcova (Nga) hôm 21/7.
"Để đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp năng lượng của Hungary, chính phủ đã quyết định mua 700 triệu m3 khí đốt tự nhiên ngoài số lượng đã được cung cấp trong các hợp đồng dài hạn", Fidesz viết trong một bài đăng trên Facebook.
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov cho biết yêu cầu bổ sung khí đốt của Budapest sẽ được "chuyển tiếp và nghiên cứu ngay lập tức".
Xa hơn nữa, điều mà nhiều chính phủ châu Âu không khỏi lo ngại là người dân sẽ phản ứng như thế nào khi phải chịu lạnh trong mùa đông này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google