Cộng đồng mạng nghi ngờ tính xác thực khi TikToker Vũ Minh Lâm "tố" bị đuổi khỏi quán ở Hà Nội vì ngồi xe lăn

Lam Linh
13:48 - 16/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

TikToker Vũ Minh Lâm đăng tải câu chuyện "bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn" tại Hà Nội đã tạo ra làn sóng tranh luận trên mạng xã hội. Đáng nói, chỉ sau vài giờ đăng tải bài viết, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, đồng thời cộng đồng mạng đã tìm ra sự thật.

TikToker "tố" bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn

Tiktoker Vũ Minh Lâm cùng bạn gái đi ăn phở tại một tiệm phở khá nổi tiếng tại Hà Nội. Anh này sau đó đã đăng tải một bài viết trên mạng xã hội kể câu chuyện trải nghiệm việc mình bị kỳ thị vì là người khuyết tật. 

Ngày 12/1, tài khoản Facebook "Vũ Minh Lâm (Xe lăn vlog)" - vốn nổi tiếng trên mạng xã hội với những video truyền cảm hứng tích cực đã chia sẻ về câu chuyện buồn đi ăn phở nói trên. Trong đó, anh khẳng định bị chủ tiệm phở tại Hà Nội đuổi khỏi quán chỉ vì ngồi xe lăn.

Cộng đồng mạng nghi ngờ tính xác thực khi TikToker Vũ Minh Lâm "tố" bị đuổi khỏi quán ở Hà Nội vì ngồi xe lăn- Ảnh 1.

Câu chuyện được đăng tải trên trang cá nhân của Vũ Minh Lâm - một TikToker có vài trăm nghìn người theo dõi và được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình bài viết

Cộng đồng mạng nghi ngờ bài viết được sao chép lại

Ngay sau khi đăng tải bài viết trên lên Facebook, câu chuyện của Lâm khiến nhiều người bức xúc, đồng thời lên án 2 tiệm phở đã có hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Tuy nhiên, sau vài ngày đăng tải, câu chuyện của Lâm lại nhận được một luồng ý kiến khác từ phía cộng đồng mạng. Theo đó, dư luận hoài nghi về tính xác thực, có nhiều điểm bất hợp lý trong bài viết và cho rằng tác giả đã đăng tải thông tin gây tiếng xấu cho người Hà Nội và văn hoá Hà Nội với mục đích không trong sáng. Thậm chí đã khơi gợi sự phân biệt vùng miền.

Có người đưa ra những phân tích về sự phi lý trong câu chuyện của Lâm và khẳng định đây là câu chuyện bịa đặt để gây chú ý, tạo tương tác trên mạng xã hội vì Lâm đang là TikToker có hàng trăm nghìn lượt theo dõi. 

Tài khoản G.Q.N. bình luận: "Đây là cách làm nội dung bẩn, làm xấu hình ảnh của người dân Hà Nội" khi đưa ra lý lẽ rằng, đến quán quen hay ăn mà bị chủ quán nói như vậy là vô cùng mâu thuẫn. 

Một tài khoản khác B.N. được cho là cũng đi ăn tại tiệm phở kể trên và có gặp Lâm cùng bạn gái cho biết: "Mình ngồi ở trong đúng lúc đôi trẻ này vào ăn. Mình thấy các bên đều vui vẻ, bên quán còn nhờ mọi người kéo ghế vào để bạn này ngồi sau lưng người bán".

Ngoài ra, trong đoạn video Vũ Minh Lâm đăng tải video trên TikTok với nội dung "tạm biệt Hà Nội," nam thanh niên có ghi lại hình ảnh một quán phở gà trên phố Nam Ngư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuy nhiên nội dung video là những hình ảnh tích cực.

Với tính thực hư không rõ ràng của câu chuyện trên, nhiều người cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ để cảnh cáo hành vi tung tin giả, làm mất hình ảnh Hà Nội trong lòng du khách cũng như gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội.

Cộng đồng mạng nghi ngờ tính xác thực khi TikToker Vũ Minh Lâm "tố" bị đuổi khỏi quán ở Hà Nội vì ngồi xe lăn- Ảnh 3.

Khao khát nổi tiếng nhanh chóng trên mạng xã hội khiến nhiều bạn trẻ làm nghề sáng tạo nội dung số sẵn sáng đi theo con đường thiếu tích cực, sản xuất những nội dung không lành mạnh, gây phản cảm. Ảnh minh hoạ từ INT

Chủ tiệm phở phủ nhận

Sau khi bài viết được đăng tải, các cơ quan báo chí đã xác định được 2 tiệm phở tại Hà Nội bị tài khoản Vũ Minh Lâm tố đuổi khách vì ngồi xe lăn. 

