Ép người khác uống rượu bia có bị xử phạt?

Lam Linh
06:00 - 14/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo quy định của pháp luật, ép buộc người khác uống rượu bia là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Rượu, bia thường xuất hiện trong mọi cuộc vui, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, một số người có thói quen ép người khác uống rượu, bia mà không lường trước được hậu quả khôn lường về tài sản, sức khoẻ, thậm chí là cả tính mạng. Vậy ép người khác uống rượu, bia có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
Ép người khác uống rượu bia có bị xử phạt?- Ảnh 1.

Ép buộc người khác uống rượu, bia là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh minh họa từ IT

Ép buộc người khác uống rượu bia có thể bị phạt tới 3 triệu đồng

Căn cứ vào khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 thì xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cụ thể, theo khoản 2, 3 Điều 30 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP thì:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu bia.

Ép buộc người khác uống rượu, bia gây thiệt hại phải bồi thường 

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 596 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Theo đó, người cố ý được đề cập trong quy định này phải cố ý về cả ý chí lẫn hành vi. Tức là, bản thân họ mong muốn người khác sử dụng rượu hoặc chất kích thích và dùng mọi cách thức để có thể đưa rượu hoặc chất kích thích vào cơ thể người khác, làm cho người đó không thể phản kháng.

Chẳng hạn như, A khống chế và đổ rượu vào mồm B cho đến khi B say, nếu B gây thiệt hại cho C thì A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho C.

Tuy nhiên, trong trường hợp một người dùng thế mạnh của mình như: vị trí công việc, địa vị xã hội... để ép người khác uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích thì họ không bị coi là cố ý như khoản 2 Điều 596 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ví dụ: Vì là sếp của A nên B đã đe dọa nếu không uống rượu sẽ đuổi việc A, sau đó A uống say và gây thiệt hại cho C. Trong trường hợp này, A phải bồi thường cho C vì tại thời điểm sử dụng rượu, A vẫn có sự tự do về mặt ý chí hay nói cách khác, khi bị B ép uống, A hoàn toàn có quyền và có khả năng từ chối sử dụng rượu.

Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc chứng minh hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia. Vậy nên để có căn cứ truy cứu trách nhiệm đối với người có hành vi ép người khác uống rượu bia thì người bị ép uống rượu bia phải thực hiện việc tố giác.

Đồng thời phải chứng minh được bản thân bị cưỡng ép sử dụng rượu bia bằng cách đưa ra hình ảnh, video, trích xuất camera ghi lại hành động, lời nói thể hiện bị người khác ép uống rượu, bia hoặc có người làm chứng về việc này. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền mới có cơ sở để đánh giá và xử lý theo quy định pháp luật.

Trong thực tế, khi biết bản thân bị ép uống rượu bia nhưng vì nể bạn hay sợ sếp nên nhiều người cũng không báo cáo đến cơ quan chức năng. Do đó, việc tố giác "bạn nhậu" ép buộc uống rượu bia hầu như khó xảy ra.

Vì vậy, để chấm dứt tình trạng ép nhau uống rượu bia thì điều quan trọng đầu tiên là bản thân mỗi người cần có sự phân biệt rõ ràng về việc mời và ép buộc nhau uống rượu bia để có hành xử sao cho phù hợp, thể hiện sự văn minh và lịch sự.

Bên cạnh đó, người uống rượu bia phải luôn đề ra cho mình nguyên tắc, giới hạn khi tham gia các "cuộc nhậu", nhận thức rõ về tửu lượng, về tình trạng sức khoẻ của cá nhân.