Đăng tải video có nội dung không đúng sự thật, TikToker Hứa Quốc Anh bị phạt 7,5 triệu đồng
Ngày 3/1, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh; Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh công bố quyết định xử phạt Hứa Quốc Anh - chủ tài khoản TikTok Hứa Quốc Anh vì vụ việc clip sai phạm liên quan đến Angkor Wat (Campuchia).
Quay video ở đền Angkor Wat (Campuchia) nhưng ghép ảnh Quốc kỳ và Quốc vương Thái Lan, TikToker Hứa Quốc Anh bị xử phạt
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/1, cơ quan này đã phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh để làm việc và xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hứa Quốc Anh (người sử dụng tài khoản TikTok "Hứa Quốc Anh").
Theo đó, cơ quan chức năng đã xử phạt Hứa Quốc Anh 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Tại buổi làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ông Hứa Quốc Anh nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra những sự việc tương tự.
Đồng thời cũng lưu ý người dùng mạng phải chấp hành đúng quy định pháp luật có liên quan, sử dụng Internet và mạng xã hội có trách nhiệm, văn minh, tiến bộ, mang ý nghĩa thiết thực.
Trước đó, tháng 11/2023, ông Hứa Quốc Anh đã đăng tải video có thời lượng hơn 1 phút với nội dung mô tả buổi chụp ảnh tại đền Angkor Wat (Campuchia). Đáng chú ý, trong video này, ông Hứa Quốc Anh đã lồng âm thanh "Hello Thái Lan" kèm theo hình ảnh Quốc kỳ và Quốc vương Thái Lan.
Hành động này của ông Hứa Quốc Anh được xem là không tôn trọng văn hóa và chủ quyền quốc gia của các nước láng giềng, gây chia rẽ giữa các quốc gia Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.
Khi vụ việc làm dấy lên cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội thì Hứa Quốc Anh đã xóa video trên. Ngoài ra, tài khoản của người này với hơn 700.000 người theo dõi và 19,8 triệu lượt thích đã bị TikTok khóa vĩnh viễn.
Sau ồn ào, Hứa Quốc Anh đã lập tài khoản khác để giãi bày và gửi lời xin lỗi. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc, phối hợp xác minh làm rõ nội dung vi phạm của ông Hứa Quốc Anh.
3 bài học dành cho người dùng mạng xã hội qua vụ việc TikToker Hứa Quốc Anh bị xử phạt
Sau khi video sử dụng hình ảnh đền Angkor Wat đăng tải trên TikTok, nội dung này lan truyền trên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận phản đối về thông tin sai, hình ảnh phản cảm từ cộng đồng mạng. Đáng chú ý, video sai lệch thông tin đã đề cập vấp phải dư luận chỉ trích của cả 3 quốc gia Campuchia, Thái Lan, và Việt Nam.
Ngay sau vụ việc ồn ào, ban quản lý đền Angkor Wat ra thông cáo tường trình sự việc Hứa Quốc Anh cùng ekip có đến Angkor Wat để quay video, bày tỏ phản đối thông điệp từ video sau khi đăng tải trên mạng. Chính quyền Campuchia cũng xem xét hình phạt đối với Tiktoker người Việt này, có thể là cấm nhập cảnh Campuchia từ 5-10 năm tới.
Trước vụ việc gây dư luận xấu và ồn ào không đáng có, người dùng mạng xã hội được khuyến cáo nên thận trọng với thông tin cá nhân đăng tải trên internet, cần đảm bảo thông tin công khai không vi phạm Luật An ninh mạng, không cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ hai, với tốc độ thông tin lan truyền nhanh chóng của mạng internet, người dùng mạng xã hội cần cập nhật kiến thức, không ngừng học hỏi, đảm bảo bản thân được tiếp cận nguồn thông tin đúng, chính xác, tin cậy. Tránh nhân lên các thông tin xấu độc, tạo ra môi trường thông tin xã hội độc hại với cộng đồng người dùng, vi phạm các chính sách cơ bản của các nền tảng mạng xã hội.
Thứ ba, mạng xã hội có thể mang lại nhiều giá trị đối với mỗi cá nhân, cũng có thể khiến người dùng bị xử phạt từ nhẹ đến nặng nếu vi phạm nguyên tắc tiêu chuẩn cộng đồng của quốc gia sở tại, đồng thời bị cấm nhập cảnh đối với các quốc gia liên quan đến nội dung sáng tạo.
Khi ai cũng có thể trở thành người sáng tạo nội dung số, người có tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng, ảnh hưởng tới cảm xúc, hành vi của số đông càng cần cẩn trọng trong phát ngôn và sản xuất nội dung trên mạng xã hội.
Mức phạt hành chính đối với hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác trên mạng xã hội:
Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội" như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Theo như quy định trên thì tổ chức có hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Còn nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt trên (theo Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Vậy nên trường hợp cá nhân có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google