Tranh cãi đề kiểm tra Ngữ văn hạ thấp hình ảnh nhà giáo
Ngữ liệu đề kiểm tra Ngữ văn lớp 8 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho ngữ liệu nói về thầy đồ tham ăn khiến giáo viên tranh cãi không hồi kết.
Theo đó, đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 8 một trường trung học cơ sở ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, có nội dung như sau:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Ông thầy đồ nọ vốn tính tham ăn. Bữa ấy có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Đến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người chung quanh nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:
- Này, con cầm lấy!
Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn. Thầy nhìn thấy giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng.
Đến lúc ra về, thầy vẫn còn nhớ đến mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò. Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:
Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?
Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt:
Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?
Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát:
Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.
Trò ngơ ngác quay lại thưa:
Bẩm bẩm, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy thầy bảo cho con nên thế nào cho phải?
Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:
Thế bánh tao đâu?
(Truyện "Bánh tao đâu?")
Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?
Câu 2: Nêu bài học rút ra từ văn bản trên?
Câu 3: Cho biết nghĩa tường minh và nghĩa hàm ý trong câu: "Này, con cầm lấy!".
Câu 4: Dựa vào văn bản, xác định bối cảnh và loại nhân vật.
Câu 5: Viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về bài học rút ra từ văn bản trên.
Đề kiểm tra Ngữ văn thiếu tính giáo dục?
Bàn về đề kiểm tra Ngữ văn này, trên một diễn đàn, nhiều giáo viên nêu ý kiến nội dung ngữ liệu là một sự xúc phạm các nhà giáo chân chính. Văn bản này hạ thấp hình ảnh người thầy có thể khiến học sinh bậc trung học cơ sở có cái nhìn méo mó, lệch lạc về thầy cô giáo.
Một ý kiến bức xúc, nói: "Những truyện châm biếm dân gian xưa rất vô duyên, phi giáo dục. Hồi bé bọn tôi ghét nhất mấy truyện này. Biết bao truyện hay và nhân văn không dạy, lại đi dạy bọn trẻ mấy truyện về thói hư tật xấu này".
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến này, một ý kiến khác cho biết: "Trường phổ thông dạy tinh hoa, chuẩn mực và cân nhắc chọn lọc văn bản để dạy, vì học văn là học làm người. Khi các em đủ trưởng thành chín chắn sẽ tiếp cận với thực tế cuộc sống đa chiều theo nhiều kênh thông tin".
Một số ý kiến khác bày tỏ sự không đồng tình với ngữ liệu "Bánh tao đâu" như: "Về nội dung ngữ liệu tuy chỉ là một câu chuyện hài châm biếm, nhưng chỉ nên giới hạn trong sách truyện bên ngoài. Việc đưa nó vào làm đề kiểm tra cho con trẻ thì đúng là thảm hoạ. Văn hoá "miếng ăn" nó đã trở thành số 1 theo mọi nghĩa".
"Sao lại cho học sinh làm những thể loại đề vô duyên, toàn dạy những thói xấu xa, tham lam ngoài xã hội vậy nhỉ? Buồn cho những người nghĩ ra đề kiểm tra này quá!".
"Học sinh cấp hai thì nên được giáo dục những bài học về tình thầy trò, tính cách cao quý nơi người thầy… chứ không phải làm cho nó hoen ố hơn để học trò càng mất sự kính trọng với thầy. Đúng là một đề kiểm tra phản giáo dục".
"Thật ra thì những chuyện ấy cũng có giá trị phê phán phần nào trong một giai đoạn có những thầy đồ thiếu đạo đức, chữ nghĩa mà thừa hám danh hám lợi, nhưng đem nhấn mạnh vào tâm hồn trẻ thơ khi chưa đủ thời gian hấp thụ kiến thức về các giá trị nhân văn cao thượng thì rất phản giáo dục".
Một ý kiến khác bày tỏ, giả sử học sinh trả lời câu hỏi số 2 (nêu bài học rút ra từ văn bản trên) như sau thì giáo viên sẽ nghĩ gì?
Thứ nhất, thầy muốn vặn vẹo kiểu gì trò cũng phải chịu! (vô lý quá hay thầy oai quá? Thứ hai, thầy thực ra rất tham ăn nhưng lại dùng trò làm bình phong để "lấy đem về" -thầy lợi dụng trò quá! Thứ ba, thầy bảo "này cầm lấy" là một câu giả dối - khiến trò hiểu là thầy cho trò bánh - thầy là loại đạo đức giả. Thứ tư, vậy làm trò hãy thật cẩn thận và phải được "dạy dỗ" kỹ trước khi đến trường!
Đề kiểm tra Ngữ văn khuyến khích học sinh phản biện?
Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến cho rằng, đề kiểm tra này không có vấn đề gì.
Một ý kiến nêu quan điểm: "Chúng ta cần có cái nhìn đa chiều với ngữ liệu thầy đồ tham ăn. Những kiểu suy nghĩ "đóng khuôn" một ngành nghề, tầng lớp chung... là không nên ủng hộ. Điều này dẫn tới suy nghĩ kiểu như nhà giáo thì luôn cao quý (và nghèo), đàn ông thì phải mạnh mẽ và không làm việc nhà... Đây là điều chúng ta phải dẹp bỏ.
Mỗi cá nhân là riêng biệt và không đại diện cho nghề nghiệp, giới tính hay vùng miền của họ. Tại sao không nhìn thấy là học sinh khi đọc đề văn này sẽ suy nghĩ rộng, không bị giới hạn trong cái "khuôn mẫu" đó? Và xấu hay tốt là không liên quan đến ngành nghề? Và tham ăn cũng là một bản tính của con người?"
Cùng chung với quan điểm này, một số ý khác nhận định: "Thực tế xã hội giờ cũng lắm thầy như thế, có gì đâu mà giận dữ. Phàm việc gì ở đời cũng có hai mặt, giáo dục cũng vậy thôi, với lại đây là câu chuyện châm biếm rất nhiều người biết".
"Đề kiểm tra chọn ngữ liệu cũng bình thường thôi. Đây chỉ là truyện cười. Hoàn toàn không có câu nào xúc phạm tới nhà giáo. Và có một thực tế là trong ngành giáo, không phải giáo viên nào cũng hoàn hảo đáng để xã hội tôn trọng.
"Tôi nhớ thầy giáo dạy môn Văn học năm lớp 7 vẫn hay thường kể những câu chuyện ngụ ngôn, tiếu lâm cho chúng tôi nghe và rút ra những bài học. Chúng tôi rất thích. Học sinh lớp 8 tôi thấy cũng đâu còn nhỏ nữa, các em cần được dạy dỗ để rút ra bài học từ những thói hư tật xấu. Còn về đề kiểm tra thì tôi thấy bình thường, có tính giáo dục học sinh, có giúp các em phát triển tư duy phản biện, không có gì để gọi là thiếu nhân văn, nếu khiển trách giáo viên thì thương quá".
Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam có rất nhiều câu chuyện phê phán và châm biếm nhiều ngành nghề trong xã hội, không chỉ thầy giáo, mà cả thầy lang, sư sãi, quan lại, nông dân... cũng có những câu chuyện nhằm bài trừ thói hư tật xấu. Vấn đề mấu chốt là chọn ngữ liệu phù hợp và có tính giáo dục cao cho học sinh có thể nâng cao nhận thức và trau dồi kỹ năng làm văn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google