Trao đổi về sử dụng phương pháp điền dã trong giảng dạy lịch sử địa phương ở bậc phổ thông

Trần Trung Hiếu - Trường PTTH Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
06:02 - 02/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nghiên cứu điền dã hay còn gọi là thực địa (field research) là loại hình nghiên cứu khác so với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu sách vở.

Nghiên cứu điền dã và sự cần thiết sử dụng phương pháp điền dã đối với giáo viên giảng dạy lịch sử 

Phương pháp này được nhiều ngành khoa học sử dụng với ý nghĩa là một hình thức tham khảo chung để thu thập hoặc lấy những thông tin mới bên ngoài sách vở, phòng thí nghiệm… Trong quá trình điền dã, người nghiên cứu sử dụng tích hợp các phương pháp quan sát tham dự (participant research), thu thập dữ liệu (data collection) và nghiên cứu khảo sát (survey research).

Phương pháp điền dã được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu khoa học xã hội, một số ngành như dân tộc học, nhân chủng học, xã hội học,… còn được coi là phương pháp bắt buộc. Trong khoa học lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương việc sử dụng phương pháp này trong nghiên cứu, giảng dạy còn là vấn đề mới mẻ. Thiết nghĩ, trong bối cảnh, việc dạy và học lịch sử cần được bàn bạc thấu đáo ở tất cả các cấp học thì việc trao đổi, làm rõ để sử dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy hướng đến đổi mới giáo dục toàn diện là cần thiết.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 [1] bắt đầu thực hiện từ năm học 2022-2023 ở lớp 10 bậc Trung học phổ thông, Lịch sử là môn học thuộc nhóm Khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông. 

Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể. Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, củng cố các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái; góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại. 

Chương trình môn Lịch sử coi trọng nội dung thực hành lịch sử, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể là Chương trình tăng cường thời lượng thực hành; đa dạng hoá các loại hình thực hành thông qua các hình thức tổ chức giáo dục; Phần Giáo dục địa phương bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương.

Trên thực tế, việc tổ chức các hình thức dạy học lịch sử, lịch sử địa phương chưa phong phú. Nếu có thì các tiết dạy chủ yếu được tổ chức trên lớp, việc dạy học tại di tích lịch sử, bảo tàng hoặc tổ chức ngoại khóa lịch sử địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin ít được quan tâm. Hình thức tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở các di tích lịch sử chỉ diễn ra đối với các trường nằm ở trung tâm hoặc là gần các di tích, còn những trường ở xa, vùng khó khăn hầu như không được tiến hành... Trong giờ học lịch sử địa phương, giáo viên chủ yếu sử dụng tài liệu thành văn, các loại tài liệu khác như tài liệu đồ dùng trực quan, tài liệu truyền miệng dân gian, tài liệu điền dã ít được khai thác, sử dụng, nên bài học thường khô khan, nhàm chán. Thực trạng học sinh không ham thích học lịch sử địa phương đang còn diễn ra ở một số trường học, dẫn đến tình trạng một số tiết học chưa đảm bảo được nội dung và yêu cầu của chương trình.

Trong bối cảnh đó, để đổi mới việc giảng dạy lịch sử địa phương từ khâu nhận thức, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá cần phải bàn đến phương pháp điền dã. Trong điều kiện chưa thể áp dụng đối với học sinh (do phân bố chương trình, do điều kiện cơ sở vật chất, do yêu cầu an toàn cho trẻ khi đến trường…) mà việc điền dã cho tất cả học sinh có thể cần được nghiên cứu một cách thấu đáo. Ở đây, tác giả tập trung bàn đến việc thực hiện phương pháp nghiên cứu này đối với giáo viên.

