Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT: Bao giờ giáo viên được nhận lương mới?

Thành Phúc
17:01 - 18/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo hướng dẫn, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023, nhưng bao giờ giáo viên có quyết định bổ nhiệm hạng mới, được nhận lương mới mới là điều giáo viên quan tâm nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Như vậy, về cơ bản thì những bất cập của chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã được Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung.

Theo hướng dẫn, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023, nhưng bao giờ giáo viên có quyết định bổ nhiệm hạng mới, được nhận lương mới mới là điều giáo viên quan tâm nhất.

Bởi lẽ, chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực hơn 2 năm qua nhưng mọi thứ vẫn gần như không có gì thay đổi so với trước đây.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có 6 điểm mới: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng; Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp; Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ; Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm; Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm; Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Giáo viên chờ đợi mốc thời gian thực hiện Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT

Đặc biệt, theo hướng dẫn của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở khi đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0) thì những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Như vậy, so chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT thì nhiều giáo viên tiểu học và trung học cơ sở có nhiều điểm lợi hơn. Bởi lẽ, những giáo viên mới được tuyển dụng nhưng có trình độ trên đại học (từ thạc sĩ trở lên) sẽ được xếp vào hệ số lương 4,0 (trước đây là 2,34). Bên cạnh đó, những giáo viên đang hưởng lương bậc 4 (hệ số 3,33); bậc 5 (hệ số 3,66) và bậc 6 (hệ số 3,99) nếu được xếp hạng II mới sẽ đều được chuyển sang lương bậc 1 (hệ số 4,0) mới.

Tuy nhiên, mấu chốt của việc xếp hạng, xếp lương mới là bao giờ giáo viên mới được nhận lương mới mới? Bởi vì theo hướng dẫn của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023 nhưng thời điểm áp dụng hạng mới, lương mới thì chưa phải thời điểm 30/5/2023 là có thể thực hiện được.

Lật lại trước đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và hướng dẫn có hiệu lực vào ngày 20/3/2021 và lúc đó dư luận rộ lên tin giáo viên sẽ được nhận lương mới sau ngày 20/3/2021. Chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên hạng nào cũng phải có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Chẳng hạn, đối với Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì yêu cầu giáo viên hạng III như sau: "Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)".

Đối với giáo viên hạng II thì yêu cầu: "Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II". Giáo viên hạng I thì yêu cầu: "Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I". Có nghĩa là giáo viên hạng nào cũng đều yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và khi chuyển lên hạng cao hơn lại phải đi học một chứng chỉ mới.

Giáo viên cơ sở ở các trường, địa phương đổ xô đi học chứng chỉ. Học mỗi chứng chỉ tốn từ 2-3 triệu đồng, nhiều trường sư phạm tiếp thị các trường mầm non, phổ thông để mở lớp, liên kết mở lớp. Thời điểm COVID-19 hoành hành, các trường bồi dưỡng chứng chỉ dạy online cho giáo viên. Gần như giáo viên nào cũng đều đi học chứng chỉ. Ít thì 1, nhiều giáo viên đã học đến 2 chứng chỉ vì lúc đó quy định mỗi hạng giáo viên có 1 chứng chỉ riêng.

Thế nhưng, sau hơn 2 năm có hiệu lực chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT nhưng hạng và bảng lương mới của giáo viên chỉ nằm trên giấy tờ, hồ sơ. Giáo viên dưới cơ sở vẫn đang hưởng lương theo theo hướng dẫn của chùm Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Giáo viên có trình độ đại học vẫn đang hưởng lương từ hệ số 2,34-4,98 như trước đây.

Trước những bất cập và phản biện từ cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT bằng Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT

Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện như thế nào thì phải chờ đợi đến lúc nào được xếp hạng mới, nhận lương mới thì lúc đó thông tư mới có hiệu lực thực sự. Giáo viên hiện nóng lòng chờ đợi mốc thời gian 30/5/2023 và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT thực hiện, áp dụng cụ thể.