Lo thiếu năng lượng, nhiều nước châu Âu dự tính quay lại dùng than

Li Lê
01:31 - 24/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đức, Ý, Áo và Hà Lan đều cho biết các nhà máy nhiệt điện than có thể được cân nhắc sử dụng để bù đắp cho nguồn cung khí đốt bị cắt giảm của Nga.

Chi tiêu cho năng lượng sạch tăng nhưng... không đều 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng toàn cầu sẽ tăng hơn 8% vào năm 2022 và đạt 2,4 nghìn tỉ USD. Đặc biệt, trong đó có đóng góp không nhỏ của sự gia tăng chuỗi cung ứng than. 

Theo báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới mới nhất của IEA, được công bố vào ngày 22/6, đầu tư vào năng lượng sạch sẽ vượt 1,4 nghìn tỉ USD trong năm nay và chiếm "gần 3/4 mức tăng trưởng trong đầu tư năng lượng tổng thể".

Lo thiếu năng lượng, nhiều nước châu Âu dự tính quay lại dùng than - Ảnh 1.

Một số nền kinh tế lớn đã xây dựng kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Trong ảnh là than và một turbine gió ở Hohenhameln, Đức, vào ngày 11/4/2022. Ảnh: Mia Bucher/Getty Images

Đây là khoản đầu tư rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, một tuyên bố kèm theo báo cáo của IEA lại lưu ý rằng sự gia tăng chi tiêu năng lượng sạch phân bổ không đồng đều, trong đó, các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn.

Nguyên nhân được cho là do tại một số thị trường, giá thành năng lượng sạch đang ở mức cao. IEA cho biết: "Gần một nửa trong số 200 tỉ USD vốn đầu tư bổ sung vào chi tiêu năng lượng năm 2022 có thể là do chi phí cao hơn, thay vì cải thiện khả năng cung cấp thêm, hay tiết kiệm năng lượng".

Cũng theo IEA, sau một thời gian giảm, chi phí của các tấm pin mặt trời và turbine gió hiện đã "tăng từ 10 - 20% kể từ năm 2020.

Người dân trên khắp thế giới cũng đang cảm thấy khó khăn khi tổng hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng vào năm 2022 có vẻ như lần đầu tiên vượt quá 10 nghìn tỉ USD, theo báo cáo của IEA.

Châu Âu cũng tính tăng dùng than 
Giá cao đang khuyến khích một số quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, khi họ phải tìm cách đảm bảo và đa dạng hóa các nguồn cung cấp của mình.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)

Bên cạnh đó, những lo ngại liên quan đến an ninh năng lượng đang thúc đẩy các quốc ga "đầu tư nhiều hơn vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá".

Theo báo cáo của IEA, năm 2021, khoảng 105 tỉ đô la được đầu tư vào cái mà tổ chức này gọi là "chuỗi cung ứng than". Con số này tăng 10% so với năm 2020 và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay.

"Đầu tư vào nguồn cung than toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 10% vào năm 2022. Với hơn 80 tỉ USD, Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ chiếm phần lớn trong khoản đầu tư vào than toàn cầu năm 2022", IEA dự báo.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)
Đầu tư vào nguồn cung than toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 10% vào năm 2022.

Báo cáo của IEA được đưa ra vào thời điểm lạm phát gia tăng, giá dầu và khí đốt liên tục tăng và căng thẳng địa chính trị liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine. Đây là những yếu tố đã tạo ra một môi trường vô cùng thách thức cho các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng. Lĩnh vực năng lượng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Một số nền kinh tế lớn đã xây dựng kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga trong những tháng gần đây. Điều này đã dẫn đến một số tình huống thách thức.

Ví dụ, ở châu Âu, dòng khí đốt của Nga giảm và "bóng ma" về sự gián đoạn nguồn cung hoàn toàn đã khiến một số chính phủ xem xét quay trở lại sử dụng than. Cụ thể, Đức, Ý, Áo và Hà Lan đều cho biết các nhà máy nhiệt điện than có thể được sử dụng để bù đắp cho nguồn cung khí đốt bị cắt giảm của Nga.

Nguồn: CNBC