Sự im lặng thờ ơ và lý do ...lộ trình !

Vũ Hùng
17:52 - 06/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nếu không quan tâm đến việc thiếu trường lớp của học trò, không quan tâm đến việc học tập của trẻ em hôm nay, chính là không lo lắng cho tương lai của đất nước.

Phụ huynh ở Hà Nội chen lần, thức đêm tranh suất cho con vào học lớp 10. Ảnh: Báo Tiền Phong

Phụ huynh ở Hà Nội chen lần, thức đêm tranh suất cho con vào học lớp 10. Ảnh: Báo Tiền Phong

Mấy hôm nay, đọc báo, xem mạng, tôi thấy nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội..., đều im lặng trước vấn nạn thiếu trường học của con trẻ Thủ đô trước năm học mới - một vấn nạn đang gây bức xúc đối với cả triệu phụ huynh. 

Năm học 2023-2024 này, Hà Nội chỉ tuyển 55,7% học sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có 33.000 cháu học sinh  phải học trường tư trên tổng số 102.000 thí sinh thi vào trung học phổ thông ở Hà Nội niên khoá 2023-2024. Với con số 55,7%, năm nay, số học sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất trong mấy năm gần đây. Trước đó, năm học 2021-2022 có khoảng 64,7% trúng tuyển vào các trường  trung học phổ thông công lập, năm học 2020-2021 có khoảng 60%, năm học 2019-2020 là 60%.

Sẽ có người phản biện, cho rằng do Hà Nội đất chật người đông, thiếu đất xây trường học nên mới có tình trạng này. Nhưng đó không phải là lý do sâu xa, cốt lõi và có tính thuyết phục cao. Hà Nội đất chật, người đông - không ai phủ nhận thực tế đó! Và rồi, ở Hà Nội xây chung cư ồ ạt nhưng lại ít xây thêm trường học công, trẻ em thiếu trường học thì dường như được coi là điều đương nhiên, ai cũng biết và ai cũng "thông cảm" với ngành giáo dục! 

Nhớ lại thời bao cấp, tuy thiếu thốn đủ bề, vậy mà trẻ em luôn được học trường công. Không phải chỉ vì lúc ấy người thưa đất rộng, mà quan trọng hơn hết là nhờ có những chính sách rất thiết thực và tốt đẹp của ngành giáo dục và chính quyền Thủ đô thời ấy dành cho việc chăm lo xây dựng trường học. Ví dụ, các khu chung cư khi xây dựng (như Kim Liên, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ, Thanh Nhàn vv...), thì trong quy hoạch và thực tế thi công, luôn luôn phải xây dựng các trường học ở ngay tại khu vực gần sát các chung cư đó. Còn hiện nay, Nhà nước vẫn luôn có chủ trương, quy định, nhưng hầu như khi quy hoạch, khi thực hiện, người ta đã vô tình (hoặc cố ý) không để ý, thiếu giám sát, thiếu xử lý nghiêm theo quy định. Vậy nên ở nhiều nơi, chủ trương, chính sách đúng đắn của nhà nước về chăm lo học hành của dân lại mắc kẹt lại đâu đó mà không đến được đối tượng được hưởng là con em của chúng ta.

Tôi cứ thấy lo, cứ băn khoăn với công tác quy hoạch trường học của ngành giáo dục Thủ đô. Một câu hỏi cứ vấn vương trong tôi, tại sao luôn có đất dành cho xây trường tư, mà lại luôn thiếu đất để xây trường công? Phát biểu với báo chí gần đây, một Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, nói rằng: Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em; số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên; Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học, tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể

Vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội nói như vậy không sai. Quy hoạch, xây dựng gì đi nữa cũng phải có thời gian và lộ trình - cũng không sai. Nhưng việc học của con em chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước - lại không thể chờ cho đủ "thời gian và lộ trình". Trẻ em thì cứ được sinh ra và lớn lên hàng ngày, đến tuổi là phải đi học, đi học thì phải lên lớp, lên lớp rồi phải chuyển cấp. Chúng ta và con em của chúng ta không quan tâm đến “thời gian và lộ trình” của các nhà quản lý. Các cháu cần phải có đủ trường công để học tập, nhất là con em của những gia đình không khá giả về kinh tế để có thể theo học trường tư. 

