Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi lên tới trên 500%/năm do người nước ngoài cầm đầu

Lam Linh
17:31 - 13/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây cho vay nặng lãi do người nước ngoài cầm đầu, bắt giữ gần 200 đối tượng. Hiện tất cả các đối tượng này đã được di lý về Đà Nẵng để tiếp tục điều tra.

Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi lên tới trên 500%/năm do người nước ngoài cầm đầu- Ảnh 1.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi đã được di lý về thành phố Đà Nẵng để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: CACC

Gần 200 người trong đường dây cho vay nặng lãi bị bắt giữ

Ngày 13/1, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản do người nước ngoài điều hành, bắt giữ gần 200 đối tượng.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Đà Nẵng) phát hiện một số người dân vay tiền trực tuyến qua các ứng dụng trên điện thoại di động với lãi suất cắt cổ, lên đến trên 500%/năm.

Ngày 20/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành xác lập chuyên án để điều tra đường dây tội phạm nói trên.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành xác minh, xác định đây là đường dây tội phạm có quy mô lớn, hoạt động tại nhiều địa bàn trên toàn quốc nên Công an thành phố Đà Nẵng đã báo cáo Bộ Công an.

Đến ngày 11/1/2024, cán bộ chiến sĩ của Công an thành phố Đà Nẵng, Cục Cảnh sát hình sự, Trung đoàn Cơ động số 29 của Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt đột kích 9 địa điểm hoạt động của đường dây nói trên.

Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi lên tới trên 500%/năm do người nước ngoài cầm đầu- Ảnh 3.

Wang YunTao (sinh năm 1988, quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi với quy mô lớn tại Việt Nam. Ảnh: CACC

Lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ Wang YunTao (sinh năm 1988, quốc tịch Trung Quốc) - được xác định là đối tượng cầm đầu và nhiều đối tượng khác có liên quan.

Tổng số đối tượng bị bắt giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh là 154 người, tại Bình Dương là 39 người. Đến ngày 13/1, tất cả các đối tượng có liên quan đã được di lý về thành phố Đà Nẵng để phục vụ công tác điều tra.

Qua khám xét tại các địa điểm, cơ quan chức năng đã thu giữ 247 máy tính các loại, 177 điện thoại di động, 8 xe máy, hơn 180 triệu đồng tiền mặt, phong tỏa hàng chục tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Lập hàng chục công ty để làm bình phong cho hoạt động cho vay nặng lãi

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định Wang YunTao cùng một đối tượng khác người Trung Quốc đã thuê người Việt đứng tên lập hàng chục công ty với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.

Nhưng thực chất, các công ty này được sử dụng để làm bình phong cho hoạt động cho vay nặng lãi và nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Theo đó, mỗi nhóm công ty được giao nhiệm vụ khác nhau: xây dựng và quảng bá các ứng dụng cho vay tiền, tìm kiếm khách hàng, cho vay và đòi nợ.

Khi người vay không trả lãi đúng hạn, các đối tượng trong đường dây nói trên đã ghép hình ảnh, nhắn tin, gọi điện để đe dọa, khủng bố tinh thần con nợ và người thân của họ.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cho vay lãi nặng bị xử phạt thế nào?

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất như sau:

"1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ".

Như vậy, cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Căn cứ vào khoản 4 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì hành vi kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" như sau:

"1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 4 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bình luận của bạn

Bình luận