Phòng bạo lực học đường: Giáo viên chủ nhiệm quá ít thời gian dành cho học sinh
Sau vụ bạo lực học đường dẫn đến sự quyên sinh của một nữ sinh một trường chuyên vẫn chưa hạ nhiệt thì công chúng lại một phen hốt hoảng vì vụ việc một học sinh nữ bị đám bạn xông vào đấm đá, giật tóc, tát tai. Học sinh là nạn nhân chỉ biết ngồi chịu trận yếu ớt trước sự hùng hổ của đám bạn.
Tình trạng bạo lực học đường không có chiều hướng giảm bớt mà tiếp tục gia tăng. Đáng buồn hơn những vụ sau xuất hiện mức độ nghiêm trọng hơn những vụ trước.
Nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng ấy? Lẽ nào việc ngăn chặn bạo lực học đường của chúng ta đã đi sai đường?
Chống bạo lực học đường hiện nay chủ yếu là chạy theo vụ việc đã xảy ra. Thậm chí các trường học, các bên liên quan mỗi khi có vụ việc xảy ra đều chỉ lo chống đỡ dư luận, giải quyết khủng hoảng truyền thông. Ai cũng mong sự việc qua đi êm đẹp chứ hầu như không có kế sách để dẹp bỏ mầm mống bạo lực học đường.
Chống bạo lực học đường chưa đề cao việc phòng từ xa. Cứ sau mỗi vụ bạo lực học đường xảy ra, trường học liên tiếp nhận được công văn từ cấp trên nhắc nhở, làm rõ mức độ sai phạm, khắc phục hậu quả, rút kinh nghiệm, quán triệt tinh thần chỉ đạo… với mục đích không để vụ việc tương tự xảy ra.
Các trường nhận công văn lại tập hợp giáo viên với hàng chục cuộc họp từ tổ, liên tịch, chi bộ, hội đồng kỉ luật, hội đồng nhà trường… mang tính hành chính.
Học sinh được nhắc nhở liên tục dưới cờ, trong các buổi học, giờ sinh hoạt lớp, các tiết ngoại khóa…
Cả thầy và trò toàn trường cứ quay cuồng với bao việc khi giải trình (giáo viên và học sinh lớp có liên quan), lúc tiếp nhận các thông tin, sự chỉ đạo từ cấp thấp đến cấp cao (toàn trường phải tập trung)…Và, khi sự việc nóng, sốt qua đi, mọi việc lại đâu vào đấy.
Việc "chống" bạo lực trong ngành giáo dục thể hiện rõ nhất bằng việc chỉ biết chạy theo vụ việc khi đã xảy ra mà ít ai quan tâm đến việc cần phải "phòng" để không bao giờ phải "chống".
Trong khi đó, muốn giảm bạo lực trong nhà trường cần làm tốt công tác "phòng" hơn "chống". Ngành giáo dục từng có những giải pháp đi sâu vào hoạt động chuyên môn để giải quyết vấn nạn này, không "chống theo phong trào", nhưng việc áp dụng chưa hiệu quả.
Làm gì để phòng bạo lực học đường hiệu quả?
Đầu tiên phải nói đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp. Thầy cô chủ nhiệm chính là linh hồn của lớp.
Một tập thể lớp vui, hòa đồng, mọi người sống với nhau chan hòa, thân thiện thì chắc chắn sẽ không bao giờ có bạo lực xảy ra.
Đó chính là tài năng của thầy cô chủ nhiệm mà chẳng phải giáo viên nào cũng làm được. Có thể nói, thầy cô chủ nhiệm nhiệt tình với lớp sẽ nắm bắt tâm lý học sinh học sinh rất tốt.
Sự thân thiện, gần gũi của thầy cô với học sinh của lớp sẽ có nhiều em yêu quý, tin tưởng, các em sẽ tâm sự cho giáo viên biết những chuyện đang xảy ra ngoài lớp học.
Nhờ đó, thầy cô sẽ biết được sự manh nha của bạo lực sắp xảy ra để can thiệp sớm và ngăn chặn triệt để. Trong thực tế, nhiều thầy cô giáo đã rất thành công trong vai trò giáo viên chủ nhiệm của mình.
