EU nỗ lực thay thế nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga

Trúc Phong
23:48 - 05/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liên minh châu Âu (EU) đang có nhiều động thái để vượt qua giai đoạn khó khăn về thiếu hụt năng lượng, từ việc tìm nguồn cung mới đến quay trở lại sử dụng các nguồn năng lượng từng bị dừng, sắp bị dừng hoặc hạn chế sử dụng.

EU trong nỗ lực thay thế nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga - Ảnh 1.

Một nhà máy nhiệt điện ở Garzweiler, Đức. Ảnh: AFP/VnExpress

Đa dạng hóa nguồn cung

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang trong giai đoạn khó khăn về năng lượng: Nguồn nhập khẩu dầu từ Nga giảm mạnh do EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này, trong khi đó năng lượng xanh còn rất thiếu, chưa thể bù đắp đủ cho nguồn nhập từ Nga trong trước mắt. Tốc độ lạm phát của EU tăng cao, đạt mức kỷ lục: 8,6% trong tháng 6 (tăng so với mức 8,1% so với tháng 5), chi phí sinh hoạt đắt đỏ, có một phần nguyên nhân từ giá năng lượng cao.  

Trong bối cảnh đó, EU đã có nhiều động thái để vượt qua giai đoạn khó khăn, từ việc tìm nguồn cung mới đến quay trở lại sử dụng các nguồn năng lượng từng bị dừng, sắp bị dừng hoặc đã hạn chế sử dụng.

Liên minh này đang tiến hành đàm phán với các quốc gia, như Algeria, Azerbaijan, Ai Cập, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Na Uy, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ để nhập khẩu khí đốt thông qua ống dẫn hoặc dưới dạng khí hóa lỏng.

Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, cho biết RePowerEU sẽ cần ít nhất 5 năm, tức tới năm 2027 mới có thể đưa EU độc lập khỏi nguồn năng lượng Nga.

Giữa tháng 6 vừa qua, EU, Israel và Ai Cập đã ký thỏa thuận ba bên về cung cấp khí đốt tự nhiên. Theo đó, các bên sẽ cùng nhau hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho việc cung cấp thường xuyên khí đốt từ Israel, Ai Cập và các nguồn khác tới EU, thông qua các đường ống dẫn khí hiện có tại Israel và các cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện có ở Ai Cập.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 7, sau đàm phán, EU dự định sẽ ký một thỏa thuận với Namibia nhằm hỗ trợ lĩnh vực sản xuất hydro xanh mới hình thành của nước này và tăng cường nhập khẩu nhiên liệu.

Sử dụng lại than đá: "Đau" nhưng buộc phải dùng

Điều đáng quan ngại là, chính phủ một số nước EU cũng đang cân nhắc sử dụng các nhà máy nhiệt điện than để có thể đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông tới. 

Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten thông báo, nước này đang dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước mùa đông.

Tại Áo, Chính phủ đã thỏa thuận với Công ty năng lượng Verbund để lên kế hoạch mở lại nhà máy sản xuất điện bằng than nếu tình trạng khẩn cấp về năng lượng ngày càng nghiêm trọng. Công ty chuyên về ngành dầu khí và hóa chất OMV vào ngày 20/6 cho biết, nước Áo ước tính chỉ nhận được một nửa lượng khí đốt thông thường.

Các nhà máy nhiệt điện than của Italy cũng tích cực dự trữ than trong vài tháng nay.

Theo tin trên Euronews, người dân Ba Lan được khuyên có thể vào rừng lấy củi để sưởi ấm trong mùa đông tới. Tuy nhiên, trước khi lấy củi trong rừng, người dân cần báo và xin phép đơn vị kiểm lâm địa phương và chỉ được phép nhặt cành cây đã gãy rơi xuống đất chứ không được chặt cây.  

