Tiên học lễ, hậu học văn
Thật sự khó cầm được nước mắt đau xót và tức giận, khi đêm qua và sáng nay vào mạng xã hội, thấy xuất hiện 2 video clip ghi lại một vụ việc diễn ra tại lớp 7C, Trường Trung học cơ sở Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Một clip ghi lại cảnh một cô giáo đang đuổi đánh học sinh trên lớp, một clip ghi lại hình ảnh cũng cô giáo đó sau khi kết thúc tiết dạy âm nhạc bị nhóm học sinh lớp 7 liên tục chửi tục, ném giấy rác vào người.
Khi cô giáo xách túi rời lớp thì các học sinh chốt cửa lại, không cho ra ngoài. Chưa dừng lại, nhóm học sinh này còn hỗn xược dồn cô giáo vào góc lớp rồi hò reo, chửi bới, cười đùa, xúc phạm cô giáo của mình. Đáng chú ý, một nam sinh liên tục dùng vai hích vào người nữ giáo viên, ghé sát mặt dọa nạt, sau đó nằm lăn ra nền gạch "vu oan" cô giáo đánh mình.
Trước hành vi ngang ngược của nhóm học sinh này, nữ giáo viên không dám chống cự, chỉ dùng điện thoại để ghi lại sự việc. Tiếp đó, một học sinh dùng dép ném vào đầu cô giáo, khiến cô giáo ngất xỉu ngã vật xuống nền lớp học. Mặc cô giáo nằm bất động, nhóm học sinh này tiếp tục hò reo rất phản cảm. Toàn bộ sự việc trên được camera phòng học và cả của một học sinh quay lại đầy đủ.
Ngay sau khi 2 đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng, ái ngại về khả năng đứng lớp, kỹ năng sư phạm, thậm chí là sức khỏe tâm thần của cô giáo dạy nhạc đó. Đồng thời, dư luận đông đảo tập trung về phía thái độ của các cháu học sinh lớp 7 này, nhiều người phẫn nộ trước hành vi hỗn láo, ngang ngược của nhóm học sinh này. Và cùng chung cảm xúc với tôi, rất nhiều thầy cô giáo, nhiều phụ huynh học sinh đã bày tỏ nỗi đau xót và tức giận trước sự vụ này.
Đau xót vì sự hỗn loạn trong một lớp học nom không khác gì ở một cái chợ. Đau xót vì cô thì thiếu bản lĩnh người thầy và phương pháp sư phạm, trò thì vô lễ, vô đạo và vô lương tâm.
Tức giận vì một vụ việc diễn ra lâu như thế, ầm ĩ những tiếng la hét thất thanh, tiếng chửi bới tục tằn như thế tại một lớp học, mà không thấy một vị Giám thị, một nhân viên bảo vệ, một thầy cô giáo nào trong trường xuất hiện để can ngăn, để vãn hồi trật tự, để cứu cô giáo đó thoát ra khỏi sự "đơn độc" giữa đám đông học trò như một "bầy sói" nhỏ đang bị kích động đến dại cuồng.
Ngay trưa nay 5/12, thông tin với báo chí, ông Bùi Xuân Lượng - Chủ tịch xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau nhận được chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu xảy ra ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú.
Theo ông Lượng, sự việc xảy ra cách đây gần 1 tuần (tức ngày 29/11) tại lớp 7C. Nữ giáo viên bị học sinh xúc phạm là Phan Thị H., dạy bộ môn Âm nhạc và công tác tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú được vài năm.
"Sau sự việc, cô H. cũng đã xin nghỉ ốm vài hôm. Đến ngày hôm qua (4/12), cô quay lại trường tiếp tục công việc. Trước đó, nhà trường và xã đã lên kế hoạch họp giáo viên, lớp và mời học sinh đến làm rõ. Chúng tôi đã cho nhóm học sinh viết bản kiểm điểm. Tuy nhiên, thông tin mới từ một phía học sinh. Cô H. báo ốm nên chưa lên làm việc được. Hôm nay sẽ làm việc với cô giáo", ông Lượng cho biết.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí, ông Giang Tuấn Anh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương cho biết, đơn vị đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ, Công an huyện, các đơn vị liên quan kiểm tra xác minh, giải quyết theo quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện kết quả trước ngày 6/12.
"Trong ngày hôm nay 5/12, Ủy ban nhân dân huyện sẽ có báo cáo đầy đủ và thông tin kịp thời tới các đơn vị. Quan điểm của huyện là xem xét đầy đủ vụ việc và xử lý nghiêm các vi phạm của học sinh, giáo viên và trách nhiệm của ban lãnh đạo nhà trường theo quy định", ông Tuấn Anh khẳng định.
Tuy nhiên, các cấp chính quyền xã, huyện, kể cả cấp tỉnh có dành sự quan tâm tới vụ việc này là đáng quý, đáng khen, nhưng dư luận còn đòi hỏi sự lên tiếng, sự chỉ đạo trực tiếp theo ngành dọc từ Phòng Giáo dục huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa. Và đặc biệt là Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Văn Phú, nơi để xảy ra vụ việc đó, phải có các biện pháp phối hợp với gia đình các cháu học sinh cùng giáo dục, cùng phân tích cho học sinh hiểu rõ khi đối nhân xử thế ở ngoài đời cũng như ở trong trường học, đặc biệt với chính giáo viên dạy dỗ mình, giáo viên như cha mẹ mình. Phải làm sao để các cháu bé còn đang ở lứa tuổi "dở khôn dở dại" nhận ra hành vi của mình là sai trái và không được tái diễn. Phải làm sao để nếu cô sai thì cô cần rút kinh nghiệm sâu sắc trước trò, nếu trò sai thì phải xin lỗi cô một cách sâu sắc và thành khẩn.
Tôi xin phép được nhắc lại tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - người đạt giải Nobel Hòa bình, được ghi trang trọng trước cổng Trường Đại học Nam Phi, như một lời cảnh báo thông qua vụ việc ở Tuyên Quang và nhiều địa phương khác nữa, với mọi nhà trường, với cả ngành giáo dục hiện nay: "Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia". Chính vì thế, vụ việc xảy ra ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú có thể được ai đó coi chỉ như một đốm lửa nhỏ. Nhưng, cùng với không ít những vụ việc bạo lực học đường khác đã diễn ra ở nhiều trường học khác, cùng với nhiều đốm lửa khác, chúng sẽ tạo thành một đám cháy lớn, đủ để thiêu rụi "Thánh đường" giáo dục, làm sụp đổ cả một nền giáo dục của đất nước ta.
Thế cho nên, nhà trường luôn phải là nơi hàng ngày không chỉ truyền bá cho học sinh kiến thức mà còn cả trau dồi đạo đức và phẩm chất làm người; để cho các thầy cô giáo không chỉ là dạy dỗ cho các em những bài học in sẵn trong sách giáo khoa, mà phải hun đúc cho các cháu, các em học sinh ngay từ khi còn rất nhỏ những phẩm chất Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng, càng học lên cao càng vươn tới đỉnh cao của CHÂN - THIỆN - MỸ.
Mà muốn hoàn thành được những sứ mệnh cao cả đó, một trong những điều không bao giờ được quên, không bao giờ được buông bỏ, sao nhãng trong mọi nhà trường, lớp học, trong cả ngành giáo dục, trong mỗi vị phụ huynh, trong mỗi em học sinh, trong toàn xã hội là bài học ngàn đời mà cha ông để lại: Tiên học lễ, hậu học văn!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google