Giáo viên là người trực tiếp quyết định đến chất lượng dạy học lịch sử nói chung, dạy học lịch sử địa phương nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của việc giảng dạy lịch sử, lịch sử địa phương, giáo viên mới chủ động nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp nâng cao chất lượng dạy học lịch sử địa phương. Bên cạnh đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá, giáo viên có thể xây dựng thành các chủ đề lớn và tùy theo điều kiện, thực tiễn ở địa phương, giáo viên có thể lựa chọn một số chủ đề để dạy học, còn các chủ đề khác sẽ hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu. Để có những chủ đề thực sự thu hút, tâm huyết, giáo viên cần được trải nghiệm, trực tiếp điền dã. Hàng năm, nhà trường có thể tạo điều kiện hoặc chính tổ bộ môn chủ động thiết kế chương trình nghiên cứu điền dã cho giáo viên.

Bản thân người viết, là một giáo viên sử tôi thường tranh thủ những ngày cuối tuần điền dã tại các địa phương hoặc khi có dịp đi công tác, đi hội thảo thì luôn dành thời gian để trực tiếp đến các Khu lưu niệm, Khu di tích lịch sử tiêu biểu của các địa phương.

Một số bước cần thực hiện để sử dụng phương pháp điền dã hiệu quả

Chuẩn bị trước khi điền dã

Thứ nhất, để hiểu được, để trải nghiệm được giáo viên cần phải có tâm thế. Tâm thế đầu tiên là giáo viên phải luôn có một tư duy tò mò, thắc mắc muốn biết, muốn hiểu. Bản thân giáo viên lịch sử đã được học kiến thức, hiểu biết nhiều, và vì thế, khi đi thực tế giáo viên có cơ hội cảm nhận thực tế, so sánh với những kiến thức đã học, đưa ra những phán đoán giá trị đúng sai, tốt xấu, văn minh, lạc hậu. Do đó, theo tôi, xác định tâm lý đi điền dã thực tế địa phương là để thu thâp kiến thức thực tế, từ di tích, từ người dân, từ các nhân chứng lịch sử… Việc muốn nghiên cứu, biết tò mò kinh ngạc, ham học hỏi, sẽ rất khác tâm lý đi chơi, đi dã ngoại, đi chụp hình.

Thứ hai, là giáo viên khi đi điền dã cần có tâm thế chuẩn bị trước một số nội dung cơ bản như:

- Tìm hiểu trước về địa phương mình sẽ điền dã, có những di tích nào, bản thân sẽ đi trong khoảng thời gian nào và dự kiến thu hoạch những gì. Chẳng hạn, khi nghiên cứu Đài tượng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma ở Cam Ranh( Khánh Hòa) tôi đã xác định sẽ nghiên cứu về thảm sát Gạc Ma phục vụ cho bài giảng về Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989. Và kết quả tôi đã có bài "Thảm sát ở Gạc Ma 1988: Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc"[2] đồng thời chuyến đi cũng tạo cảm hứng và lòng quyết tâm để bản thân lên tiếng về việc cần đưa kiến thức này vào chuơng trình giáo khoa chính thức [3].

- Liên hệ người địa phương (đồng nghiệp) để được hướng dẫn và thuận lợi cho việc lên kế hoạch điền dã. Trên thức tế, các đồng nghiệp luôn sẵn lòng hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành trong quá trình thức hiện điền dã.

