Thói quen hàng ngày khiến bạn mệt mỏi vào hôm sau

Lan Dương
11:53 - 26/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nếu bạn thấy mình "ngáp ngắn ngáp dài" tại bàn làm việc vào giữa trưa hoặc đi ngủ nhiều hơn bình thường, đây là lúc nên tìm cách để cải thiện nguồn năng lượng cho cơ thể mình.

Theo các chuyên gia y tế, việc trở thành một người tràn đầy năng lượng "mọi lúc mọi nơi" có thể ít liên quan đến những gì bạn ăn hoặc uống, mà liên quan nhiều hơn đến một số thói quen nhất định trong cuộc sống hàng ngày mà bạn nên thay đổi.

Thói quen hàng ngày khiến bạn mệt mỏi vào hôm sau - Ảnh 1.

Nếu bạn thấy mình "ngáp ngắn ngáp dài" tại bàn làm việc vào giữa trưa hoặc đi ngủ nhiều hơn bình thường, đây là lúc nên tìm cách để cải thiện nguồn năng lượng cho cơ thể mình. Ảnh: Prevention

Thói quen tệ nhất làm giảm năng lượng

Theo The Huffington Post, Tiến sĩ, bác sĩ Mary Valvano của BetterNowMD, thói quen tồi tệ nhất làm giảm năng lượng, hiệu quả học tập và làm việc vào ngày hôm sau của bạn là bữa tối hôm trước đã ăn khá nhiều; thường xuyên biến bữa tối trở thành bữa ăn lớn nhất trong ngày.

Câu nói: "Ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một người ăn xin" thực sự dựa trên sinh học. Bác sĩ Mary Valvano cho biết: "Các tế bào trong cơ thể chúng ta chuyển hóa thức ăn khác nhau dựa trên thời gian trong ngày. Ăn cùng một bữa lúc 8 giờ sáng so với 6 giờ chiều có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng năng lượng của cơ thể chúng ta".

Bác sĩ Mary Valvano giải thích rằng ăn một bữa muộn, đặc biệt là rất muộn vào ban đêm có thể "làm giảm lượng đường trong máu và giảm khả năng nhận được năng lượng tối ưu từ các bữa ăn của ngày hôm sau".

Do đó, bằng cách ăn nhiều hơn vào đầu ngày so với cuối ngày, bạn sẽ thấy bản thân có nhiều năng lượng hơn trong suốt cả ngày. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được bởi nhiều người thường đi làm từ rất sớm, ăn uống qua loa bên ngoài; tTối trở về nhà, quây quần bên mâm cơm cuối ngày cùng gia đình nên bữa tối trở thành bữa ăn thịnh soạn và quan trọng nhất trong ngày của họ.

Đặc biệt, việc ăn nhiều vào ban đêm sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của chúng ta. Những bữa ăn lớn vào đêm muộn sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Điều đó làm cho việc nghỉ ngơi chất lượng trở nên khó khăn hơn. Ngủ không đủ giấc, đặc biệt là ngủ sâu chắc chắn sẽ làm cạn kiệt năng lượng của bạn.

Do đó, nếu bạn có thói quen ăn một bữa tối thịnh soạn và không ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm (điều mà nhiều người lớn không làm được), thì nên thay đổi thói quen này càng sớm càng tốt bởi theo các chuyên gia y tế, ăn khuya có thể khiến bạn mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Thói quen hàng ngày khiến bạn mệt mỏi vào hôm sau - Ảnh 2.

Một số thói quen nhất định trong cuộc sống hàng ngày khiến bạn mệt mỏi vào hôm sau. Ảnh: Getty Images

Nhiều thói quen gây hại sức khỏe cần loại bỏ

Ngoài việc cần tránh những bữa ăn lớn vào cuối ngày và đảm bảo ngủ đủ giấc để cơ thể tràn đầy năng lượng cho việc học tập, vui chơi và lao động vào hôm sau, một số thói quen khác trong ngày cũng có thể làm cạn kiệt mức năng lượng của bạn.

Cụ thể, nếu bạn là người thích uống nước tăng lực: Theo các chuyên gia, thức uống này có thể đang làm cạn kiệt năng lượng của cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước tăng lực có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của tim, não, gây viêm nhiễm và tăng huyết áp...

Tuy nhiên, một số loại đồ uống chứa caffein khác như trà, đặc biệt là trà xanh hoặc trà lên men có thể giúp cải thiện mức năng lượng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, lối sống ít vận động cùng với chế độ ăn nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn chắc chắn góp phần làm giảm mức năng lượng của bạn.

Tiến sĩ, bác sĩ Danielle Kelvas tại Chattanooga, Tennessee cho biết: "Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện mức năng lượng bằng cách tăng lưu lượng máu, oxy đến não và cơ bắp. Nên đặt mục tiêu tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội".

Thói quen hàng ngày khiến bạn mệt mỏi vào hôm sau - Ảnh 3.

Một chế độ ăn giàu thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến có thể giúp cung cấp năng lượng bền vững suốt cả ngày cho cơ thể. Ảnh: Essentialmealdelivery

Đối với chế độ ăn kiêng thì "một chế độ ăn giàu thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến có thể giúp cung cấp năng lượng bền vững suốt cả ngày cho cơ thể. Nên ăn nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Tránh tiêu thụ quá nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn", bác sĩ Danielle Kelvas nói.

Sau cùng, căng thẳng mãn tính là lý do lớn khiến mức năng lượng giảm sút, bởi mệt mỏi là tác dụng phụ của căng thẳng và cạn kiệt cảm xúc. Bạn nên thực hiện các biện pháp giúp kiểm soát căng thẳng như thiền, hít thở sâu hoặc yoga để giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện nguồn năng lượng cho cơ thể.

Một chút mệt mỏi trong ngày không có gì đáng lo ngại về mặt sức khỏe và có thể được khắc phục bằng một số điều chỉnh đơn giản. Tuy nhiên, nếu tình trạng mệt mỏi của bạn kéo dài hơn một hoặc hai tuần, bạn nên đi khám bác sĩ. Điều này đặc biệt đúng nếu mệt mỏi kèm theo các triệu chứng khác như sốt, chán ăn hoặc khó thở.

Theo bác sĩ Danielle Kelvas, mức năng lượng thấp có thể liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau như nhiễm trùng, suy giáp, cường giáp và rối loạn giấc ngủ…