Theo trích xuất từ camera của quán phở có địa chỉ tại phố Gia Ngư (Hà Nội) cho thấy, khi Lâm cùng bạn vào quán, do đường đi hẹp (chưa đến 1m) và lượng khách đông nên cô chủ có bảo Lâm sang hàng cà phê ngồi ăn cho thoải mái rồi sẽ bảo nhân viên mang phở sang.

Tuy nhiên, nhân viên tại quán bảo xe của Lâm có thể đi vào được nên đã dẹp ghế, đồ dùng của quán sang một bên cho Lâm ngồi ngay sau bà chủ quán. 

Chia sẻ với báo chí, chủ quán phở cho biết quán phở gia truyền nhà mình đã mở được hơn 60 năm. Đời bà đã bán ở đây được 30 năm. Quán tuy nhỏ hẹp nhưng lúc nào cũng đông khách và họ cũng thông cảm cho điều đó.

Còn chủ quán phở ở An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) mà Lâm và bạn nói đã ghé qua cho biết, anh không biết đến chuyện này và mong muốn người đăng bài cho biết chính xác thời gian xảy ra sự việc để anh kiểm tra camera. Nếu đúng có việc này, anh sẽ nhắc nhở nhân viên, thậm chí là cho nghỉ việc. 

Trước thông tin phản ánh trên, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cho biết hiện đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ sự việc với những người trong cuộc.

Áp lực của nghề sáng tạo nội dung số khiến xu hướng làm nội dung bẩn gia tăng?

Cộng đồng mạng nghi ngờ tính xác thực khi TikToker Vũ Minh Lâm "tố" bị đuổi khỏi quán ở Hà Nội vì ngồi xe lăn- Ảnh 4.

Nghề sáng taọ nội dung số - một xu hướng của thời đại bùng nổ thông tin. Ảnh: Phạm Hùng

Đến thời điểm hiện tại, bài viết của tài khoản Vũ Minh Lâm đã nhận được gần 80 nghìn lượt tương tác, 9 nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội và gần 52 nghìn bình luận - đây là một lượt tương tác khủng và là ước mơ của những người làm nghề sáng tạo nội dung trên mạng xã hội như hiện nay.

Soi lại bối cảnh thực tế hiện nay, khi Faceboook, Youtube hay TikTok đang trở thành những nền tảng hấp dẫn với số lượng người dùng ngày càng tăng. Từ đây, có một nghề trở nên nở rộ và trở thành xu hướng mới - nghề sáng tạo nội dung số trên mạng xã hội. 

Đây là nghề mà người thực hiện phải sản xuất những nội dung trên mạng xã hội nhằm chia sẻ về cuộc sống, kết nối với mọi người, thể hiện góc nhìn và quan điểm cá nhân. Từ đó họ có thể kiếm tiền nhờ xây dựng các trang mạng xã hội có nhiều lượt theo dõi, một tệp khán giả nhất định.

Thế nhưng, bên cạnh những bài viết, nội dung lan toả yêu thương, truyền năng lượng tích cực, cung cấp kiến thức bổ ích thì một số người lại lợi dụng nền tảng mạng xã hội để tạo ra những nội dung độc hại (còn gọi là nội dung bẩn) nhằm tạo sự thu hút, câu tương tác.

Theo đó, với khao khát được nổi tiếng nhanh chóng và nhờ đó kinh doanh tạo thêm thu nhập, nhiều người đã sẵn sàng sản xuất nội dung xấu, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Bởi trong bối cảnh bùng nổ thông tin, thậm chí là bội thực thông tin như hiện nay, việc gây chú ý và giữ chân công chúng trở nên vô cùng khó khăn. Và để cạnh tranh truyền thông giữa xa lộ thông tin, nhiều người đã bất chấp đi theo con đường thiếu lành mạnh. 

Ngoài ra, những nội dung bẩn vẫn thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội còn do một bộ phận công chúng chưa có nhận thức đúng đắn trong quá trình tiếp nhận thông tin.

Nếu người dùng mạng xã hội dừng lâu ở một video nào đó, các trang mạng xã hội sẽ đề xuất những nội dung tương tự - đây là một thuật toán cơ bản của các trang mạng xã hội. Vậy nên hãy là một người dùng mạng thông minh, biết chắt lọc thông tin và tỉnh táo trước những nội dung độc hại nhan nhản khắp mạng xã hội.