Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

PV
14:24 - 26/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội chi trả không dùng tiền mặt

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây đã ký Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Thời gian qua, hệ thống chính sách an sinh xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội. 

Nhìn chung các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đặc biệt là việc chi trả các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt - Ảnh 2.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương; chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công. Chậm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành chính sách. Việc theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng chưa thống nhất, đồng bộ theo thời gian thực giữa trung ương và địa phương nên việc chi trả cho các đối tượng vẫn còn tình trạng chậm, trùng lĩnh đối tượng.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhóm đối tượng này. 

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, kết nối, chia sẻ dữ liệu an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 06).

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, đoàn thể chỉ đạo Tổ công tác triển khai Đề án 06 ở cấp xã, cấp huyện rà soát, lập danh sách theo nhóm các đối tượng; đối soát, xác thực danh sách đối tượng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu hoàn thành trong quý I năm 2023.

Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, phối hợp với cơ quan chi trả chính sách an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng quy trình và hướng dẫn các địa phương việc thực hiện triển khai nhiệm vụ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Kết nối, đồng bộ dữ liệu về an sinh xã hội 

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, triển khai Phần mềm quản lý công dân thuộc diện được hỗ trợ chính sách an sinh xã hội của Nhà nước trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử, hoàn thành trong năm 2022.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; kết nối, đồng bộ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan để hỗ trợ thực thi chính sách về an sinh xã hội.

Xác thực thông tin về đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện việc kết nối, đồng bộ dữ liệu về an sinh xã hội đảm bảo theo lộ trình của Đề án 06.

Chỉ đạo lực lượng Công an các địa phương phối hợp với cơ quan lao động ở địa phương rà soát, đối chiếu, xác thực thông tin về các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn phục vụ công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt, hoàn thành trong năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong hướng dẫn triển khai chi trả qua tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước.