Tòa tuyên án chung thân đối với bị cáo Trương Mỹ Lan

PV
17:43 - 17/10/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù tội Rửa tiền, 8 năm tù tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Sau gần một tháng xét xử và nghị án, chiều 17/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc tuyên án đối với 34 bị cáo trong đại án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan (giai đoạn 2).
Tòa tuyên án chung thân cho bị cáo Trương Mỹ Lan - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

Bị cáo Trương Mỹ Lan chịu trách nhiệm cao nhất 

Theo nhận định của Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có vai trò chi phối SCB, đồng ý với đề nghị của Nguyễn Phương Hồng, cho mượn các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Bị cáo đã chủ trương thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt 30.081 tỉ đồng của hơn 35.000 bị hại; thiết lập các giao dịch khống, chuyển tiền qua biên giới. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm với vai trò cao nhất.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù tội Rửa tiền, 8 năm tù tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ hậu quả vụ án với tổng số tiền hơn 30.000 tỉ đồng. Đây được xác định là số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt của hơn 35.000 bị hại là những người đầu tư trái phiếu "khống" trong vụ án.

Đối với vấn đề các bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường tiền gốc, lãi và các khoản phí liên quan. Hội đồng xét xử dành quyền cho các bị hại giải quyết trong các quan hệ dân sự khác.

Trước đó liên quan sai phạm trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Đưa hối lộ”. Hiện bà Trương Mỹ Lan đã kháng cáo bản án sơ thẩm giai đoạn 1 và đang chờ xét xử phúc thẩm.

Án phạt cho các bị cáo khác trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2)

Các cựu lãnh đạo SCB bị tuyên phạt các mức án như sau:

- Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) 17 năm tù. Trong đó, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 12 năm, tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 5 năm.

- Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) 23 năm tù cho các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (9 năm), "Rửa tiền" (8 năm) và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" (6 năm).

- Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) 14 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

- Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SCB) 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

- Thái Thị Thanh Thảo (cựu giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale, thuộc SCB, Chi nhánh Sài Gòn) 5 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo là người thân của bị cáo Lan bị đề nghị mức án từ 24 tháng tù đến 8 năm tù. Cụ thể:

- Chu Lập Cơ – chồng bà Lan lãnh 2 năm tù về tội "Rửa tiền"

- Trương Huệ Vân – cháu ruột bà Lan lãnh 5 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

- Cùng về tội danh này, bị cáo Ngô Thanh Nhã - em dâu bà Lan, lãnh 5 năm tù.

Các bị cáo bị tuyên mức án cao khác gồm:

- Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty SPG): 16 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Đây là bị cáo phải nhận mức án cao thứ hai sau bị cáo Lan.

- Cùng các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bị cáo Trịnh Quang Công (cựu tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Acumen) lãnh 15 năm tù.

- Nguyễn Hữu Hiệu (cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Square Việt Nam) lãnh 12 năm tù.

- Nguyễn Vũ Anh Thi (cựu tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam) lãnh 9 năm tù.

Về tình tiết tăng nặng, 29 bị cáo bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội hai lần trở lên đối với 29 bị cáo này. Riêng về tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức”, Hội đồng xét xử áp dụng đối với các bị cáo là nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt và Tập đoàn VTP vì các bị cáo này có sự cấu kết, bàn bạc chặt chẽ trong việc phát hành, phân phối các lô trái phiếu. Các bị cáo còn lại không bị áp dụng tình tiết tăng nặng này.


Bình luận của bạn

Bình luận