Chọn ngữ liệu Ngữ văn – không thể để giáo viên "tự bơi"

Ly Hương
16:07 - 25/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Góp ý của một giáo viên về việc giáo viên lựa chọn ngữ liệu Ngữ văn trong dạy học, ôn tập và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhiều giáo viên bậc phổ thông băn khoăn về việc chọn ngữ liệu Ngữ văn ra đề kiểm tra môn Ngữ văn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tạp chí Công dân và Khuyến học xin đăng tải thêm những ý kiến đóng góp của các giáo viên về việc này.
Chọn ngữ liệu Ngữ văn – không thể để giáo viên "tự bơi"- Ảnh 1.

Giáo viên mong muốn bày tỏ quan điểm về việc chọn ngữ liệu Ngữ văn trong dạy môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Pexel

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, giáo viên dạy Ngữ văn rất kì vọng việc ra đề kiểm tra đánh giá theo hướng đánh giá năng lực, với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ loại bỏ được vấn nạn văn mẫu, dần tiến tới học thật, thi thật.

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, giáo viên như lạc vào "ma trận", rất khó để lựa chọn được những ngữ liệu phù hợp với mục tiêu chương trình, mục đích kiểm tra đánh giá đồng thời phải hay, hấp dẫn, giàu giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân văn, khơi gợi được hứng thú đọc văn, học văn ở học sinh. 

Chọn ngữ liệu Ngữ văn kiểu trăm hoa đua nở, vàng thau lẫn lộn

Bàn về việc lựa chọn ngữ liệu trong dạy học, ôn tập và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy giáo Dương Khánh Toàn (Vĩnh Phúc) nói rằng, có cung ắt có cầu. Khi giáo viên còn lúng túng trong chọn ngữ liệu và ra đề kiểm tra đánh giá thì nhiều người đã lập ra các nhóm để chia sẻ, bán, mua, trao đổi tài liệu dạy học trong đó có đề kiểm tra đánh giá.

"Bản thân tôi cũng là thành viên của một số nhóm giáo viên, trao đổi tích cực với các thành viên khác để nhanh chóng "lấp đầy" kho tư liệu dạy học vốn đang rất mỏng của mình. Hàng ngày tôi bỏ ra nhiều giờ lang thang trên các diễn đàn, hội, nhóm download (tải) đề tham khảo để tìm những ngữ liệu hay đem về biên soạn lại thành các đề kiểm tra đánh giá theo các tiêu chí được quy định trong mục tiêu chương trình.

Từ kinh nghiệm của bản thân tôi nhận thấy, khi lựa chọn được ngữ liệu hay, biên soạn được hệ thống câu hỏi trắc nghiệm và tự luận vừa sức, sát với kiến thức ngữ văn được trang bị thì học sinh khá hào hứng đọc hiểu văn bản và trả lời câu hỏi (riêng yêu cầu viết bài văn nghị luận về tác phẩm văn học mới chỉ được tiếp xúc trong vài phút thì có vẻ là "nhiệm vụ bất khả thi" với các em).

Ngược lại, khi ngữ liệu được chọn không hay, không phù hợp với "tầm đón đợi" của học sinh; ngữ liệu quá dài, quá trừu tượng, triết lí…dẫn đến học sinh không hợp tác, miễn cưỡng đọc hiểu và trả lời câu hỏi, hiệu quả của giờ học thấp", thầy giáo Dương Khánh Toàn nói thêm về việc lựa chọn ngữ liệu sao cho đúng, cho hay.

Còn thầy giáo Phan Anh, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay giáo viên Ngữ văn lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì theo kiểu trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm.

Nhìn chung, giáo viên chủ yếu lấy ngữ liệu từ sách, báo chính thống nhưng vẫn gây khó khăn cho học sinh vì những lí do khác nhau.

Ví dụ, chương trình ngữ văn 11 (học kì 1) bộ Chân trời sáng tạo dạy truyện thơ. Khi ra đề kiểm tra, có giáo viên ra đúng thể loại này và sử dụng ngữ liệu là một đoạn trích trong tác phẩm "Vượt biển" (truyện thơ dân tộc Tày – Nùng) dài đến 70 câu thơ. Ngôn ngữ thơ trong đoạn trích có nhiều từ, ngữ trúc trắc, khó hiểu khiến học sinh gặp rất nhiều khó khăn khi làm bài.

Hoặc có giáo viên yêu cầu học sinh phân tích bài thơ "Mùa xuân chín" của nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng khiến nhiều em "than trời". Giáo viên phải dạy văn học sử, tác giả, hoàn cảnh ra đời của bài thơ… thì những học sinh có học lực khá, giỏi môn Ngữ văn mới phân tích được. Riêng học sinh có lực học trung bình, yếu, việc yêu cầu các em phân tích thơ là nan giải.

Đáng nói, vừa qua, đề Ngữ văn kiểm tra cuối kỳ 1 lớp 9 ở tỉnh An Giang lấy ngữ liệu từ truyện "Hai con chó" được đăng tải trên website của Trường mầm non Gia Quất (quận Long Biên, TP Hà Nội). Việc lấy ngữ liệu không chính thống, nội dung thiếu chọn lọc khiến hầu hết giáo viên không đồng tình với đề kiểm tra này.

Không thể để giáo viên tự bơi trong việc chọn ngữ liệu Ngữ văn

Theo thầy giáo Phan Anh, để tìm được ngữ liệu hay, phù hợp cho đề kiểm tra thì đòi hỏi giáo viên phải chăm đọc sách, báo. Giáo viên cần lưu lại những đoạn văn, bài thơ hay để ra đề kiểm tra khi cần.

"Thầy cô giáo cần chú ý nguồn ngữ liệu khi đưa vào đề kiểm tra. Đối với ngữ liệu được trích dẫn từ sách thì phải có tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản, số trang. Đối với ngữ liệu được lấy từ báo, tạp chí thì phải có cơ quan chủ quản.

Một đề kiểm tra đạt đạt yêu cầu đòi hỏi phải có hình thức và nội dung phù hợp. Ví dụ, ngữ liệu là văn xuôi thì cần độ dài khoảng 300-400 chữ. Ngữ liệu thơ thì trích khoảng 3 khổ (tương đương 12 câu) là vừa. Nội dung ngữ liệu phải gần gũi, mang tính giáo dục, thẩm mỹ và phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh.

Đề kiểm tra cần được phản biện độc lập qua 2 vòng – hiệu trưởng giao cho tổ trưởng và tổ phó chuyên môn. Làm được như vậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót (nếu có) của đề kiểm tra. Tổ chuyên môn cần xây dựng ngân hàng đề kiểm tra đủ lớn để không bị động về ngữ liệu", thầy giáo Phan Anh gợi ý.