Trách nhiệm của người nổi tiếng trên không gian mạng
Việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, phát ngôn phản cảm hay đăng tải những video "chơi trội" bất chấp vi phạm quy định pháp luật không phải là vấn đề mới. Song, mức độ ảnh hưởng của các sự việc này về lâu dài là vô cùng lớn, tác động tiêu cực đến cộng đồng, đặc biệt là đối với người trẻ.
Thời gian qua, không ít người nổi tiếng đã bị nhắc nhở, xử lý, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự khi có những sai phạm trên không gian mạng, tạo dư luận không tốt.
Điển hình gần đây nhất, Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) đã bị truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 2 Điều 318 Bộ Luật Hình sự. Bị can này cũng có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, đối mặt với mức phạt từ 2-7 năm tù.
Theo đó, Ngọc Trinh đã có hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn, biểu diễn bằng những hành động nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe, thả hai tay để xe tự chạy... lưu thông trên tuyến đường thuộc thành phố Thủ Đức.
Đáng chú ý, việc biểu diễn xe mô tô của Ngọc Trinh được tổ chức quay phim, sau đó biên tập lại rồi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn. Sự việc này sau đó trở thành "hot search" trên Facebook lẫn TikTok.
Có thể thấy rằng, dù phương tiện liên quan trong video do Ngọc Trinh đăng tải đã bị tạm giữ, nữ diễn viên này cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam nhưng các video phản cảm trên vẫn dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội. Và điều này có thể khiến không ít bạn trẻ thiếu nhận thức vẫn học theo.
Trước đó, ngày 5/5/2022, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời lên làm việc sau khi MV "There's no one at all" của nam ca sĩ có chứa cảnh tự sát và được cho là cổ xúy hành vi tiêu cực trong giới trẻ bị dư luận phản ứng.
Căn cứ vào Điều 13 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt ca sĩ Sơn Tùng M-TP với mức phạt 70 triệu đồng.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Công ty TNHH M-TP Entertainment của Sơn Tùng có trách nhiệm tiêu hủy bản ghi hình "There's no one at all", nộp lại số lợi thu được từ MV; tháo gỡ bản ghi hình này dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.
Người nổi tiếng phải có trách nhiệm với cộng đồng
Là người có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng, không ít cá nhân vẫn liên tục phát ngôn, hành động phản cảm để tạo sự chú ý của khán giả nhằm nổi tiếng hơn. Trước những lợi nhuận khổng lồ từ các nền tảng mạng xã hội, họ bất chấp hành vi của mình có thể tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, hành vi của người khác, nhất là đối với thanh thiếu niên để thực hiện câu like, tăng view.
Pháp luật không cấm và cũng không ai chê trách việc nghệ sĩ, người nổi tiếng làm quảng cáo hay luôn nỗ lực kiếm tiền. Và quyền tự do của cá nhân phải được tôn trọng.
Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng hay làm bất kỳ công việc gì thì người nổi tiếng nên xem xét tính hợp pháp và đạo đức xã hội, tránh tiếp tay cho cái sai, cái xấu và gây tổn hại đến cộng đồng đang sinh sống.
Nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, bất kỳ ai cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật cũng như thuần phong mỹ tục khi sản xuất, đăng tải các nội dung lên mạng xã hội.
Đặc biệt những người có tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng, ảnh hưởng tới cảm xúc, hành vi của số đông càng cần phải cẩn trọng trong phát ngôn và hành vi của mình trên không gian mạng. Những cá nhân này cần nhận thức đúng đắn về giá trị của người nổi tiếng không phải là "ngàn like", "triệu view" mà là sự mến mộ từ công chúng.
Bởi mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả là thật. Những phát ngôn, video có nội dung xấu, độc hại có thể gây ra những hệ lụy cho xã hội, tạo ra những quan điểm sống, lối sống lệch lạc, ảnh hưởng đến nhận thức và hình thành nhân cách của giới trẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google