Cách đây một năm ở phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai đã xảy ra chuyện cười ra nước mắt: phụ huynh phải bốc thăm tìm kiếm điều may mắn để con được đi học mẫu giáo vì trên địa bàn thiếu trường. Công dân đi học lại phụ thuộc vào may rủi! May rủi nên con của người này được đi học thì cũng có nghĩa là con của người khác sẽ không được học ở khu vực đó - trong khi quyền được học của công dân Việt Nam là quyền rất quan trọng được pháp luật bảo hộ! 

Cũng thời điểm đó, tại chương trình Thời sự 19h, VTV1 cũng đã phát sóng một phóng sự nói về vấn nạn thiếu trường công lập ở Hà Nội. Phóng sự này với những hình ảnh được ghi lại ở nhiều địa điểm tại tại Hà Nội đã cho khán giả thấy một sự thật bất ngờ. Đó là việc có nhiều khu đất đã được quy hoạch xây trường học nhưng bị bỏ hoang hàng chục năm. Đất để không lãng phí, còn các phụ huynh sống ngay tại các khu vực đó vẫn cứ phải đôn đáo, chật vật chạy tìm trường công cho con cháu vào học. Nghịch lý đó nhiều người biết nhưng nó vẫn tồn tại nhiều năm. Trường công lập thiếu, dẫn đến các trường quá tải tại nhiều khu vực, nhất là những khu đô thị đông dân cư.

Cụ thể hơn, phóng sự của VTV1 đưa hình ảnh, đã 10 năm qua, người đàn ông  trồng rau (trồng tạm nhưng thực tế là lâu dài) tại khu đất ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Người dân chờ đợi một trường mầm non được xây dựng theo quy hoạch trên diện tích 0,6ha; nhưng 10 năm trôi qua vẫn chưa có tín hiệu gì. Bây giờ người dân quanh đó (trong đó có người đàn ông đang trồng rau) hoặc  trồng rau, hoặc dựng nhà gỗ để đồ đạc ngay trên khu đất đáng lẽ đã là một trường học từ chục năm trước. Có 7 khu đất bỏ hoang như vậy với tổng diện tích gần 8ha tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nơi có tới 85 tòa chung cư và trường mầm non công lập chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu. Thật là  trái khoáy: Nhiều chung cư là thế nhưng lại ít có trường học công lập được xây. 

Còn tại một khu đô thị thuộc huyện Thanh Oai, vị trí quy hoạch trường học giờ là nơi thả trâu bò, cỏ mọc hơn 10 năm nay. Toàn dự án khu đô thị có 17 điểm với 15ha cho trường học nhưng chỉ có 2 trường tư thục được xây. Chính quyền những địa phương này nhiều lần kêu gọi chủ đầu tư bàn giao đất để đầu tư xây trường nhưng "chưa có kết quả". Dường như các nhà đầu tư "oai " hơn chính quyền? Hay là chính quyền địa phương có "mắc nợ" nhà đầu tư? Cạnh khu đất bỏ hoang là quán trà đá của một  đôi vợ chồng già. Hai đứa cháu 3 tuổi và 4 tuổi của ông bà đều không thể đăng ký vào trường mầm non công lập và cũng không biết đến bao giờ mới có thể có cơ hội. 

Những gì đã nói ở trên cho chúng ta thấy một sự thật: thiếu đất không phải là nguyên nhân chính, mà nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới việc thiếu trường công là nhiều cấp quản lý và nhà đầu tư đang lờ đi chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về việc xây trường học!  Kể cả khi đất có thiếu cũng chưa phải là điều đáng lo nhất. Mà đáng lo nhất chính là các nhà quản lý thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu một sự quan tâm sâu sát, thiếu sự kiên quyết trong xử lý, thiếu một tầm nhìn xa dành cho sự nghiệp trồng người! 

Nếu không quan tâm đến việc thiếu trường lớp của học trò, không quan tâm đến việc học tập của trẻ em hôm nay, chính là không lo lắng cho tương lai của đất nước. Chắc hẳn nhiều người đều đã đọc câu sau của Vạn thế sư biểu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Văn Trinh Chu An: "Ta chưa từng nghe một quốc gia nào coi nhẹ sự học mà khá lên được". 

Tôi thiển nghĩ, nếu chúng ta mãi cứ im lặng thờ ơ, và nếu các nhà quản lý mãi  cứ tìm lý do "thời gian và lộ trình" để thanh minh cho tình trạng thiếu trường kéo dài, thì không chỉ đáng buồn, mà sẽ dẫn đến hậu quả "khó mà  khá lên được". Phải không ạ?