Giáo viên tự viết ngữ liệu cho đề kiểm tra Ngữ văn được không?

Ly Hương
20:12 - 19/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều giáo viên bậc phổ thông băn khoăn về việc tìm ngữ liệu ra đề kiểm tra Ngữ văn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên tự viết ngữ liệu cho đề kiểm tra Ngữ văn được không?- Ảnh 1.

Giáo viên đang gặp khó khăn trong việc tìm ngữ liệu ra đề kiểm tra Ngữ văn. Minh hoạ: pexels

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn được triển khai 3 năm ở bậc trung học cơ sở và 2 năm bậc trung học phổ thông. Tuy vậy, nhiều giáo viên đang gặp khó khăn trong việc tìm ngữ liệu ra đề kiểm tra Ngữ văn.

Liên quan đến việc ra đề kiểm tra, vừa qua, Thạc sĩ Trần Tiến Thành - chuyên viên môn Ngữ văn - Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Về hành lang pháp lí

Thạc sĩ Trần Tiến Thành nhắc thầy cô giáo xem lại các căn cứ pháp lý về việc "lấy ngữ liệu mới, ngoài sách giáo khoa" trong kiểm tra, đánh giá: Chương trình môn Ngữ văn năm 2018 (trang 86-87) có hướng dẫn về Đánh giá kết quả giáo dục:

"Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học."

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn có chỉ rõ: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn."

Thạc sĩ Trần Tiến Thành cho biết, để tránh cực đoan, cứng nhắc, thầy cô giáo cần thực hiện các hướng dẫn trên như sau:

Tinh thần của kiểm tra đánh giá theo năng lực (cụ thể ở đây là năng lực "đọc hiểu" và năng lực "viết") là không sử dụng lại văn bản đã dạy cho học sinh để ra đề kiểm tra. Học sinh cần vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, đã rèn luyện để "đọc hiểu", "phân tích, cảm thụ" một văn bản mới.

Công văn trên cũng ghi rõ: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học". Vậy chúng ta đừng đặt ra câu hỏi, vậy giữa kì và kiểm tra thường xuyên lấy lại văn bản trong sách giáo khoa để cho ra kiểm tra được không, vì cứ hỏi như thế là chúng ta lại sẽ cứ lòng vòng chuyện trong hay ngoài sách giáo khoa (rồi lại là trong cả 3 bộ hay chỉ trong 1 bộ đang dạy; rồi trong là trong toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 hay chỉ trong sách giáo khoa của khối đang kiểm tra,...).

"Vấn đề quan trọng "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học" là thầy cô không ra lại những văn bản mà thầy cô đã dạy, đã cho học sinh rèn luyện.

Chúng ta cũng không nên tâm tư, không cần bận tâm điều tra coi học sinh đã biết, đã học ở lớp học thêm bên ngoài những văn bản nào để tránh. Vì với những học sinh đọc rộng, đọc nhiều, chăm chỉ rèn kĩ năng đọc hiểu thì văn bản thầy cô chọn để ra đề có thể các em này đã đọc qua, đã quen thuộc. Đây là tình huống trùng hợp ngẫu nhiên.

Vậy, điều cần thực hiện là thầy cô không ra lại những văn bản mà thầy cô đã dạy, đã cho học sinh rèn luyện; còn các văn bản mà học sinh tự đọc, tự học từ nhiều nguồn khác nhau thì thầy cô khó có thể biết hết để tránh khi ra đề.

Với kiểm tra giữa kì, kiểm tra thường xuyên thì mình cứ thực hiện theo các hướng dẫn trong Thông tư 22 và các hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn chung sao cho khoa học, phù hợp với thực tiễn học sinh mình đang dạy. Không nên yêu cầu hướng dẫn chi tiết nữa", Thạc sĩ Trần Tiến Thành chia sẻ.

Giáo viên tự soạn ngữ liệu để ra đề có được không?

Thạc sĩ Trần Tiến Thành nói rằng, về việc một số thầy cô muốn tự soạn ngữ liệu để ra đề: Có thể thầy cô cho rằng ngữ liệu (là các văn bản thông tin; văn bản nghị luận; các tác phẩm thơ, truyện) do mình viết đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu về giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mĩ, giá trị giáo dục, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đặc trưng thể loại.

"Tuy nhiên, để khách quan thì ngữ liệu ấy cần được thẩm định, phản biện độc lập trước khi được sử dụng để ra đề. Vậy thầy cô có thể gửi các văn bản thông tin; văn bản nghị luận, các tác phẩm thơ, truyện do mình viết đó đến các nhà xuất bản; các báo, đài để thẩm định, đăng tải, xuất bản hoặc gửi đến các chuyên gia để thẩm định, phản biện.

Đây là những kênh, những cách thẩm định hiệu quả về giá trị của các ngữ liệu do thầy cô tự soạn. Sau khi lập được kho dữ liệu đảm bảo các yêu cầu, chúng ta mới lựa chọn, sử dụng để ra đề.

Nếu dùng ngữ liệu chưa qua các kênh sàng lọc, thẩm định, phản biện để ra đề là không khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót. Thực tế cho thấy việc sử dụng ngữ liệu từ các sách, báo của các tác giả uy tín thì thuận tiện hơn, hiệu quả hơn là việc giáo viên tự soạn ngữ liệu", Thạc sĩ Trần Tiến Thành gợi ý về việc giáo viên tự soạn ngữ liệu để ra đề kiểm tra sao cho an toàn.

Bình luận của bạn

Bình luận