Đức - nền kinh tế số 1 của EU cũng đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng gay gắt. Cơ quan quản lý mạng lưới liên bang Đức (BNetzA) cảnh báo vấn đề cung cấp khí đốt đang rất căng thẳng và không loại trừ tình hình xấu thêm. Chính phủ liên bang Đức gần đây đã cấp 15 tỉ euro để Công ty kinh doanh khí đốt Trading Hub Europe mua khí đốt. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Berlin có thể sẽ phải đẩy mạnh việc sử dụng than để sản xuất điện. Là một thành viên của Đảng Xanh và là người đã thúc đẩy việc ngưng sử dụng than đá, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận đây là "quyết định rất đau lòng" nhưng là điều vô cùng cần thiết trong tình hình hiện thời. Ông nhấn mạnh, nước Đức cần giảm tiêu thụ khí đốt để tránh nguy cơ các cơ sở lưu trữ sẽ không được lấp đầy vào mùa đông cuối năm. Nếu điều đó xảy ra, Chính phủ sẽ không còn khả năng chính trị để hành động.  

Neil Makaroff, thuộc Mạng lưới Hành động khí hậu, cho rằng việc quay lại sử dụng than là "lựa chọn tồi" với những hậu quả mang tính cấu trúc. "Các quốc gia đang tiếp tục ủng hộ năng lượng hóa thạch thay vì đầu tư đủ vào năng lượng tái tạo", ông nói. "Rủi ro là thay thế sự phụ thuộc này bằng sự phụ thuộc khác: nhập khẩu than của Colombia hoặc Australia, khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ hoặc Qatar, để thay thế hydrocarbon của Nga".

Một nhóm hành động môi trường khác là Carbon Market Watch đồng tình rằng, chuyển sang sử dụng than là "đáng lo ngại" và bày tỏ hy vọng biện pháp này được áp dụng trong quãng thời gian ngắn nhất có thể.

Trong một áp lực khác, ông Thierry Breton, Ủy viên Thị trường nội khối EU kêu gọi Đức duy trì vận hành các nhà máy điện hạt nhân của nước này thêm một thời gian nữa. Theo kế hoạch, Đức dự kiến đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay. Ông Breton nêu rõ: "Điều tối quan trọng là để 3 nhà máy điện hạt nhân vẫn đang hoạt động của Đức tiếp tục vận hành, ít nhất là trong vài tháng nữa, tất nhiên là theo một cách an toàn". Theo ông, việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân tại Đức là vì lợi ích của cả châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Kinh tế liên bang Đức Beate Baron ngày 4/7 cho biết, bộ này đang đàm phán với EU và Canada để đưa trở lại tuabin khí của hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) đang bị mắc kẹt ở Canada sau thời gian bảo trì.

Những kế hoạch "khẩn cấp" để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng được dự báo sẽ xảy ra khi mùa đông tới, khiến EU vừa phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất năng lượng xanh, lại vừa buộc phải mở rộng sử dụng "năng lượng bẩn". Từ góc độ đó, có thể thấy các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến xung đột Ukraine mà EU thực hiện đang khiến cho Liên minh này bị giảm tốc trên "đường đua xanh", trong trước mắt. Quả thật, EU đang phải xử lý bài toán rất khó: Ý chí chính trị và lợi ích kinh tế trong giải quyết nguồn năng lượng.

Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra kế hoạch trị giá 210 tỉ euro (khoảng 221 tỉ USD) để chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027 và tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Theo kế hoạch cắt giảm năng lượng nhập khẩu "REPowerEU", EC đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt của Nga trên toàn khối xuống 66% vào cuối năm nay, đồng thời kết thúc hoàn toàn sự phụ thuộc trước năm 2027 bằng cách tiết kiệm năng lượng, tìm các nguồn thay thế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. "Chúng tôi đang đưa tham vọng của mình lên một cấp độ khác để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ độc lập với nhiên liệu hóa thạch của Nga càng sớm càng tốt," Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố.