Đưa tâm lý học vào nhà trường để bạo lực học đường không còn chỗ đứng

Lam Linh
12:13 - 17/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bạo lực học đường và văn hóa trường học là một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay của ngành Giáo dục, cần có những giải pháp giải quyết, ngăn chặn triệt để.

Đưa tâm lý học vào nhà trường để bạo lực học đường không còn chỗ đứng - Ảnh 1.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa (Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội) phát biểu, trao đổi ý kiến về vấn đề bạo lực học đường. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bạo lực học đường là vấn đề nổi cộm trong các trường học hiện nay

Tại cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với cán bộ, giáo viên bậc phổ thông mới đây, cô Bùi Thị Thanh Huệ - đại diện giáo viên tỉnh Thái Bình chia sẻ rằng: "Hiện nay trong các nhà trường, một số học sinh chưa thực sự chăm ngoan do các điều kiện khách quan mang lại như hoàn cảnh gia đình, tiếp xúc nhiều trang mạng xã hội không lành mạnh, không làm chủ được cảm xúc dẫn đến xảy ra tình trạng vi phạm điều lệ trường học, bạo lực học đường".

Theo giáo viên Bùi Thị Thanh Huệ, bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh, thậm chí là cả phụ huynh với giáo viên. 

Cùng nói về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch hội đồng Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bình Khiêm (Hà Nội) cũng cho rằng, bạo lực học đường và lối sống của thanh thiếu niên trong thời đại kinh tế, xã hội phát triển là vấn đề nổi cộm và kéo dài trong các trường học hiện nay.

Đề xuất đưa tư tâm lý học vào nhà trường để đẩy lùi bạo lực học đường

"Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy đã xử lý khá ổn vấn đề bạo lực học đường từ nhiều năm nay bằng cách đưa tâm lý học vào nhà trường", thầy giáo Nguyễn Văn Hòa chia sẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, các giáo viên của nhà trường sẽ được tập huấn một khóa học giá trị sống từ 2-4 ngày. Tại đây, các giáo viên được đào tạo về tâm lý học đường, bồi dưỡng kỹ năng quản lý cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành cảm xúc tích cực, biết phát huy các giá trị của bản thân, các giá trị và niềm tự hào của nhà giáo. 

Từ khóa đào tạo này, thầy cô giáo sẽ biết cách xử lý mọi vấn đề liên quan đến học sinh và phụ huynh học sinh của mình để giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực diễn ra trong nhà trường, dưới bất kỳ hình thức nào.

"Đưa tâm lý học vào nhà trường đã thay đổi được diện mạo trường học, các biểu hiện tiêu cực trong lối sống của học sinh đã giảm đến mức độ tối đa và bạo lực học đường không có chỗ đứng", thầy giáo Nguyễn Văn Hòa cho hay.

Từ kinh nghiệm và thực tế, thầy Nguyễn Văn Hòa đề nghị, cần có biên chế cho vị trí tham vấn tâm lý trong các trường học và các giáo viên phải được bồi dưỡng, tập huấn về tâm lý học đường. 

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa (Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội)
Đưa tâm lý học vào nhà trường mới giải quyết được những vấn đề căn cơ, lâu dài cho tình trạng bạo lực học đường. Từ đó, giúp các nhà quản lý giáo dục, các hiệu trưởng có cách nhìn mới dưới góc độ nhà tâm lý giáo dục để giải quyết các vấn đề của nhà trường và quản trị nhà trường một cách khoa học, hiệu quả.

Về lâu dài, thầy giáo Nguyễn Văn Hòa đề xuất nên đưa tâm lý học vào chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm. Đồng thời ngay từ bây giờ, chương trình tập huấn về tâm lý học đường phải được triển với các nhà quản lý giáo dục, các hiệu trưởng trước tiên, sau đó sẽ lan tỏa đến các thầy cô giáo.

"Những vấn đề về tâm lý học, về giá trị sống, về trường học hạnh phúc sẽ giúp các nhà trường có cách tiếp cận mới dưới góc độ tâm lý giáo dục để phát triển giáo dục, xây dựng nhà trường kiểu mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà", thầy giáo Nguyễn Văn Hòa nói.