- Cần lên kế hoạch cụ thể, chi tiết (thời gian, phương tiện, kinh phí…) và thực hiện theo để đạt hiệu quả nhất. Chẳng hạn, tôi đã lên kế hoạch chi tiết và đã thực hiện được trong 2 ngày đến Huế thăm thăm Đại nội và Văn Thánh Huế (còn gọi là Văn miếu Huế, Thánh miếu) ở địa chỉ ở đường Văn Thánh, Hương Hồ, Hương Trà - cách chùa Thiên Mụ khoảng 1km; thăm Bảo hàng gốm cổ sông Hương, ở địa chỉ số 120 Nguyễn Phúc Nguyên. Đây là bảo tàng tư nhân thứ 3 của tỉnh Thừa Thiên Huế mà chủ nhân của bảo tàng này là Giáo sư Thái Kim Lan, bắt đầu chính thức khai trương và đón khách tham quan từ tháng 4/2022; thăm Nhà lưu niệm và lăng mộ cụ Phan Bội Châu ở địa chỉ số 119 trên con đường cùng tên Phan Bội Châu - nơi nhà yêu nước Phan Bội Châu sống những năm tháng cuối đời trong sự giam lỏng của thực dân Pháp từ năm 1925 - 1940. Ông được người dân Huế gọi bằng một cái tên thân thương là "Ông già bến Ngự"; Thăm các di tích về gia đình Bác Hồ ở địa chỉ 112 - Mai Thúc Loan - nơi mà Bác Hồ đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ năm 1895 -1901, Nhà lưu niệm thời niên thiếu cùa Bác Hồ làng Dương Nỗ và Đình làng Dương Nỗ - Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt; thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở địa chỉ 144 - đường Đặng Thái Thân. Những kiến thức này sẽ được bổ sung cho bài giảng phần cận đại đến 1945.

- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ: máy chụp hình, điện thoại (3G, 4G), ghi âm, bút, sổ nhật ký… và luôn bảo đảm giữ gìn sức khỏe để điền dã đạt được kết quả tốt nhất.

Trong quá trình thực hiện điền dã địa phương

Điền dã để tìm hiểu lịch sử địa phương khác với các môn khoa học khác (dân tộc học, nhân học,…) ở chỗ các di tích đã có sẵn, thời gian thực hiện có thể chủ động được và hai ngày cuối tuần là có thể đạt mục địch trong việc thu thập kiến thức cần thiết cho phần sử địa phương. Việc đầu tiên là đến những di tích lịch sử tiêu biểu của địa phương.

Chẳng hạn, khi nghiên cứu tại miền Tây trong thời gian 3 ngày, người viết đã tìm hiểu Khu lưu niệm, Nhà thờ và phần mộ của cố Giáo sư sử học Trần Văn Giàu ở Châu Thành - Long An; Khu di tích quốc gia Nhà lưu niệm, Đền thờ và phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - Thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Lãnh - Đồng Tháp; Bến phà sông Tiền, nơi diễn ra cuộc chia tay cán bộ ra miền Bắc tập kết 1954 ở Cao Lãnh; Khu di tích lịch sử văn hóa Xẻo Quýt ở Cao Lãnh - Đồng Tháp; Nhà cổ ở Sa Đéc - Đồng Tháp; Nhà cổ ở Bình Thủy, thành phố Cần Thơ; Di tích Lịch sử Quốc gia Thánh Văn Miếu ở thành phố Vĩnh Long.

Ngoài ra, cần thị sát cộng đồng, văn hóa… để đưa vào bài giảng lịch sử địa phương thêm phong phú, cuốn hút học sinh. Ví dụ, khi về miền Tây, người viết thị sát những dòng sông, cây cầu, bến phà của miền Tây, ngắm cảnh sinh hoạt và mưu sinh của người dân đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi, thưởng thức những món ẩm thực đặc sản từ sông Tiền, sông Hậu như cá linh kèm bông điên điển và canh chua cá lóc [4]… tìm hiểu thêm các bộ phim, thấu cảm những ca khúc viết về miền Tây… Đồng thời, kết nối với các đồng nghiệp cùng chuyên môn để học hỏi lẫn nhau.[5]

Người viết cho rằng, mọi chi tiết mà giáo viên khi thực hiện điền dã nhìn thấy đều là một mắt xích, là đầu mối của những câu chuyện dài. Nếu như chúng ta cảm thấy đó là một câu chuyện bình thường thì không bao giờ chúng ta khám phá ra thế giới hiện tượng. Vậy cần đặt vấn đề, cần thắc mắc về mọi thứ, và xác định không phải mọi thứ đều là mặc nhiên như những gì mình nhìn thấy, nghe thấy. Học hỏi, chú tâm tìm hiểu thì điền dã sẽ mang lại cho giáo viên những kiến thức, sự hiểu biết và đặc biệt là cảm xúc chân thật, niềm vui, niềm thích thú khi giảng dạy phần lịch sử địa phương vốn tương đối khô khan, khó truyền đạt. Một khi giáo viên có lửa, có đam mê và mong muốn chia sẻ thì các tiết học lịch sử địa phương chắc chắn sẽ có những điều thú vị lôi cuốn học sinh.

