Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT: Giáo viên mầm non hưởng lợi gì?

Phan Anh
06:00 - 29/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với những thay đổi từ Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non hưởng lợi trong việc chuyển hạng, xếp lương từ 30/5 và 1/7/2023.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Riêng giáo viên mầm non có nhiều lợi thế trong chuyển hạng, xếp lương bởi các quy định sau.

Giáo viên mầm non có nhiều lợi thế trong chuyển hạng, xếp lương theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT

Thứ nhất, bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Thứ hai, bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.

Thứ ba, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Thứ tư, điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm.

Tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ GDĐT điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác. Ví dụ như quy định thời gian giữ ngạch cán sự là 3 năm theo Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ. 

Tuy nhiên, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II tăng từ 6 năm lên 9 năm để đảm bảo tuân thủ quy định của Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Đồng thời, thống nhất với quy định thời gian giữ hạng III đối với giáo viên phổ thông và quy định thời gian giữ ngạch/hạng đối với các chức danh cùng được áp dụng bảng lương của công chức/viên chức loại A1 khác.

Thứ năm, không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Nếu tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (dự kiến từ ngày 1/7/2023) và trả lương theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp) thì bảng lương mới của giáo viên mầm non sẽ như sau:

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT: Giáo viên mầm non hưởng lợi gì? - Ảnh 3.

Ghi chú:

- Phụ cấp thâm niên: Phụ cấp thâm niên (Bậc 3: 6% mức lương hiện hưởng, nếu tăng thêm 1 bậc thì tăng thêm 3%).

- Phụ cấp ưu đãi: Phụ cấp ưu đãi (35% mức lương).

- Bảo  hiểm xã hội: Mức trừ để đóng Bảo hiểm xã hội (trừ 10,5% mức lương đã tính gộp thêm phụ cấp thâm niên)

(Mức lương thực nhận theo bảng trên chưa tính các loại phụ cấp khác như: phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực…).

Một số lưu ý về tiền lương của giáo viên mầm non theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT

Giáo viên mầm non hạng II, hạng III (theo quy định cũ) nếu đạt chuẩn theo quy định mới thì giữ nguyên mức lương theo xếp hạng giáo viên mầm non mới (vẫn là hạng II, hạng III).

Giáo viên hạng II (cũ) nếu được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (theo quy định mới) khi trúng tuyển trong kì thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mức lương sẽ tăng hơn trước.

Giáo viên hạng II (cũ) chưa đạt chuẩn theo quy định mới thì được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng III, mức lương không thay đổi.

Giáo viên hạng IV (cũ) nếu đạt chuẩn theo quy định mới sẽ được bổ nhiệm thành giáo viên mầm non hạng III (mới) và mức lương sẽ tăng hơn trước.