Tham vấn tâm lý học đường - cách tháo "ngòi nổ" bạo lực học đường hiệu quả

Hà Vy
12:11 - 27/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những mâu thuẫn, những khúc mắc không được hoá giải kịp thời sẽ dễ dàng dẫn đến những xung đột bất ngờ và học sinh sẽ dùng đến bạo lực để giải quyết. Nhiều người đặt câu hỏi: Tham vấn tâm lý học đường ở đâu mà để những sự việc như thế xảy ra trong môi trường giáo dục?

Tham vấn tâm lý học đường được hiểu là tư vấn tâm lý cho học sinh, đặc biệt đối với những em có vấn đề về hành vi, cảm xúc và những học sinh khó khăn trong việc học tập hoặc định hướng nghề nghiệp tương lai.

Vai trò của tham vấn tâm lý học đường quá mờ nhạt

Những bất ổn về tâm lý của tuổi mới lớn, giai đoạn mà tâm sinh lý các em đang phát triển mạnh nhưng những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống lại bị thiếu hụt. Trẻ cần được chia sẻ, được tư vấn để có thêm những định hướng đúng đắn.

Vai trò của tham vấn tâm lý học đường vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều trường học hiện nay, việc này chưa được chú trọng do rất nhiều nguyên nhân.

Có nhiều trường học không có phòng tư vấn, không có cả người chuyên phụ trách về tham vấn tâm lý học đường. Có trường, dù bố trí được phòng riêng biệt nhưng người phụ trách lại là giáo viên kiêm nhiệm.

Mỗi tuần, một giáo viên phụ trách tham vấn tâm lý học đường được miễn trừ khoảng 3 tiết dạy. Một giáo viên trung học cơ sở, mỗi tuần phải dạy 19 tiết (bậc trung học phổ thông là 17 tiết).

Dù có được trừ 3 tiết kiêm nhiệm thì công việc và thời gian tập trung trên bục giảng của những giáo viên này vẫn rất nhiều. Vì thế, phòng tư vấn luôn mở cửa nhưng lại thường xuyên vắng bóng người phụ trách.

Không chỉ ít thời gian, giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý học đường đa số vừa thiếu kiến thức, vừa yếu kỹ năng. Họ không được đào tạo riêng về chuyên môn tham vấn, ngoài một chứng chỉ học cấp tốc. Vì thế, những giáo viên này chủ yếu tư vấn dựa trên sự hiểu biết và vốn sống của cá nhân mình nên hiệu quả chưa cao.

Tham vấn tâm lý học đường - cách tháo "ngòi nổ" bạo lực học đường hiệu quả - Ảnh 2.

Học sinh lứa tuổi học trò rất cần có tham vấn tâm lý học đường. Ảnh: Freepexels.

Muốn tham vấn tâm lý học đường hiệu quả, người tư vấn phải tìm học sinh thay vì ngồi đợi

Đa số học sinh có tâm lý e ngại, nhút nhát nên rất ít em có đủ can đảm để bước vào phòng tham vấn tâm lý học đường. Nhiều giáo viên phụ trách công tác này ở các trường học đã từng chia sẻ, cả năm học, số lượng học sinh tìm đến phòng tham vấn tâm lý học đường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Do bận rộn công việc giảng dạy, hết giờ lên lớp lại bù đầu với việc mưu sinh, việc tư vấn cũng chỉ là công việc kiêm nhiệm nên không ít thầy cô có suy nghĩ ai cần thì tìm đến sẽ tư vấn, không đến thì thôi. Dẫn đến việc, chỉ học sinh tìm đến phòng tham vấn tâm lý học đường, còn người phụ trách công tác này của nhà trường sẽ không chủ động tìm đến các em.

Thế nên, với không ít trường học phòng tham vấn tâm lý học đường chỉ thật sự có việc làm khi có sự vụ gì đó đã xảy ra. Nghĩa là, công tác tham vấn tâm lý học đường hoá ra chỉ tập trung giải quyết hậu quả chứ không phát huy vai trò ngăn ngừa hậu quả xấu xảy ra.

Nếu mỗi trường học có được một người tư vấn tốt, tận tâm với công việc tham vấn tâm lý học đường thì dù chỉ là công tác kiêm nhiệm thì những bất ổn, những tác động tiêu cực trong ngôi trường ấy cũng giảm đi rất nhiều.

Trong thực tế, người làm công tác tham vấn tâm lý học đường đã không ít lần kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, những mầm mống bạo lực vừa được manh nha trong nội bộ học sinh. Bằng kinh nghiệm và vốn kiến thức của mình, các thầy cô giáo đã giải quyết mọi chuyện một cách tốt đẹp.

Thầy giáo Hữu Dũng, một giáo viên có thâm niên kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý học đường 5 năm cho biết: "Học sinh thường ít đến phòng tham vấn tâm lý học đường của trường thế nên tôi toàn phải đi tìm các em để tư vấn, giúp đỡ cụ thể khi cần".

Thầy giáo Hữu Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Tôi đã xây dựng được một đội cộng tác viên từ các lớp. Những học sinh này kịp thời báo cho thầy giáo những bất ổn từ các em. Một lần, tôi được một học sinh thông báo tin động trời "trưa mai, sau giờ tan trường tiết 5, tại… xảy ra vụ tỉ thí giữa 2 nhóm bạn trong lớp thầy ơi".

Ngay tối hôm đó, thầy giáo Hữu Dũng đã trao đổi với nhà trường lên kế hoạch để giải cứu trận quyết đấu của các học sinh. Đúng giờ hẹn, lúc tan trường, các thầy giáo được nhà trường phân công trước đó bám theo nhóm học sinh. Mặt đối mặt, thầy giáo và học sinh lúc này nói chuyện phải trái theo cách giải thích, thuyết phục, phân tích. Cuối cùng đã giải tán được đám đông mà mâu thuẫn cũng được hoá giải luôn.  

Không chỉ trận thách đấu không được thực hiện mà những học sinh này sau đó cũng được thầy Hữu Dũng gặp gỡ để trò chuyện trên tinh thần cởi mở và lắng nghe. Thầy giáo rõ ràng đã khéo léo khuyên can và hoá giải. Nhờ vậy, những khúc mắc của 2 nhóm học sinh cũng đã được hoá giải trên tinh thần đoàn kết.

Sự cần thiết của tham vấn tâm lý học đường

Nhiệm vụ chính của tham vấn tâm lý học đường chính là giúp cho học sinh có thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của bản thân trong học tập hoặc trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó giảm áp lực, sự căng thẳng, mệt mỏi để sống tích cực, vui vẻ và có ích hơn mỗi ngày.

Cùng với đó, tham vấn tâm lý học đường cũng giúp nhà trường ngăn chặn được những mâu thuẫn, những hiềm khích trong nội bộ học sinh ngay từ lúc mới manh nha chớm nở. 

Để công tác tham vấn tâm lý học đường có kết quả, cần phải có những giáo viên phụ trách có tay nghề chuyên môn, yêu thương học trò, có trách nhiệm với tuổi học đường của các em, dành trọn thời gian cho việc tư vấn.

Tránh tình trạng phân công giáo viên kiêm nhiệm và xem như công tác phụ như hiện nay trong nhà trường.