Chuyển phát nhanh thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở ngành bán lẻ

17:03 - 23/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Người tiêu dùng Việt Nam đã đón nhận hàng loạt phương thức thanh toán kỹ thuật số và có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán.

Chuyển phát nhanh thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở ngành bán lẻ - Ảnh 1.

Người tiêu dùng đã sẵn sàng cho các phương thức thanh toán kỹ thuật số trên điện thoại.
Ảnh: CTV/Vietnam+

Theo Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của VISA - Công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã đón nhận hàng loạt phương thức thanh toán kỹ thuật số và có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán.

Đặc biệt, nhiều lĩnh vực như: logistics thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, giao nhận... còn thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên thị trường bán lẻ.

Nghiên cứu mới nhất này chỉ ra rằng, có 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ hạn chế, thậm chí ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt, với gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).

Ghi nhận thực tế trên thị trường, thanh toán qua mã QR (Quick response code - mã phản hồi nhanh) là một trong những hình thức thanh toán không tiền mặt được ưa chuộng nhất hiện nay. Điển hình, người tiêu dùng có thể quét mã mua hàng (QR code) trên website, shopping tại hầu hết trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… mà không cần dùng tiền mặt hay thẻ.

QR code cũng được chia thành 2 loại động và tĩnh; trong đó, QR code động được đánh giá sở hữu nhiều tính năng ưu việt và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. Tính ưu việt của QR code động nằm ở sự nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.

QR code động cho phép người dùng, bỏ qua những bước phức tạp như: nhập số tiền, kiểm tra thông tin tài khoản người nhận... đồng thời, người dùng chỉ cần mở ứng dụng internet banking của ngân hàng đang sử dụng trên điện thoại di động, bật tính năng quét mã QR và thực hiện quét mã tương ứng trên thiết bị.

Ở góc độ người tiêu dùng, bạn Nhã Linh, sinh viên năm 3, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, với thiết bị di động thông minh và có thể truy cập wifi miễn phí ở nhiều nơi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì ưu tiên mua sắm không dùng tiền mặt trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, để khuyến khích khách hàng thanh toán không tiền mặt, nhiều đơn vị kinh doanh, bán lẻ còn hỗ trợ wifi miễn phí, giảm giá trên hóa đơn với mức phổ biến từ 5%-10% khi người tiêu dùng quét mã QR tại điểm bán.

Một số người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, không chỉ hệ thống bán lẻ mà nhiều lĩnh vực như: logistics thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, giao nhận... cũng sử dụng quét mã QR đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng giao dịch không tiền mặt.

Hơn thế nữa, khi giao nhận những sản phẩm, dịch vụ có giá trị giao dịch lớn thì người dân cũng không cảm thấy bất an khi phải mang theo số tiền mặt lớn để thanh toán và nhận hàng.

Ngoài hướng tới lợi ích của người dùng, chuyển đổi số cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp đa ngành nghề, lĩnh vực tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng đầu cuối.

Trên thị trường bán lẻ hiện nay, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các thẻ mã QR cũng như thói quen quét mã QR tại nhiều quầy thanh toán của chuỗi cửa hàng dịch vụ, siêu thị, quán cà phê... cho đến nhân viên bưu điện, shipper...

Về phía doanh nghiệp chuyển phát nhanh, ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam cho biết, từ xu thế chung này, J&T Express lựa chọn hình thức thanh toán QR code, mà ở đây là QR code động trong thanh toán như một bước đi tiên phong trong ngành chuyển phát, hướng đến tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng.

Tính năng thanh toán qua mã QR động được J&T Express áp dụng cho tất cả dịch vụ chuyển phát đang cung cấp, gồm: chuyển phát tiêu chuẩn, chuyển phát nhanh, dịch vụ hỏa tốc, dịch vụ chuyển phát hàng tươi sống, dịch vụ chuyển phát quốc tế.

Ghi nhận thực tế, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao và kỹ tính hơn, không chỉ đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mà còn đòi hỏi những giá trị thiết thực trong cơ chế chính sách dành cho khách hàng.

Chính vì vậy, doanh nghiệp tham gia thị trường bán lẻ và chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt Nam đang có xu thế chọn cách thu hút và giữ chân khách hàng thông qua nâng cấp dịch vụ, tạo giá trị gia tăng từ khâu lấy hàng, xử lý tới khi giao nhận đến khách hàng đầu cuối như ứng dụng di động, e-mail và cảnh báo SMS, gắn thẻ bảo mật, hỗ trợ khách hàng qua tổng đài 24/7…

Nguồn: Mỹ Phương (TTXVN)