HĐND thành phố Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết phục vụ an sinh xã hội
Mặc dù là kỳ họp chuyên đề, nhưng tại kỳ họp thứ chín Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI có nhiều nhóm vấn đề quan trọng được xem xét, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến học phí, biên chế giáo viên.
Ngày 12/9, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ chín - Kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, đại diện các sở, ban, ngành thành phố.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, kỳ họp này là kỳ họp chuyên đề nhưng cũng là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng được xem xét, thông qua.
Giữ nguyên mức học phí
Trong năm 2022 vừa qua, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2021 - 2022.
Thực hiện Nghị định số 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định.
Hiện nay, về cơ bản, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, kinh tế thành phố đang từng bước phục hồi và ổn định. Tuy nhiên, nhận thấy đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch, thành phố Hà Nội xây dựng phương án mức thu học phí năm học 2022 - 2023 giữ nguyên như năm học 2021 - 2022, gồm cả phần thành phố hỗ trợ 50% học phí.
Phần chênh lệch giữa mức thu thực tế so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81 sẽ do ngân sách thành phố cấp bổ sung.
Ngoài chính sách trên, Hà Nội còn xây dựng cơ chế miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông thuộc địa bàn các xã miền núi và một số đối tượng chính sách, khó khăn theo quy định.
Tăng biên chế giáo viên cho năm học 2022 - 2023
Theo Tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố, năm học 2022 - 2023, thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc trung học cơ sở là 3.135 người, bậc trung học phổ thông là 1.311 người. Tổng số viên chức giáo viên được bổ sung là 2.361 biên chế, gồm: 600 giáo viên tiểu học, 1.309 giáo viên trung học cơ sở và 452 giáo viên trung học phổ thông.
Trên cơ sở tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố, Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, tại buổi họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tổng biên chế là 116.420, trong đó bao gồm: Số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 32/NQ-HDND ngày 10/12/2021 của Hội đồng Nhân dân thành phố gồm 114.059 biên chế; bổ sung 2.361 biên chế theo Quyết định số 72-QĐ/TƯ ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị và Công văn số 3887/BNV-TCBC ngày 12/8/2022 của Bộ Nội vụ; giao bổ sung 2.361 biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023 cho Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã. Trong đó, giáo viên trung học phổ thông 452 biên chế; giáo viên trung học cơ sở 1.309 biên chế; giáo viên tiểu học 600 biên chế.
Biên chế được giao bổ sung thực hiện từ tháng 9/2022.
Tại kỳ họp lần này, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội còn xem xét Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố và Nghị quyết thay thế Nghị quyết 08/2016/NQ-Hội đồng Nhân dân của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là nội dung rất quan trọng, cấp thiết, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thành phố.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố còn thấp, đến ngày 22/8, mới đạt 27,1% so với kế hoạch Hội đồng Nhân dân thành phố giao, nhóm vấn đề về kế hoạch đầu tư công gồm việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố và phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương một số dự án đầu tư công cũng được xem xét, quyết nghị.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng xem xét quyết định về mức hỗ trợ, động viên đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố. Đây là nội dung quan trọng, cấp thiết và rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của thành phố trong việc ghi nhận những đóng góp, cố gắng, đồng thời hỗ trợ, động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập của thành phố yên tâm công tác, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google