Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc

N.Cường
11:14 - 09/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Kiên Giang chủ trương đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc.

Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc - Ảnh 1.

Dự án tu bổ phân khu giam B2, tu bổ, tôn tạo điểm di tích khu tượng đài Đồi Sim, di tích điểm Nghĩa trang tù binh và điểm di tích nhà thờ Kiến Văn của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Theo Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh đã ký ban hành nghị quyết chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc.

Dự án thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2021-2025. Dự án tu bổ phân khu giam B2, tu bổ, tôn tạo điểm di tích khu tượng đài Đồi Sim, di tích điểm Nghĩa trang tù binh và điểm di tích nhà thờ Kiến Văn.

Dự án nhằm khôi phục, tu bổ một số điểm di tích ghi dấu các sự kiện quan trọng, giữ gìn chứng tích lịch sử là nơi trưng bày hiện vật liên quan đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, qua đó góp phần cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và trưng bày các hình ảnh, cùng các tài liệu có liên quan nhằm tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Đôi nét về di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc

Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (còn có tên gọi khác: Địa điểm Nhà tù Phú Quốc, Trại giam tù binh Phú Quốc, Nhà tù Phú Quốc, Nhà lao Cây Dừa,…) nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Hàng năm di tích Trại giam Phú Quốc đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước (trong đó có nhiều cựu tù binh là chứng nhân sống về lịch sử di tích), góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất cho các thế hệ.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa, Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là "địa ngục trần gian" là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ - Ngụy. Trong thời gian tồn tại chưa đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973), địch đã giam giữ 40.000 lượt tù binh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có cán bộ dân chính đảng và dân thường. Số lượng tù binh bị nhồi nhét trong các phòng giam lúc cao điểm từ 120 - 180 người; khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Bộ máy điều hành, quản lý của địch ở Trại giam Phú Quốc có khoảng 2.000 nhân viên và sỹ quan, gồm cả hải quân, lục quân, không quân...

Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc - Ảnh 3.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Diện tích Trại giam Phú Quốc lên đến 400 hecta, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu, trong đó có 02 khu đôi (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi là Khu A, B, C, D), mỗi phân khu cách nhau 100m. Phân khu có chiều dài 150m, rộng 50m, gồm 11 ngôi nhà trong đó có 9 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam 20m x 5m. Mỗi phân khu đều có chuồng cọp, 4 phân khu có nhà biệt giam. Các nhà giam xây dựng với vách, mái, cửa đều bằng tôn thiếc, nền bằng đất tráng xi măng để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại. Toàn trại được bao bọc bởi dãy kẽm gai dày chằng chịt 7 đến 10 lớp; vùng bao quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một vành đai trắng bao bọc, cách ly với bên ngoài. Tuy nhiên, với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, các tù binh tại Trại giam Phú Quốc đã tổ chức thành công 45 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức: vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai, đào hầm ngầm…

Hiện nay, di tích chỉ còn lại một số hạng mục sau:

Cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh được làm bằng lõi trụ sắt và gạch đặc, tạo thành 2 trụ vuông hai bên.

Nghĩa địa tù binh có diện tích 20.427,8m2, nằm ở khu vực đồi 100, bốn mặt đều giáp với đất của Hải quân vùng 5, cách điểm Trại giam - phân khu B2 khoảng 1km.

Nhà thờ Kiến Văn có diện tích 4.837,6m2, hiện là phế tích, tại đây chỉ còn lại vài mảnh tường, cùng nền xi măng và các cột góc tường.

Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng bằng bê tông cốt thép, chia thành 2 phòng với 43 hiện vật và hơn 100 hình ảnh tư liệu.

Phân khu B2 được phục dựng lại với diện tích 17.693 m2, gồm các hạng mục như: Vọng gác, hàng rào, hổng trại giam của phân khu B2, chuồng cọp kẽm gai, dãy nhà bếp và nhà ăn, dãy nhà dùng làm nơi ở, giam giữ và tra tấn tù binh, phòng biệt giam B2, dãy nhà vệ sinh.

Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim có diện tích 12.420,5m2, giáp với đất của dân và tỉnh lộ 47, được xây bằng bê tông cốt thép.

Cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh: Sau giải phóng năm 1975, cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh được di dời vào trong, cách địa điểm cũ 15m.

Cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam: Hiện nay ở điểm này chỉ còn lại cổng và 04 nhà mới được phục dựng lại trên nền cũ, có diện tích 20m x 5,68m đều được phục dựng bằng bê tông cốt thép, tường gạch, nền tráng xi măng, mái lợp tôn, cửa ra vào và cửa sổ làm bằng gỗ.