Thầy giáo Lê Quang Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Ngô Quyền huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã từng chia sẻ về việc nhận được tin nhắn của học sinh thông báo chuyện xích mích của một số học sinh khối lớp 11.
Thầy giáo đã cùng một số giáo viên gặp gỡ, nói chuyện với cả hai nhóm bạn, mâu thuẫn được xóa bỏ và vụ bạo lực (sắp xảy ra) đã được ngăn chặn triệt để.
Ngoài ra, thông qua những câu chuyện kể của học sinh về các bạn trong lớp, giáo viên sẽ nắm chắc hơn tính cách của từng học sinh. Hiểu rõ hơn tình cảnh của từng em để giáo viên có những biện pháp giáo dục, giúp đỡ.
Các giáo viên trực tiếp giảng dạy chia sẻ rằng trong một lớp học, thường chỉ vài ba em ngổ ngáo, nghịch ngợm. Những học sinh này thường liên kết với một số học sinh cũng cá biệt lớp khác kết thành "băng", thành "nhóm".
Một sự trùng hợp, những học sinh này phần nhiều có hoàn cảnh gia đình khá phức tạp. Có em chỉ sống với ngoại (nội), em lại sống với cha mà không có mẹ, hoặc cả ba mẹ đều bận đi làm ăn tối ngày.
Thế nên kết hợp sự dạy dỗ của gia đình là vô cùng khó. Thầy cô giáo dạy hằng ngày mà nhiều khi nói các em cũng chẳng buồn nghe.
Giáo viên chủ nhiệm đang có quá ít thời gian dành cho lớp
Thầy cô giáo chủ nhiệm luôn phải để ý, nhắc nhở và liên tục thay đổi phương pháp giáo dục. Lúc nhẹ nhàng nói chuyện, khi nghiêm khắc răn đe.
Thầy cô giáo chủ nhiệm không thiếu kiến thức tâm lý và phương pháp giáo dục, cái họ thiếu chính là thời gian dành cho học sinh. Nếu thầy cô chủ nhiệm dạy môn Toán, môn Văn còn có mặt khá nhiều ở lớp.
Nhưng giáo viên chủ nhiệm chỉ dạy môn Sử, Địa, Giáo dục công dân… mỗi tuần chỉ có 1 -2 tiết dạy ở lớp cộng 1 tiết sinh hoạt lớp thì thầy cô giáo có quá ít thời gian gần học sinh của mình.
Một số giáo viên dạy Toán, Văn cũng cho biết dù xuất hiện ở lớp nhiều hơn một số thầy cô giáo dạy những môn học khác nhưng vào lớp là thầy trò chúi đầu chúi mũi, tăng tốc học vì sợ hết giờ mà chưa hết bài.
Thế là giáo viên chủ nhiệm lớp gặp học trò chỉ là tiết sinh hoạt lớp vào chiều thứ 7 hàng tuần. Cả tuần mới gặp học sinh nói chuyện nhưng "phần lớn chỉ nghe thầy cô chửi mắng" một số học sinh chia sẻ.
Giáo viên mắng học sinh vì sổ đầu bài của lớp ghi đầy tội của học sinh, nào là không thuộc bài, mâu thuẫn cãi nhau, nói chuyện trong lớp, đi học trễ, vi phạm nội quy…
Thầy cô chửi, trò miễn cưỡng ngồi nghe (những học sinh vô can nói mình bị tra tấn). Vì thế, khoảng cách tình cảm giữa thầy và trò càng xa, xa mãi.
Và thông tin về lớp (chủ yếu ngoài giờ học) chẳng ai cung cấp cho thầy cô nên giáo viên trở nên mù tịt cho đến khi chuyện đáng tiếc (nếu có) xảy ra.
Cách phòng chống bạo lực hữu hiệu nhất lúc này phải nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, quy định lại số tiết miễn giảm, dành cho công tác giám quản của chủ nhiệm lớp để thầy cô giáo có thêm nhiều thời gian hơn dành cho học sinh của mình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google