Nắng nóng cực đoan càn quét nhiều khu vực châu Âu
Một đợt nắng nóng cực đoan và bất thường đang xảy ra tại nhiều quốc gia châu Âu, với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Nhiệt độ cao không chỉ làm tổn hại cho sức khỏe mà còn làm tăng nhiều mối lo ngại khác, như ô nhiễm không khí, nguy cơ cháy rừng.
Nắng nóng xô đổ nhiều kỷ lục nhiệt độ trong hàng chục năm qua
Những ngày qua, Pháp, Tây Ban Nha và một số nước Tây Âu đang hứng chịu mức nhiệt cao nhất trong đợt nắng nóng của tháng 6. Đợt nắng nóng đầu tiên này đã đẩy nền nhiệt năm nay lên rất cao tại nhiều khu vực. Cụ thể, tại Pháp, Cơ quan Thời tiết Météo France thông báo đây là đợt nắng nóng đến sớm nhất kể từ năm 1947. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở thị trấn Tây Nam Biarritz, ở mức 42,9 độ C.
Bộ Y tế Pháp đã phải kích hoạt đường dây nóng và đưa ra cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng gay gắt. Gần 3/4 dân số Pháp, tương đương khoảng 45 triệu người dân Pháp đã được cảnh báo ở mức màu đỏ hoặc màu cam. Đối với rất nhiều người dân tại Paris, đặc biệt là những người đang sinh sống trong những căn hộ cũ, mức nhiệt cao thực sự đã vượt quá ngưỡng chịu đựng.
Trong khi đó, người dân Tây Ban Nha cũng đang phải trải qua đợt nắng nóng sớm nhất trong suốt hơn 40 năm qua, với mức nhiệt lên tới 40 độ C. Cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha AEMET cảnh báo, đợt nắng nóng này có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn do cát và bụi trong không khí từ khu vực Sahara thổi về.
Nắng nóng cũng gây ra cháy rừng nghiêm trọng, thiêu trụi tới gần 9.000 ha đất ở khu vực Tây Bắc Tây Ban Nha, khiến khoảng 200 người phải sơ tán.
Tại Italy, một số thị trấn ở miền Bắc, như vùng Lombardy và Piedmont cũng có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán kỷ lục. Tại Turin, nguồn cung điện cũng bị gián đoạn. Mực nước tại sông Po hiện đang ở mức thấp nhất trong 70 năm qua, thấp khoảng 3,70m so với mức trung bình. Nước tưới cho các cánh đồng dần cạn kiệt do khô hạn, dẫn đến nguy cơ gần như mất mùa hoàn toàn tại quốc gia này.
Biến đổi khí hậu - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nắng nóng cực đoan
Các chuyên gia khí tượng nhận định, thời tiết nắng nóng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, làn sóng nhiệt cao cũng ngày càng đến sớm hơn do tình trạng biến đổi khí hậu. Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người đang làm gia tăng mức độ, cường độ và kéo dài thời gian của mỗi đợt nóng cũng như tần suất lặp lại của những đợt nóng này.
Ô nhiễm không khí có thể xảy ra khi ánh nắng gay gắt biến khí thải carbon thành khói bụi. Rất nhiều nước tại châu Âu, trong đó có Pháp, đang phải ứng phó với tình trạng nồng độ ozone độc hại tăng quá cao do đợt nắng nóng tuần qua. Ozone là một loại chất ô nhiễm thứ cấp, được tạo ra khi các chất ô nhiễm từ phương tiện giao thông và các khu công nghiệp thải ra phản ứng với ánh sáng mặt trời. Người hít phải quá nhiều khí này thường bị thở khò khè, ho và tức ngực. Đặc biệt, trẻ em chơi ngoài trời cũng rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, việc con người tiếp xúc với ánh nắng gay gắt và nhiệt độ cao quá lâu sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, khiến cho cơ thể mệt mỏi tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp và tim mạch.
Thêm vào đó, nắng nóng cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature cho biết, khí hậu trái đất nóng lên có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm hàng nghìn loại virus mới cho con người, đồng thời cảnh báo, sẽ có ít nhất 15.000 đợt lây truyền virus mới giữa các loài vào năm 2070 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C.
Mới chỉ là "khúc dạo đầu"
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo rằng, những gì đang diễn ra tại châu Âu mới chỉ là khúc dạo đầu cho tương lai, nếu thế giới không quyết liệt triển khai những biện pháp cụ thể để hạn chế nhiệt độ toàn cầu đang nóng lên. Sẽ xảy ra những thảm họa còn tồi tệ hơn nữa nếu các nước thất bại trong mục tiêu kiềm chế biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Phát thải khí nhà kính từ hoạt động của con người đang làm tăng cường độ, thời gian và tốc độ lặp lại của các đợt nắng nóng trên toàn thế giới. Hơn nữa, nắng nóng sớm trong mùa hè này cũng là do hiện tượng nóng lên toàn cầu, khiến các mức nhiệt độ vốn chỉ có vào tháng 7, tháng 8 lại đã xảy ra ngay tháng 6 tại Tây Âu. Đây cũng không phải là vấn đề mà chỉ riêng Lục địa già đang đối mặt.
Trước đó, tại những khu vực như Nam Á, các nước Ấn Độ, Pakistan,.. cũng đã phải trải qua đợt nắng nóng chưa từng thấy. Nhiều người dân Pakistan còn cho rằng, năm nay thời tiết đã chuyển thẳng từ đông sang hè mà không hề có mùa xuân.
Hiện về lâu dài, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về một gói biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, như cấm bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, với hy vọng giảm 55% lượng khí thải nhà kính của EU vào năm 2030 so với năm 1990.
Ngoài ra, một số biện pháp trước mắt cũng được áp dụng để ứng phó, như sơn mái nhà màu trắng để phản chiếu ánh nắng, trồng nhiều cây lấy bóng mát hay xây đài phun nước trong thành phố.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google