Ngăn chặn bạo lực học đường là trách nhiệm của toàn xã hội

Đưa tâm lý học vào nhà trường để bạo lực học đường không còn chỗ đứng - Ảnh 4.

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của ngành Giáo dục - theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hồi đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhận định rằng, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, là vấn đề không vui của ngành Giáo dục.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, bạo lực học đường hiện nay có những biểu hiện khác với những bạo lực học đường đã diễn ra trong quá khứ. 

"Đấy là một số học sinh nữ tham gia bạo lực học đường, mắc vào bạo lực học đường có xu hướng nhiều lên. Bạo lực học đường có cùng một mô tuýp là các nhóm học sinh nữ có hành vi bạo lực với các bạn, quay video đưa lên mạng xã hội. Những hình thức của bạo lực học đường có nhiều diễn biến mà khiến chúng ta - những người làm giáo dục phải đặc biệt quan tâm", ông Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Trước vấn nạn bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn tiến hành một số nghiên cứu, đánh giá để có những giải pháp ngăn chặn, giải quyết vấn đề này.

Phân tích từ các nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường thì tỉ lệ cao (hơn 70%) những học sinh mắc vào vấn nạn này đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: cha mẹ ly hôn; bản thân cha mẹ có những hành vi bạo lực với nhau hoặc với con cái, con cái chứng kiến bạo lực gia đình và từ bạo lực gia đình dẫn đến việc các em bị trầm cảm hoặc có những ý nghĩ liên quan đến hành vi bạo lực học đường. 

Vậy nên để giải quyết được bạo lực học đường thì cần phải có nhiều giải pháp mang tính tổng thể và là trách nhiệm của rất nhiều người, không chỉ đơn thuần của mình ngành Giáo dục. 

Bạo lực học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trách nhiệm về mọi việc xảy ra trong cơ sở giáo dục nói chung và tình trạng bạo lực học đường nói riêng trước tiên phải thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo. Trong đó, người hiệu trưởng phải có vai trò bao quát mọi vấn đề diễn ra trong cơ sở giáo dục của mình quản lý.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhà trường phải chủ động nắm bắt diễn biến tâm lý cũng như hoàn cảnh của học sinh để chủ động có những giải pháp tháo gỡ kịp thời và giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh rằng, ngoài nhà trường và gia đình thì điều quan trọng nhất là các em học sinh phải có các kỹ năng tự xử lý các vấn đề của mình, không nên trông chờ vào người khác. Và kỹ năng tự xử lý vấn đề là một biện pháp hiệu quả để giải quyết bạo lực học đường.

Có nhiều hành vi bạo lực học đường của học sinh xuất phát từ việc các em bị ảnh hưởng từ mạng xã hội. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý nên quan tâm, chú trọng vào việc giáo dục các kỹ năng xử lý vấn đề khi tham gia vào mạng xã hội cho học sinh. Theo đó, khi tham gia mạng xã hội, học sinh phải là những người có chính kiến và biết chắt lọc thông tin.

Giáo dục kỹ năng sống để học sinh biết cách tự xử lý các vấn đề mà mình phải đối mặt là một điều rất quan trọng. Bởi cuộc sống sau này khi trưởng thành, các em còn phải đối mặt với nhiều điều hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng rất tán thành với đề xuất của thầy giáo Nguyễn Văn Hòa về việc cần tăng cường tư vấn tâm lý học đường. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khả năng và kỹ năng xử lý những đề phát sinh trong lớp học, các vụ việc bạo lực học đường của giáo viên chủ nhiệm là một khâu có tính chất then chốt. Vì vậy cần nâng cao vai trò, tương tác của giáo viên chủ nhiệm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng cần phải tăng cường giáo dục văn hóa để xây dựng văn hóa học đường - bởi đây cũng là một việc trung tâm và quan trọng trong việc xây dựng trường học văn hoá, trường học hạnh phúc.

Bình luận của bạn

Bình luận