Để nghiên cứu được hiệu quả, thì mọi hoạt động nêu trên cần được giáo viên thực hiện nhật ký điền dã trong thời gian sớm nhất.

Thoạt nhìn, có vẻ như viết nhật ký điền dã khá đơn giản: đến địa điểm nghiên cứu, xem xét những gì xảy ra, rồi sau đó ngồi viết chúng viết xuống, thế là xong. Nhưng mô tả đơn giản này đặt ra một câu hỏi cơ bản: khi viết người nghiên cứu chọn những gì để viết và nên viết như thế nào? Đây không phải là công việc lúc nào cũng tạo hào hứng khi mà đôi chân chúng ta không nguwdng muốn khám phá, việc tĩnh lặng ghi chép sau một ngày mệt mỏi không phải là điều dễ dàng. Giáo viên mà coi nhẹ việc này thì nhiều khi sau khi điền dã về sẽ không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm thế nào để vận dụng vào bài học. Do đó, gần như đây là thao tác bắt buộc. Trí nhớ con người không phải là công cụ lưu trữ hoàn hảo, đặc biệt là những chi tiết - điều này sẽ giúp phân biệt được đâu là một nghiên cứu tốt và bình thường. Thời đại công nghệ, giáo viên có thể đơn giản hóa bằng các ghi chú (note) cho các bức hình, ghi ngắn những dòng cảm xúc và những ấn tượng đặc biệt (cá nhân tôi cho rằng nên lưu nhanh bằng các album trên Zalo/facebook/driver). Đồng thời, giáo viên nên mang sổ tay bên mình và không cần phải ghi chép toàn bộ. Chỉ cần vài chữ để giúp giáo viên nhớ lại sự việc khi không có thời gian ghi chép trong khi đang quan sát sự kiện hoặc lắng nghe người cung cấp thông tin. Ngoài ghi nhanh, giáo viên khi điền dã nên ghi nhật ký điền dã theo trình tự thời gian. Tổng kết một ngày hay một đợt thì ghi lại và nhất định dành thời gian tập trung để rút hết tâm hồn vào nhật ký. Sau này, khi phân tích dữ liệu, nhật ký sẽ trở thành tài liệu quan trọng, nó sẽ cung cấp thông tin cần cho bạn diễn giải và đưa ra ý kiến cá nhân của mình.

Sau khi điền dã, áp dụng vào bài giảng lịch sử địa phương

Sau khi điền dã, giáo viên cần chuyển các ghi chú (note) nhanh và nhật ký điền dã chắt lọc thành các chuyên đề điền dã để từng bước sử dụng cho bài giảng lịch sử địa phương. Người viết sau khi nghiên cứu điền dã, thường khái quát ở nhiều cấp độ, từ những nhận định ngắn gọn đến các đoạn cảm xúc, những bài viết ngắn và cao hơn là một bài báo khoa học. Chẳng hạn, người viết đã có bài "Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại" [6] sau khi nghiên cứu thực tế tại Khu di tích này, bài viết "Tìm đường cứu nước: Hành trình vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc" [7] sau khi thăm quan Bảo tàng Hồ chí Minh, hay bài viết "Bài ca không quên" và không thể nào quên" [8] sau khi trực tiếp gặp gỡ nhân chứng lịch sử - Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn…

Để phần giảng dạy lịch sử địa phương hiệu quả, sau khi có kiến thức điền dã, theo tôi giáo viên có thể thiết kế nội dung giảng dạy như sau:

Một là, giới thiệu khái quát, ngắn gọn vài nét về địa lý như vị trí địa lý, dân số, dân tộc, các đơn vị hành chính của tỉnh nhà.

