Đi chợ không dùng tiền mặt - thói quen mới của người tiêu dùng

Công Ngọc
08:44 - 30/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Không dùng tiền mặt khi giao dịch mua bán đang dần trở thành thói quen của nhiều người bởi sự tiện lợi mà phương thức này mang lại. Trong tương lai gần, sẽ ngày càng có nhiều người chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Đi chợ không dùng tiền mặt phù hợp với mọi người

Ngày nay, trong thời buổi công nghệ 4.0, khi hoạt động giao dịch có thể diễn ra trên nền tảng số hóa thì việc đi chợ không dùng tiền mặt là một trong những hoạt động giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận nhiều phương thức thanh toán hiện đại.

Chỉ có vỏn vẹn trong túi vài chục ngàn đồng, chị Nguyễn Thị Hải Yến (Long Biên, Hà Nội) vẫn có thể thoải mái, tự tin mua sắm những món đồ mình thích tại những địa điểm vui chơi đắt đỏ mà không dùng đến tiền mặt.

Thay vào đó, bằng chiếc điện thoại thông minh, chỉ mất 5 phút để quét mã QR code ở tài khoản ngân hàng, chị đã có thể chi trả hết cho những món hàng mình mua.

"Việc sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán bằng cách quét mã QR code tại các cửa hàng thực sự rất tiện lợi và nhanh chóng. Ngày trước, người tiêu dùng phải mang theo một số lượng lớn tiền mặt, rồi phải đợi trả lại tiền thừa, phải canh cánh lo trộm lấy mất ví. Nay, mọi việc đều được giải quyết một cách nhanh chóng, an toàn chỉ bằng một chiếc điện thoại" – chị Hải Yến chia sẻ.

Không chỉ thông dụng ở các trung tâm mua sắm lớn, phương thức này đã có mặt tại cả những cửa hàng nhỏ lẻ.

Bà Nguyễn Thị Thảo – một tiểu thương tại chợ Kiều Mai, phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Từ đợt dịch COVID-19 bùng phát, thành phố bắt đầu hạn chế tụ tập đông người và tiếp xúc gần. Được bạn bè và người thân hướng dẫn, tôi bắt đầu mở tài khoản ngân hàng để cho khách có thể chuyển khoản, thanh toán qua đó. Sử dụng lâu dần thành quen vì thấy rất tiện lợi, nhanh chóng mà không lo phải tiếp xúc gần với nhiều người".

Chị Hải Anh - một tiểu thương khác trong chợ cũng chia sẻ, từ ngày áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các khách hàng của chị đều ủng hộ. 

Mới đầu, cũng có một số người còn bỡ ngỡ và cảm thấy khó chịu nhưng dùng vài lần họ cũng đã quen với hình thức thanh toán này.

Tiện ích mô hình đi chợ không dùng tiền mặt - Ảnh 2.

Người dân đang dần quen với việc mua sắm không dùng tiền mặt. Ảnh: Công Ngọc

Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh của VNPAY - QR cho biết, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của người dân đang tăng dần ở Hà Nội và các thành phố lớn trên cả nước.  

Nhiều khách hàng sử dụng thanh toán điện tử cho  cả những chi tiêu nhỏ lẻ như mua xăng, uống cà phê, trà đá...

Trước xu hướng thanh toán đang ngày càng được người dân tin dùng, các ngân hàng cũng  đã kịp thời cải tiến giao diện theo hướng thân thiện với người sử dụng.

Để hỗ trợ cho khách hàng, các ngân hàng đã bổ sung các tính năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, tận dụng lợi thế có sẵn khách hàng sử dụng app trên điện thoại di động.

Đồng thời, không ngừng mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn.  

Bà Hoàng Huyền Trâm - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hà Nội cho biết: Đến nay, đã có 39,19 triệu ví điện tử được kích hoạt (tăng 3,68% so với cuối năm 2021).

Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử của các tổ chức tín dụng được xử lý thành công đạt khoảng 583,84 triệu món với tổng giá trị giao dịch hơn 271,36 nghìn tỷ đồng.

Gần 70% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, gần 5,5 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 8 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động; gần 1,77 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở với khoảng 67,2% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mới đây, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc người dân đang dần hình thành thói quen không dùng tiền mặt khi giao dịch, mua sắm sẽ là động lực, tiền đề để các doanh nghiệp có thể nghiên cứu, phát triển thêm những phương thức thanh toán mới. Từ đó, giúp cho hoạt động thương mại điện tử trên không gian mạng được sôi động hơn, tạo thuận lợi cho khách hàng để kích cầu mua sắm.