Tiếp cận việc ra đề thi tác phẩm văn xuôi ngoài sách giáo khoa

Ly Hương
13:23 - 08/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn ngoài chương trình sách giáo khoa đang nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên và học sinh trên cả nước. Nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn chia sẻ, ra đề tác phẩm thơ ngoài sách giáo khoa tương đối dễ dàng nhưng với văn xuôi là rất khó khăn.

Quy định đánh giá môn Ngữ văn

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cách thức đánh giá môn học này như sau:

Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục trong suốt quá trình dạy học, do giáo viên môn học tổ chức; hình thức đánh giá gồm: giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh tự đánh giá.

Đánh giá định kì được thực hiện ở thời điểm gần cuối hoặc cuối một giai đoạn học tập (cuối học kì, cuối cấp học) do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện để phục vụ công tác quản lí hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng giáo dục và phục vụ công tác phát triển chương trình, tài liệu học tập.

Đánh giá định kì thường thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết. Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình.

Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.

Như thế, đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) và đề thi có thể ra theo 2 hướng: 

1) Ra đề tự luận (một hoặc nhiều câu); 

2) Ra đề kết hợp hình thức trắc nghiệm và hình thức tự luận.

Tiếp cận việc ra đề thi theo tinh thần Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH

Xin giới thiệu một đề Ngữ văn theo tinh thần Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH được thầy Tạ Xuân Hải, giáo viên môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở tỉnh Đồng Nai biên soạn.

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Đường dài đi giữa Trường Sơn

nghe vọng bài ca đất nước

Đất nước

Bốn ngàn năm không nghỉ

Những đạo quân song song cùng lịch sử

Đi suốt thời gian, đi suốt không gian

Sừng sững dưới trời, anh dũng hiên ngang (...)

Đất nước

Của thơ ca

Của bốn mùa hoa nở

Đọc trang Kiều tưởng câu hát dân gian

Nghe xôn xao trong gió nội mây ngàn.

Đất nước

Của những dòng sông

Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn

Ngọt lịm, những giọng hò xứ sở

Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa

Đất nước

Của những người mẹ

Mặc áo thay vai

Hạt lúa củ khoai

Bền bỉ nuôi con, nuôi chồng chiến đấu.

Đất nước

Của những người con gái, con trai

Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt. (...)

Đất nước

Ta hát mãi bài ca đất nước

Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc

Cho mắt ta nhìn tận cùng trời

Và cho chân ta đi tới cuối đất

Ôi! Tổ quốc mà ta yêu quý nhất

Chúng con chiến đấu cho Người

Việt Nam ơi!

(Trích "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!", Nam Hà, rút từ tập thơ "Trường Sơn, đường khát vọng", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2009)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo anh/chị, đoạn trích trên viết về đề tài gì?

Câu 2. Gọi tên hai biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong đoạn trích.

Câu 3. Anh/chị hãy chỉ ra cảm hứng chủ đạo của đoạn trích.

Câu 4. Sau khi đọc đoạn trích, anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: tuổi trẻ hôm nay cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước?

Câu 2. Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá vẻ đẹp của hình tượng đất nước được thể hiện trong đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

Có thể nhận thấy, việc ra đề thi ngoài sách giáo khoa đối với một đoạn thơ, bài thơ không mấy khó khăn vì dung lượng ngắn. Tuy vậy, đối với tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn; kịch, kí) có độ dài dài hàng chục trang thì phải ra đề thi thế nào cho phù hợp?

Thầy Nguyễn Hiền, giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, phải có 1 lộ trình, phải đưa ra danh mục "tác phẩm cần đọc" dùng trong nhà trường. "Đề thi lấy ngoài sách giáo khoa, nhưng không đi quá xa ngoài danh mục ấy mới đảm bảo 2 yêu cầu: chất lượng điểm thi và chất lượng đội ngũ trí thức", thầy Hiền nhấn mạnh.

Qua bài viết này, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn việc ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để thầy, trò chủ động hơn trong quá trình dạy và học.

Bình luận của bạn

Bình luận