Hai là, đặt lịch sử địa phương trong tiến trình lịch sử dân tộc để thấy đóng góp nổi bật của địa phương đó bằng:

- Các địa danh lịch sử gắn liền với công cuộc dựng nước và dựng nước.

- Các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng từ di sản văn hóa thế giới đến di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh: đình, đền, chùa, đài tưởng niệm... gắn liền với các lễ kỷ niệm, tưởng nhớ, tưởng niệm của quê hương và đất nước.

- Các danh nhân lịch sử của địa phương đã có đóng như thế nào với lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc.

Ba là, từ những kiến thức lịch sử cơ bản, nổi bật đó để giáo dục cho học sinh luôn có ý thức lan tỏa những giá trị và biết bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hóa, tôn kính các bậc tiền nhân đã làm nên lịch sử.

Có thể khẳng định, Lịch sử đất và người của quê hương, địa phương, vùng miền là nhân tố quan trọng sẽ góp phần cấu thành nên lịch sử quốc gia, dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Trước khi giáo dục cho học trò tình yêu Tổ quốc, các giáo viên sử phải khắc sâu cho học trò tình yêu gia đình, dòng họ, quê hương bằng những kiến thức lịch sử.

Kết luận

Lịch sử là môn học mang tính nhân văn và phát triển con người. Nó không chỉ hướng con người biết về những mối quan hệ hiện tại, kết nối hiện tại với quá khứ, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 [9] đã và đang triển khai ở bậc Trung học phổ thông, thiết nghĩ, khi nhiều trường Trung học phổ thông đang chờ hướng dẫn nội dung cụ thể từ Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô nên chủ động vận dụng và triển khai phương pháp dạy học trong những tiết dạy lịch sử địa phương trong đó chú ý thực hiện phương pháp điền dã hướng đến những tiết lịch sử địa phương mới mẻ, sáng tạo, chân thực và thú vị.

Dạy và học lịch sử bằng phương pháp điền dã. Cảm nhận lịch sử từ thực tế địa phương, lắng nghe câu chuyện lịch sử từ những "nhân chứng sống"… đó là một phương pháp cần được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và thậm chí cần được xem như một yêu cầu để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy lịch sử ở bậc phổ thông hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] [9] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Lịch sử.

[2] Trần Trung Hiếu, "Thảm sát ở Gạc Ma 1988: Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc", https://vtc.vn/tham-sat-o-gac-ma-1988-ca-the-gioi-can-biet-day-du-chinh-xac-hanh-dong-xam-luoc-tan-bao-cua-trung-quoc-ar386267.html

[3] Trần Trung Hiếu, Dự kiến lần đầu đưa Gạc Ma vào sách giáo khoa Lịch sử sau 30 năm, https://vtc.vn/du-kien-lan-dau-dua-gac-ma-vao-sach-giao-khoa

[4] Trần Trung Hiếu (2022), Về miền Tây mùa nước nổi, https://nhandan.vn/ve-mien-tay-mua-nuoc-noi

[5] Khi đến các tỉnh miền Tây tác giả đã thăm trường THPH: Chuyên Bến Tre, Chuyên Long An, Chuyên Nguyễn Đình Chiểu (Đồng Tháp), Chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp), Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long).

[6] Trần Trung Hiếu (2022), Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại,

https://nhandan.vn/truong-bon-ban-hung-ca-huyen-thoai

[7] Trần Trung Hiếu (2021), Tìm đường cứu nước: Hành trình vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, https://vietnamnet.vn/tim-duong-cuu-nuoc-hanh-trinh-vi-dai-cua-lanh-tu-nguyen-ai-quoc

[8] Trần Trung Hiếu (2020), "Bài ca không quên" và không thể nào quên, https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bai-ca-khong-quen-va-khong-the-nao-quen-